Khoảng trống lớn nhất của Luật Đất là câu chuyện biến vốn đất thành vốn tài chính
(Dân trí) - Chuyên gia cho rằng, cơ chế xin - cho tạo điều kiện cho tham ô tham nhũng mà hàng loạt vụ án đang và sẽ xét xử, liên quan đến đất đai, dính đến nhiều cán bộ có chức, có quyền.
Nhà đầu tư "lợi 2 đầu"
Tham luận Hội thảo Pháp luật và thực tiễn về tiếp cận đất đai của doanh nghiệp tại Việt Nam diễn ra sáng nay (27/6), ông Trần Ngọc Hùng - Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho rằng, giá đất đối với các dự án BT "đổi đất lấy hạ tầng" của doanh nghiệp đang sử dụng khi cổ phần hóa còn nhiều vấn đề bất cập.
"Giá đất khi giao đất cho chủ đầu tư thực hiện dự án hiện đang thực hiện theo giá do UBND cấp tỉnh ban hành thấp hơn rất nhiều theo giá thị trường gây thất thoát lãng phí đất đai chưa sở hữu toàn dân, làm lợi cho nhà đầu tư và một số người có chức, quyền liên quan thông qua cơ chế xin - cho", ông Hùng cho biết.
Theo ông Hùng, điển hình giá đất khi giao các mảnh đất cho chủ đầu tư là nhà ở, khi di dời các nhà máy, biển báo, kho tàng rất thấp theo giá UBND tỉnh ban hành. Đồng thời, đất giao không qua đấu giá, không công khai minh bạch. Chủ đầu tư "chạy - xin - cho" để được có dự án hưởng lợi cực lớn.
Ông Hùng cũng dẫn trường hợp các dự án BT, giá công trình là giá giao cho chủ đầu tư lập nên rồi “thẩm định” “xét duyệt” mà không đấu thầu.
"Trong khi giao đất lại không đấu giá mà lại giao giá chủ yếu dựa trên khung giá do UBND tỉnh ban hành, lại còn giảm hệ số cơ chế xin - cho, dẫn đến Nhà nước thiệt cả 2 đầu, nhà đầu tư lợi cả 2 đầu. Và cơ chế xin - cho này tạo điều kiện cho tham ô tham nhũng mà hàng loạt vụ án đang và sẽ xét xử, liên quan đến đất đai, dính đến nhiều cán bộ có chức, có quyền", ông Hùng nêu.
Theo đó, ông Hùng cho rằng Luật Đất đai còn nhiều vấn đề liên quan cần nghiên cứu xem xét sửa đổi bổ sung bao gồm cả trình tự, thủ tục thực hiện vào thu hồi về giao đất nhằm chống cửa quyền, lợi ích nhóm. Bên cạnh đó, các quy trình từ phân loại đất, sử dụng đất đô thị, định giá đất cho đến thanh tra, xử lý sai phạm cũng cần xem xét sửa đổi.
Khâu yếu nhất của Luật Đất đai
Đồng quan điểm, GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, khoảng trống lớn nhất của Luật Đất là câu chuyện biến vốn đất thành vốn tài chính. "Đây là khâu yếu nhất của Luật Đất đai 2013, chưa đáp ứng được thực tế", ông Võ nói.
Đối với cơ chế của các dự án BT, ông Võ cho biết, Luật Đất đai chỉ quy định về thẩm quyền giao đất BT còn phần định giá thì "biến mất".
"Cái người ta cần về BT là định giá chứ không phải thẩm quyền giao đất. Luật không quy định ai là người có trách nhiệm kiểm toán giá trị đất đai, công trình nhà đầu tư đã làm. Điều này dẫn đến lỗ hổng trong quản lý dự án BT", ông nói.
Một vấn đề nữa cũng được ông Võ nhắc đến là cổ phần hoá. Quy định hiện nay, vẫn quy định không tính giá trị đất đai đối với đất thuê nhưng thuê đất cũng có 2 trường hợp 1 lần và hàng năm. Tuy nhiên, quy định về cổ phần hóa và đất đai là không tương ứng.
"Nếu trả 1 lần thì đấy là hình thức tích lũy. Luật Đất đai 2003 gọi là giao đất, Luật 2013 gọi là thuê đất trả 1 lần. Quy định không tính giá trị đất đai với đất thuê thì đúng với luật 2003 chứ không đúng với luật 2013. Hay như Luật Đất đai 2013 không nói đến chuyện đấu thầu sử dụng đất, chỉ có đấu giá đất nhưng trên thực tế đấu thầu là có. Như câu chuyện BT, đòi bao nhiêu đất để đổi", ông nói thêm.
Phương Dung