1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Chi cho khoa học bình quân 0,02% mỗi năm, doanh nghiệp Việt cạnh tranh bằng gì?

(Dân trí) - Hiện nay chi bình quân cho khoa học công nghệ của doanh nghiệp Việt chỉ đạt 0,02%, trong khi cố gắng đưa đầu tư lên 5-10% rất khó. Do vậy, doanh nghiệp Việt sẽ phải cạnh tranh ra sao trong bối cảnh thế giới đã bước chân vào cuộc cách mạng công nghiệp giai đoạn 4.

Đó là lo ngại của TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tại hội nghị bàn về phát triển kinh tế tư nhân được tổ chức mới đây tại Hà Nội.

Theo ông Doanh, khu vực kinh tế tư nhân, kinh tế nhỏ và vừa phải được xem là nhiệm vụ phát triển đội ngũ doanh nghiệp dân tộc. Bài học lớn nhất đó là các nước Nhật Bản, Hàn Quốc rất coi trọng khu vực kinh tế tư nhân, DN nhỏ và vừa và họ đã làm đủ mọi cách để giúp khu vực này lớn lên, to ra.

Vốn đầu tư chi cho hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ đang là điểm yếu lớn của Việt Nam trong cuộc cạnh tranh mới (Ảnh minh họa)
Vốn đầu tư chi cho hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ đang là điểm yếu lớn của Việt Nam trong cuộc cạnh tranh mới (Ảnh minh họa)

"Tại Việt Nam, chúng ta cần đặt vấn đề phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp đã bước sang giai đoạn thứ 4, tức là chú trọng vào giá trị gia tăng bằng khoa học, công nghệ, qua những sáng kiến, những chiến lược đầu tư cho R&D (nghiên cứu và phát triển). Việt Nam chúng ta phải quên ngay, loại bỏ trong đầu kiểu kinh doanh chỉ dựa vào đất đai, nguồn lực rẻ. Điều ấy đã quá cũ và không bền vững", ông Doanh đề cập.

Ông Doanh dẫn thực tế: Hiện nay DN Việt Nam đầu tư vào khoa học công nghệ 0,02%, cố gắng đưa đầu tư lên 5 - 10% nhưng còn rất khó, trong khi đó DN tại Hàn Quốc, họ lại đầu tư đến 40%. Samsung ngày xưa xuất thân từ DN tư nhân, họ được hỗ trợ và lớn lên. Giờ họ đang là đại kình địch "vật nhau" với Apple (Mỹ). Còn tại Việt Nam, có không ít DN kinh doanh không tuân thủ theo nguyên tắc thị trường, đạt giá trị gia tăng bền vững mà sử dụng các mối quan hệ với chính quyền”, ông Doanh nói.

“Có rất nhiều DN tôi được biết có chống lưng thì có lãi, có thông tin trước tiên được xem là đặc quyền, là lợi thế cạnh tranh. Mặc dù không phải đa số nhưng rất nhiều DN sử dụng kiểu này đang kinh doanh có lãi nhanh hơn đầu tư vào nguồn nhân lực và khoa học công nghệ", TS Doanh nêu.

Theo các chuyên gia, vấn đề trên đã đang đặt ra cho Việt Nam cần giải quyết được vấn đề bất bình đẳng trong cung cấp thông tin. Nếu không triệt để chống lợi ích sân sau, chống lưng DN của một bộ phận quan chức như hiện nay thì không thể tạo sự công bằng và động lực cho DN nhỏ, siêu nhỏ trở thành DN lớn được.

Ông Doanh dẫn ví dụ: "Theo Luật Doanh nghiệp, hộ gia đình sử dụng trên 10 lao động phải đăng ký nhưng tôi được biết có những hộ gia đình thuê hàng trăm lao động nhưng không chuyển đổi thành DN, họ nói chuyển đổi là "em chết ngay". Kinh tế hộ gia đình là giai đoạn quá độ, không thể cứ mãi bé được. Tuy nhiên, nó không lớn lên được và không muốn lớn".

Thực tế, số chi đầu tư cho khoa học và công nghệ (KHCN) không chỉ thấp và ít ở DN mà mấy năm qua chi từ Ngân sách Nhà nước (NSNN) cho lĩnh vực trên cũng luôn ở hạng “áp chót”. Cụ thể, theo báo cáo kết quả kiểm toán về thu chi ngân sách của Kiểm toán Nhà nước (thực hiện trong cả năm 2015 về năm tài chính 2014), tại 9 bộ và 31 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, dự toán chi KHCN năm 2014 chỉ đạt bằng 1,36% tổng chi NSNN.

Đây là số chi thấp hơn nghị quyết của Quốc hội đã giao cho Chính phủ, yêu cầu chi đầu tư cho KHCN mỗi năm 2% tổng chi NSNN. Đáng nói, nếu xét trong cơ cấu NSNN chi thường xuyên, KHCN chỉ đạt hơn 7.000 tỷ đồng, chiếm chưa đầy 1% chi thường xuyên được Quốc hội và Chính phủ giao. Con số đầu tư cho KHCN chỉ bằng 1/18 số tiền chi cho hoạt động quản lý hành chính của các bộ và địa phương trong năm (hơn 123.000 tỷ đồng).

Mới đây, theo báo cáo về cân đối thu chi ngân sách 9 tháng đầu năm, Tổng cục Thống kê cho hay, chi NSNN cho lĩnh vực KHCN chỉ chiếm 215 tỷ đồng, thấp hơn 30 lần số chi cho lĩnh vực GTVT và cho ngành nông nghiệp.

Thực tế, trong chiến lược phát triển KHCN Việt Nam đến 2020 đã đặt ra yêu cầu tốc độ đổi mới công nghệ phải đạt 15-20% mỗi năm, nghĩa là sau khoảng 5 năm các doanh nghiệp Việt Nam phải đổi mới được một thế hệ công nghệ. Tại Luật Khoa học Công nghệ năm 2013, quy định DN phải dành tối thiểu 3%, tối đa 10% lợi nhuận để đầu tư cho KHCN. Nhưng trên thực tế, theo các chuyên gia rất ít DN làm được điều này vì quy mô nhỏ nên với 10% lợi nh​uận sẽ không đủ để họ đổi mới công nghệ hoặc tạo ra sản phẩm mới, trong khi đó các quỹ đầu tư cho KHCN, các trung tâm KHCN Nhà nước chưa thực sự hiệu quả, chưa cung cấp cái cần cho DN và là địa chỉ để DN hướng đến.

Nguyễn Tuyền