Chi 212 tỷ đồng nhập chương trình nghề về Việt Nam

(Dân trí) - Bộ Tài chính vừa đồng ý cho Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ,TB&XH) chuyển số dư dự toán năm 2015 sang sử dụng năm 2016, trong đó chi số tiền hơn 212 tỷ đồng để nhập khẩu chương trình nghề, đào tạo của các nước về Việt Nam.

Cụ thể, Bộ LĐ,TB&XH được chi hơn 57 tỷ đồng để thuê kiểm định và công nhận 8 bộ chương trình nghề từ Malaysia, thuê chuyên gia nước ngoài hướng dẫn triển khai đào tạo thí điểm, tổ chức đào tạo 8 nghề trọng điểm cho hơn 220 sinh viên; chi hơn 135 tỷ đồng, chuyển nhập 14 bộ chương trình nghề trọng điểm cấp độ quốc tế từ Cộng hòa Liên bang Đức; chi hơn 20 tỷ đồng để nhập 12 bộ chương trình đã chuyển giao từ Úc để đào tạo thí điểm 12 nghề trọng điểm quốc tế tại Việt Nam.

Năm 2016, Việt Nam chi hàng trăm tỷ đồng để nhập khẩu chương trình đào tạo nghề từ nước ngoài (ảnh minh họa)
Năm 2016, Việt Nam chi hàng trăm tỷ đồng để nhập khẩu chương trình đào tạo nghề từ nước ngoài (ảnh minh họa)

Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Tài chính, số tiền chi nhập khẩu chương trình dạy nghề quốc tế là con số lớn, các chương trình này phải phù hợp với đặc điểm của Việt Nam nên yêu cầu cơ quan của Bộ LĐ, TB&XH cần có báo cáo cụ thể, chi tiết về chương trình, mục tiêu và hiệu quả sử dụng chương trình trên.

Bên cạnh đó, các cơ quan của Bộ LĐ,TB&XH cần công bố rộng rãi việc áp dụng chương trình nhập khẩu nghề của nước ngoài và có đánh giá hiệu quả theo từng giai đoạn.

Đặc biệt, từ tháng 9/2016, Chính phủ đã giao toàn bộ lĩnh vực dạy nghề cho Bộ LD,TB&XH, việc phân công này nhằm chấm dứt tranh cãi lâu nay về trách nhiệm và hiệu quả trong quản lý dạy nghề giữa bộ này với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Bên cạnh đó, cũng đưa ra các chỉ tiêu, yêu cầu để dạy nghề chạy đua kịp với chương trình dạy nghề các nước trong khu vực.

Hiện, tình trạng thừa thầy thiếu thợ đã và đang phổ biến tại Việt Nam trong những năm qua, việc xã hội quá chú trọng vào đào tạo đại học trong khi xem nhẹ đào tạo nghề khiến tỷ lệ sinh viên đại học, cao đẳng ra trường thấp nghiệp, chưa kiếm được việc làm hoặc làm trái với ngành nghề đào tạo đang phổ biến. Trong khi đó, Việt Nam vẫn thiếu những lao động kỹ thuật, công nhân lành nghề được đào tạo bài bản, có trình độ chuyên sâu, chuyên môn cao.

Theo tổng kết của Tổng cục Dạy nghề trong năm 2016, giáo dục dạy nghề tại Việt Nam hiện chủ yếu được phân cho các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và trường dạy nghề. Phần lớn các trường này có cơ sở vật chất và trang thiết bị còn thiếu và yếu khiến chất lượng đào tào nghề chưa đạt yêu cầu. Số phải đào tạo chuyên sâu lại tại các doanh nghiệp đạt tỷ lệ cao do đặc thù công nghệ và máy móc doanh nghiệp khác biệt so với chương trình dạy của các trường đề ra.

Nguyễn Tuyền