Cảnh báo công nghệ Trung Quốc khi nâng cấp Nhà máy lọc dầu Cát Lái

(Dân trí) - Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), Bộ Công an đề nghị chủ đầu tư Nhà máy lọc dầu Cát Lái (tại TP.HCM) làm rõ công nghệ có xuất xứ Trung Quốc tại Dự án nâng cấp Nhà máy lọc dầu Cát Lái, đồng thời lưu ý chủ đầu tư phải sử dụng máy móc, thiết bị có xuất xứ từ các nước có nền công nghiệp lọc hoá dầu tiên tiến, đảm bảo có phương án dự trù về vật tư, linh kiện thay thế.

Mới đây, chủ đầu tư dự án Nhà máy lọc dầu Cát Lái đã có văn bản đề nghị Bộ Công Thương báo cáo để Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án nâng cấp Nhà máy lọc dầu Cát Lái. Theo đó chủ đầu tư sẽ thay đổi công suất thiết kế từ 350.000 tấn/năm lên 400.000 tấn/năm và bổ sung dự án này vào quy hoạch ngành dầu khí Việt Nam năm 2025 và tầm nhìn 2035.

Một góc Nhà máy lọc dầu Cát Lái (Tp.HCM)
Một góc Nhà máy lọc dầu Cát Lái (Tp.HCM)

Lo ngại thiết bị công nghệ Trung Quốc

Cụ thể, theo báo cáo của Bộ Công Thương dự án nói trên đã bổ sung thêm các chủ đầu tư, theo đó bao gồm liên doanh giữa Saison Petro (Việt Nam) với 45% vốn, PetroSummit Pte.,Ltd. (Singapore, 100% vốn Nhật Bản) có 31% vốn và Công ty cổ phần Âu Lạc (Việt Nam) 24% vốn.

Theo kiến nghị của Saison Petro (chủ đầu tư chính), kể từ khi Thủ tướng có quyết định số 49/2011 về lộ trình tiêu chuẩn khí thải với ô tô nhập khẩu, lắp ráp mới, từ 1/1/2018 sẽ áp dụng tiêu chuẩn nhiên liệu lên Euro 4. Việc nâng cấp Nhà máy lọc dầu cát Lái về sản lượng, tiêu chuẩn được công ty cho là cần thiết và đã làm nhiều bước để báo cáo các cấp ngành chức năng.

Tuy nhiên, khi Bộ Công Thương đứng ra xin ý kiến các bộ, ngành và địa phương về Dự án nâng cấp Nhà máy lọc dầu Cát Lái, rất nhiều bộ, ngành bày tỏ lo ngại, băn khoăn nhiều vấn đề của dự án này và kiến nghị Bộ Công Thương, Chính phủ cân nhắc xem xét lại dự án.

Cụ thể, Bộ KH&ĐT khẳng định: Dự án đầu tư nâng chỉ số octane phân đoạn Naphtha của Saigon Petro được Thủ tướng chấp thuận triển khai đầu tư từ tháng 5/2007. Tuy nhiên đến tháng 8/2017, báo cáo của Saigon Petro cho biết do chưa tìm được đối tác quản lý công nghệ nên dự án tạm ngừng thực hiện.

“Từ khi dự án có ý kiến của Thủ tướng đồng ý chủ trương triển khai nay là 10 năm, chủ đầu tư chưa triển khai thực hiện và không có văn bản đề xuất giãn tiến độ dự án, báo cáo cơ quan đăng ký đầu tư, do vậy Dự án bị chấm dứt hoạt động theo Luật Đầu tư năm 2013”, Bộ KH&ĐT khẳng định.

Bộ này cho hay: Trong báo cáo hồ sơ của Saigon Petro thì cụm chưng cất condensate thiết bị đã cũ, không phù hợp về trình độ kỹ thuật hiện đại, sản phẩm hiện tại của nhà máy chỉ đáo ứng tiêu chuẩn Euro 2, việc nâng cấp lên chuẩn Euro 4 là cần thiết. Tuy nhiên, cần lưu ý về quy hoạch nâng cấp dự án có phù hợp với quy hoạch của TP.HCM hay không. Bên cạnh đó, cần bổ sung tính pháp lý của việc thay đổi nhà đầu tư khi có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài và Công ty Âu Lạc.

Góp ý với Chính phủ và Bộ Công Thương, Bộ Công an đề nghị chủ đầu tư xem xét lại phần công nghệ có xuất xứ từ trung Quốc và đây cũng là lo ngại của Bộ KH&CN đối với Dự án nâng cấp nói trên.

Chưa xây dựng lộ trình tiêu chuẩn xăng Euro 5 vào năm 2022

Cụ thể, Bộ KH&CN khẳng định: Dự án dự kiến sử dụng công nghệ NUT của Viện Nghiên cứu chế biến dầu khi Trung Quốc để nâng chỉ số octane phân đoạn naphtha. Bộ KH&CN lưu ý chủ đầu tư sử dụng máy móc, thiết bị có xuất xứ từ các nước có nền công nghệ, có phương án dự trù cụ thể về vật tư tiêu hao, linh kiện, phụ tùng thay thế, dự phòng để đảm bảo hoạt động ổn định khi triển khai.

Bộ này khẳng định: Lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải theo Quyết định 49 của Thủ tướng, các loại xe ô tô sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu mới phải áp dụng tiêu chuẩn Euro 5 vào ngày 1/1/2022. Trong khi đó, dự kiến cuối năm 2019 xăng tiêu chuẩn Euro 4 phải ra thị trường, nhưng năm 2022 nhiên liệu phải đạt mức Euro 5.

Trong thời hạn 3 năm đã thay đổi công nghệ, tiêu chuẩn khí thải từ Euro 4 lên chuẩn Euro 5, do đó Bộ KH&CN đề nghị: "Chủ đầu tư lưu ý khả năng sản xuất, cung ứng nhiên liệu đạt tiêu chuẩn Euro 5 vào đầu năm 2022".

Ngoài các bộ có ý kiến góp ý, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng đưa ra ý trực diện. Cụ thể, PVN khẳng định: Chủ đầu tư chưa làm rõ về xuất xứ công nghệ, thiết bị, thị phần là những nhà máy đã ứng dụng công nghệ này trên thế giới để đưa ra đề xuất.

Ngoài ra PVN cho biết, lộ trình của Quyết định số 49 của Thủ tướng quy định các xe phải áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 4 vào ngày 1/1/2018 và Euro 5 vào 1/1/2022. Vì thế, việc chỉ nâng cấp sản phẩm xăng và dầu DO đạt tiêu chuẩn Euro 4 là chưa hợp lý.

PVN nêu: “Đây là dự án chế biến dầu khí có quy mô nhỏ, vì vậy chủ đầu tư cần tính toán kỹ về chi phí sản xuất/đơn vị sản phẩm để đảm bảo hiệu quả. Kết quả tính toán sơ bộ tỷ suất nội hoàn IRR=20,07% là thiếu chính xác”.

Tập đoàn PVN đề nghị: Bộ Công Thương xem xét kỹ lưỡng các yếu tố để quyết định bổ sung Dự án nâng cấp Nhà máy lọc dầu Cát Lái vào quy hoạch dầu khí Việt Nam giai đoạn 2025 và tầm nhìn 2035.

Nguyễn Tuyền

Cảnh báo công nghệ Trung Quốc khi nâng cấp Nhà máy lọc dầu Cát Lái - 2