1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Chi hơn 15,7 tỷ đồng để sở hữu một con tem

(Dân trí) - Một nhà sưu tập giấu tên ở Anh vừa trả giá 495.000 Bảng Anh (707.000 USD, tương đương hơn 15,7 tỷ đồng) để được sở hữu con tem có mệnh giá 1 penny mang tên "Penny đỏ 77".

Chi hơn 15,7 tỷ đồng để sở hữu một con tem - 1

Ông Keith Heddle, Giám đốc Đầu tư của Tập đoàn Stanley Gibbons - đơn vị tổ chức sàn đấu giá này cho biết, đây là 1 trong 5 con tem mang tính biểu tượng của con tem nước Anh được giới sưu tập săn lùng và ao ước nhất trong hơn 100 năm qua.

Tem "Penny đỏ 77" được phát hành vào năm 1863, với mệnh giá 1 penny, in hình Nữ hoàng Anh Victoria - được ví như “chén thánh” của sưu tập tem do số lượng tồn tại của nó hiện rất hạn chế. Các tem này được tạo ra nhưng lại không được bưu điện bán ra vì có chất lượng in không tốt. Tuy vậy “vẫn có một lượng rất nhỏ được đưa vào lưu thông dù khuôn in gốc đã bị phá hủy”, ông nói.

Năm 2012, sàn đấu giá Stanley Gibbons cũng đã đưa bán đấu giá một con tem “Penny đỏ 77” tương tự. Và người chiến thắng là một nhà sưu tập người Australia khi ông trả giá đến 550.000 Bảng Anh. Đây được coi là con tem đắt giá nhất nước Anh. “Mức giá cao hơn phản ánh tình trạng của con tem lúc đó tốt hơn”, ông Heddle cho biết. Hiện số tem còn lại vẫn đang được trưng bày trong bảo tàng Anh.

Tuy nhiên, con tem đắt nhất thế giới hiện vẫn thuộc về con tem “One Cent Black on Magenta” của Guiana (thuộc Anh), được bán vào năm 2014 tại New York với mức giá 9,48 triệu USD. Đây là con tem được phát hành năm 1856 và được cho là con tem duy nhất trên thế giới.

Ông Heddle cho rằng, thị trường tem hiếm vẫn sôi động mặc dù thị trường toàn cầu biến động. “175 năm qua kể từ khi con tem “Penny Đen”, con tem đầu tiên trên thế giới, được giới thiệu, vai trò của tem đã thay đổi nhiều nhưng nó vẫn đóng vai trò như một tài sản bảo đảm”, Heddle nói.

Theo Stanlet Gibbons, trong 10 năm tính đến tháng 6/2015, tổng giá trị của các con tem trong danh mục GB250 Stamp Index, được biên soạn từ các catalogue chính thức hàng năm của Stanley Gibbons, đã tăng lên 8.645.250 Bảng Anh (tương đương 12,3 triệu USD).

Tập đoàn này cũng cho biết, lợi nhuận hàng năm từ danh mục đã tăng 10,25% so với mức lợi nhuận dưới 8% của chỉ số S&P500. Trong đó, tăng “khủng” nhất trong hơn một thập kỷ qua là con tem “SG7 1d plate 11” được phát hành năm 1841. Chỉ từ năm 2005 đến năm 2015, giá trị con tem này ước tính đã tăng hơn 1.500% và có thể đạt mức giá là 17.000 USD.

Nhật Linh
Theo CNBC, The Guardian

Chi hơn 15,7 tỷ đồng để sở hữu một con tem - 2

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm