Bổ nhiệm ồ ạt thời ông Vũ Huy Hoàng: Sao “thu hồi” nổi thiệt hại của những sai lầm?

(Dân trí) - Đầu năm nay, ông Vũ Huy Hoàng bị xóa tư cách Bộ trưởng nhiệm kỳ 2011-2015, nhiều người thân tín của ông này cũng bị thu hồi chức vụ. Thế nhưng, hơn 3.200 tỷ đồng lỗ lũy kế tại PVC ai có thể thu hồi, sự suy giảm uy tín của Bộ Công Thương, sự thất bại của một nền công nghiệp… làm sao đo đếm và phải mất bao lâu mới khắc phục được?

Một thông tin khá “sốc” không mấy vui vẻ được công bố chiều qua (8/3) – một ngày mà dường như ai cũng đang hân hoan với những niềm vui rất đời thường, bình dị - đó là kết luận thanh tra của Bộ Nội vụ việc thực hiện các quy định của pháp luật về bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý tại Bộ Công Thương.

Bản kết luận cho thấy, giai đoạn từ 1/1/2015 đến 30/6/2016, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã quyết định bổ nhiệm 97 trường hợp. Trong giai đoạn này, phần lớn rơi vào nhiệm kỳ Bộ trưởng của ông Vũ Huy Hoàng (ông Hoàng đảm nhiệm chức vụ này đến tháng 4/2016 thì nghỉ hưu theo chế độ, chức vụ này được bàn giao lại cho ông Trần Tuấn Anh). Hay nói cách khác, trong 97 quyết định bổ nhiệm nói trên, hầu hết đều do người tiền nhiệm của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh là ông Vũ Huy Hoàng ký.

Ngoài ra, từ năm 2011 đến năm 2014, trên cương vị Bộ trưởng, ông Vũ Huy Hoàng còn bổ nhiệm 248 trường hợp.

Những quyết định bổ nhiệm sai có thể thu hồi, nhưng thiệt hại từ những quyết định đó khó mà đong đếm, thu hồi được
Những quyết định bổ nhiệm sai có thể thu hồi, nhưng thiệt hại từ những quyết định đó khó mà đong đếm, thu hồi được

Là một bộ quản lý đa ngành, “ôm” nhiều lĩnh vực lớn từ năng lượng (than, điện, khí) đến công nghiệp nặng, công nghiệp nhẹ, thương mại, thị trường… rất khó để đánh giá con số trên.Thế nhưng dù sao, với chức năng quyền hạn của Bộ trưởng trong vấn đề quyết định bổ nhiệm với người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu các tổ chức, đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của Bộ, bao gồm: tổng cục và tổ chức tương đương, cục, vụ, thanh tra, văn phòng, các đơn vị sự nghiệp công lập và phòng trong vụ thuộc Bộ, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ… thì có thể nói số lượng quyết định bổ nhiệm nhân sự mà ông Hoàng phê duyệt trong thời gian nói trên là tương đối lớn.

Nhìn vào một số trường hợp điển hình về luân chuyển nhân sự tại Bộ Công Thương thời kỳ trước mới thấy tốc độ bổ nhiệm đối với từng cá nhân đã ở mức “chóng mặt”. Có cảm giác như chưa kịp ngồi ấm chỗ (và không rõ người đó đã kịp làm quen công việc hay chưa chứ chưa nói đến công hiến được gì) thì đã được cất nhắc lên vị trí mới.

Chẳng hạn trường hợp Trịnh Xuân Thanh: Năm 2007 là Phó Tổng giám đốc PVC thuộc Tập đoàn Dầu khí (PVN), năm 2009 làm Chủ tịch Hội đồng quản trị PVC, năm 2013 làm Phó chánh Văn phòng Bộ Công Thương, năm 2014 làm Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp Bộ Công Thương. Đến tháng 5/2015 thì ông này được luân chuyển làm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.

Chức vụ Vụ trưởng – Trưởng ban Đổi mới doanh nghiệp Bộ Công Thương mà Trịnh Xuân Thanh từng giữ để làm bước đệm tiến thân vào Hậu Giang chính là do ông Vũ Huy Hoàng bổ nhiệm. Thậm chí, dù không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để được đề bạt, bổ nhiệm, quy hoạch các chức vụ cao hơn nhưng ông Thanh vẫn được ông Hoàng ưu ái đưa vào diện quy hoạch làm Thứ trưởng. Thật đúng là một đường quan lộ đầy kỳ ảo và “đẹp như mơ”!

Rồi trường hợp ông Vũ Quang Hải – con trai ông Vũ Huy Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI) từng bình luận như sau: “Chỉ hơn 1 năm ở Bộ Công Thương, Vũ Quang Hải được lên 4 chức: Chức danh kiểm soát viên của một tập đoàn kinh tế lớn là Vinataba, chức danh Phó Vụ trưởng, chức danh thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Sabeco - Đây là một kỷ lục về tốc độ thăng chức”.

Ngày 23/1 vừa qua, ông Vũ Huy Hoàng đã bị xóa tư cách nguyên Bộ trưởng nhiệm kỳ 2011-2016 và Ban cán sự Đảng cũng đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thu hồi các quyết định tiếp nhận, bổ nhiệm, điều động cán bộ không đúng quy định, bao gồm một loạt trường hợp: Trịnh Xuân Thanh, Vũ Quang Hải, Vũ Đình Duy, Vũ Thúy Huệ... Dù vậy, hệ lụy để lại từ những quyết định bổ nhiệm nhân sự sai lầm khó mà “thu hồi” được.

Đằng sau những quyết sách nhân sự sai lầm là hàng nghìn tỷ đồng thua lỗ, mất mát tại các dự án, công trình
Đằng sau những quyết sách nhân sự sai lầm là hàng nghìn tỷ đồng thua lỗ, mất mát tại các dự án, công trình

Có những thiệt hại có thể quy ra con số, nên cân đo đong đếm được và ai cũng phải thừa nhận, như con số lỗ lũy kế hơn 3.200 tỷ đồng tại PVC thời Trịnh Xuân Thanh lãnh đạo, cho đến nay, tổng công ty này phải oằn mình chống đỡ vẫn chưa thể nào khắc phục được. Rồi 12 dự án vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, nơi thua lỗ, nơi nợ nần, nơi đứng bên bờ vực phá sản.

Song, có những thiệt hại khác khó đo đếm, khó nhìn thấy, mà để khắc phục thì còn khó hơn rất nhiều. Đó là thiệt hại về uy tín của Đảng, Nhà nước, của chính Bộ Công Thương trong lòng nhân dân. Đó là thiệt hại kinh khủng về kinh tế đất nước khi ngành công thương – một ngành đóng vai trò rường cột quốc gia nhưng nhiều khâu quan trọng lại được vận hành bởi những lãnh đạo, cán bộ không đủ phẩm chất năng lực, thay vì dốc thời gian, tâm huyết cống hiến lại mải mê cho công cuộc “leo cao chui sâu”, vinh thân phì gia.

Có câu “thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Nên một khi lãnh đạo Bộ không gương mẫu thì cũng không thể đòi hỏi cán bộ cấp dưới chuẩn mực, không thể kỳ vọng về sự trung thực, chuẩn tắc trong những quyết định bổ nhiệm cấp nhỏ hơn. 97 quyết định bổ nhiệm trong hơn 1 năm cuối nhiệm kỳ của ông Vũ Huy Hoàng được ban hành, làm sao khẳng định không có bóng dáng của những “chuyến tàu vét” như đã từng thấy qua vụ ông Trần Văn Truyền, nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ?

Gần 10 năm dưới thời ông Vũ Huy Hoàng, nhìn lại ngành công thương vẫn ngổn ngang bao mục tiêu, tham vọng. Không phủ nhận những đóng góp của ông Hoàng với những kết quả hội nhập kinh tế qua các FTA, qua thành tích xuất khẩu, nhưng cho đến nay, chúng ta vẫn chỉ có một ngành công nghiệp, cơ khí lạc hậu, công nghiệp phụ trợ èo uột, yếu kém, doanh nghiệp Việt Nam bị đẩy ra ngoài lề của chuỗi giá trị toàn cầu. Những yếu kém ấy, ông Hoàng có một phần trách nhiệm, trong đó có cả việc bổ nhiệm nhân sự không đủ tiêu chuẩn, năng lực vào những vị trí quan trọng của ngành Công Thương.

Bích Diệp