Chẳng biết đâu mà lần, không biết tin vào ai

Sự khác nhau quá lớn về số liệu thống kê, báo cáo trong nhiều lĩnh vực, từ ngân hàng cho tới nông nghiệp khiến cho những nhà điều hành kinh tế không biết tin vào đâu để đưa ra các chính sách đúng đắn.

Loạn số liệu

Chưa bao giờ vấn đề số liệu thống kê hết nóng và nó trở thành chủ đề mà Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ vừa đưa ra để bản thảo trông một hội nghị mới đây nhằm tìm ra cách thức có được những con số chính xác nhất, đầy đủ nhất phục vụ công tác điều hành của Chính phủ.

Theo Phó thủ tướng, không có thông tin thì không thể ra quyết định được, “không biết đâu mà lần”. Thống kê là công cụ quản lý vĩ mô rất quan trọng. Tuy nhiên, điều mà Phó thủ tướng trăn trở là tình trạng số liệu thống kê mù mờ, mỗi nơi một kiểu, giá trị thông tin thấp.

“Cùng một mặt hàng mà có tới 2 số liệu thì Chính phủ biết tin bộ nào, dựa vào con số nào mà điều hành. Số liệu thống kê thiếu đồng nhất khiến Chính phủ không biết tin ai, điều hành như thế nào". Đây là câu hỏi đầy lo âu của Phó thủ tướng

Chẳng biết đâu mà lần, không biết tin vào ai - 1

Một ví dự được Phó thủ tướng đề cập, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn báo cáo lên Chính phủ là xuất được 200.000 tấn thịt lợn qua biên giới, thì con số mà Bộ Công Thương báo cáo là 300.000 tấn.

“Nhiều chuyên gia trong và ngoài nước không tin lắm vào qua mô GDP 200 tỷ USD của Việt Nam, rồi GDP bình quân đầu người của VN là 2.000 hay 2.300 USD, hay là bao nhiều?”, Phó Thủ tướng dẫn chứng thêm

Câu chuyện mà Phó thủ tướng đề cập đã diễn ra không ít tranh cãi trong thực tế. Thông tin tranh cãi về chênh lệch về số liệu xuất khẩu khoáng sản giữa Hải quan Việt Nam và Trung Quốc lên tới 5 tỷ USD, thay vì một vài trăm triệu USD khiến nhiều người giật mình.

Bà Lê Thị Minh Thủy, Vụ trưởng Vụ Thương mại Dịch vụ (GSO) mong muốn được sự chia sẻ thông tin dữ liệu từ các bộ, ngành. Theo đó, như trong năm ngoái, giải trình chênh lệch xuất nhập khẩu với Trung Quốc là 20 tỷ USD, năm nay giảm xuống còn 16 tỷ USD thì phải biết được chênh lệch ở đâu, mặt hàng nào, lĩnh vực nào giảm để từ đó phân tích, đi tới các nhóm nguyên nhân khác nhau.

Trước đó, dẫn con số GSO, TS Vũ Đình Ánh cho biết, số liệu GDP 2015 đạt gần 4,2 triệu tỷ đồng, vênh tới gần 300 ngàn tỷ đồng so với GDP do Bộ Tài chính ước tính (gần 4,5 triệu tỷ đồng). Nó khiến bội chi ngân sách có thể lên tới 5,4% GDP (vượt chi tiêu QH giao), thay vì 5% như tính toán.

Giữa 2015, nhiều đại biểu QH tỏ ra lo lắng với cách thức thống kê khi mà tăng trưởng GDP cả nước chỉ hơn 5%, còn GDP tại các địa phương vọt lên 10%, dẫn tới nhiều hệ lụy.

Điều hành sao đây?

Số liệu thống kê về nền kinh tế Việt Nam nhiều khi khá 'bí hiểm'. Trong khi báo cáo cho biết DN phá sản hàng loạt, người mất việc tăng thì lại có báo cáo cũng về thời điểm đó cho thấy tỷ lệ thất nghiệp và tỷ lệ hộ nghèo lại giảm đi.

Chẳng biết đâu mà lần, không biết tin vào ai - 2

Trong nhiều cuộc họp, TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, làm chính sách đúng là khó nhất vì cơ sở số liệu chả có tý thuyết phục nào.

Cùng phản ánh tăng trưởng của nền kinh tế trong cùng một năm và cả 2 số liệu đều được công nhận nhưng tổng tăng trưởng GDP của 63 tình thành lại gấp đôi tăng trưởng GDP quốc gia…

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ rõ, số liệu thống kê hiện rất mù mờ, giá trị sử dụng rất thấp. Theo đó , thông tin và số liệu đưa ra phải có ý nghĩa, phải so sánh được bởi một DN lớn có thể gấp cả vạn lần DN nhỏ. Các thông tin về nộp thuế, lỗ lãi như thế nào, tạo ra bao nhiêu việc làm, chi phí không chính thức, số liệu xuất nhập khẩu…

Hàng loạt ví dụ cho thấy số liệu thống kê còn thiếu và chất lượng thấp như: Lao động nông thôn và nông nghiệp, số lượng và chất lượng lao động ở khu vực này ra sao?. Cho đến số hàng triệu lao động nhập cư nhưng sinh sống thường xuyên tại các tỉnh, thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương… cũng không được thông kê đầy đủ.

Những yêu cầu về con số khách du lịch có đóng góp như thế nào đối với phát triển kinh tế, chi tiêu như thế nào khi du lịch tại Việt Nam cũng là câu hỏi được đặt ra khi Chính phủ làm Đề án đưa du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn.

Chuyện số liệu thông tin ngành cực khổ, còn số liệu các vùng kinh tế còn khó hơn.

Trong vấn đề thất nghiệp, hiện Chính phủ rất muốn biết số lượng sinh viên ra trường thất nghiệp thực sự là bao nhiêu, khu vực thành thị, khu vực nông thôn thế nào nhưng không biết tìm ở chỗ nào? Số liệu đưa ra có xác thực với thực tiễn hiện nay không?

Rồi vấn đề Việt Nam gia nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được 6 tháng nhưng số liệu thống kê vẫn không đầy đủ như quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các nước trong khu vực như thế nào mà chưa có.

Theo Phó thủ tướng, phạm vi thống kê hiện không bao quát hết các lĩnh vực của nền kinh tế, đặc biệt là khu vực kinh tế không chính thức như các hộ kinh doanh cá thể. Trong khi, đây là khu vực kinh tế không hề nhỏ, ước chiếm 20-30% quy mô GDP cả nước. Muốn mở rộng cơ sở thuế thì ngành thống kê phải đánh giá xác thực sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Ở chiều ngược lại, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng GSO cho biết, số liệu cung cấp cho GSO còn chậm, chất lượng chưa đảm bảo. Trong số 23 bộ, ngành chỉ có 11 bộ, ngành thực hiện đầy đủ các biểu báo cáo, 6 bộ ngành thực hiện báo cáo không đầy đủ, và 5 bộ, ngành không thực hiện biểu báo cáo thống kê.

Theo M. Hà
Vietnamnet