1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Bia Sài Gòn và chuyện giữ vững “ngôi vương”

Chỉ vài ngày sau khi chính thức được niêm yết trên sàn chứng khoán, cổ phiếu SAB của Sabeco vẫn đang tăng ngoạn mục và được dự báo sẽ còn tiếp tục bứt phá trong thời gian tới.

Phiên giao dịch ngày 7/12, cổ phiếu của SAB (Tổng Công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn - Sabeco) vẫn đang tiếp tục tăng trần và hiện ở mức 141.000 đồng/cổ phiếu, tăng 7% so với phiên trước. Với mức giá này, giá trị vốn hóa của Sabeco tăng lên tới 90.548 tỉ đồng, nằm trong nhóm 5 doanh nghiệp niêm yết lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam (sau các cổ phiếu VNM, GAS, VCB, VIC).

Hái quả ngọt

Trước đó, ngày 6/12, Sabeco đã chính thức niêm yết 641.281.186 cổ phiếu trên Sở giao dịch Chứng khoán TP HCM (HOSE) với mã chứng khoán SAB và giá tham chiếu phiên giao dịch đầu tiên là 110.000 đ/cổ phiếu. Sau khi lên sàn, cổ phiếu SAB đã “cháy hàng” khi tăng trần mạnh và dư mua giá trần khối lượng lớn. Đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên, SAB ở mức 132.000 đồng/cổ phiếu, tăng 20% nâng giá trị vốn hóa lên 84.649 tỉ đồng so với mức hơn 70.000 tỉ đồng trước đó.

Công ty chứng khoán ngân hàng Vietcombank (VCBS) nhận định, trong các phiên tiếp theo tình trạng cầu vượt xa cung sẽ tiếp diễn với cổ phiếu SAB, như hiệu ứng đã từng xảy ra với các cổ phiếu nhận được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư trong giai đoạn đầu niêm yết. Công ty CP chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) cũng vừa khuyến nghị mua mạnh cổ phiếu SAB với giá mục tiêu 168.000 đồng, tăng hơn 53% so với giá niêm yết 110.000 đồng. Bởi theo BSC, SAB sẽ trở thành cổ phiếu quan trọng trong nhóm 5 bluechip của Việt Nam và tác động đến toàn ngành bia niêm yết.

Ông Võ Thanh Hà, Chủ tịch Hội đồng quản trị Sabeco, cho biết việc SAB chính thức giao dịch trên HOSE đánh dấu bước phát triển mới của tổng công ty, đồng thời phù hợp với xu hướng tất yếu của quy luật thị trường đối với các doanh nghiệp có nền tảng hoạt động vững mạnh và ổn định. Thị trường chứng khoán sẽ mở ra cho tổng công ty nhiều cơ hội, và cả thách thức trong tương lai. Đây cũng là động lực để toàn thể cán bộ, nhân viên tổng công ty ngày càng phải nâng cao năng lực quản trị công ty, chuyên nghiệp và minh bạch hóa các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Ông Võ Thanh Hà nhận quyết định niêm yết và quà lưu niệm từ lãnh đạo HOSE
Ông Võ Thanh Hà nhận quyết định niêm yết và quà lưu niệm từ lãnh đạo HOSE

Trước thời điểm niêm yết, cổ phiếu của Sabeco đã được đánh giá sẽ “cháy hàng” và thu hút sự quan tâm đặc biệt của nhà đầu tư trên thị trường. Nhất là việc niêm yết cổ phiếu của Sabeco diễn ra trong bối cảnh khá thuận lợi. Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm doanh nghiệp này đã hoàn thành mục tiêu lợi nhuận kế hoạch của cả năm 2016. Thống kê mới nhất từ Sabeco, con số kết quả kinh doanh trong 11 tháng đầu năm ở mức ấn tượng khi doanh thu hợp nhất (không bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt) lên tới 28.298 tỉ đồng, giúp nâng mức lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp lên 5.035 tỉ đồng và vượt 13% so với kế hoạch của cả năm 2016.

Và chuyện giữ vững ngôi đầu

Theo các chuyên gia, Việt Nam là thị trường màu mỡ và nhiều triển vọng của ngành bia thế giới. Sản lượng sản xuất năm ngoái của Việt Nam đạt 4,67 tỉ lít bia, tăng tới 20,1% và bỏ xa nước có mức tăng trưởng cao thứ 2 là Bỉ với 8,8%. Thời gian tới, Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn nhờ sản lượng bia tiêu thụ trên đầu người ở mức vừa phải, tầng lớp trung lưu và giàu có tiếp tục tăng nhanh…

Trong đó, kết quả kinh doanh khả quan đang cho thấy quá trình đổi mới diễn ra ở Sabeco mang lại những bước chuyển tích cực. Về quản trị, Sabeco đã và đang chủ động từng bước tái cấu trúc các khâu cốt lõi trong chuỗi giá trị, hiện đại hóa công nghệ sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư phát triển thương hiệu thị trường. “Nội lực” doanh nghiệp cũng được cải thiện đáng kể qua việc dần hoàn thiện về cơ cấu tổ chức, hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp, hiệu quả quản trị doanh nghiệp để đáp ứng mức độ cạnh tranh gia tăng.

Sau khi lên sàn, nhà đầu tư tiếp tục quan tâm đến việc thoái vốn nhà nước của Sabeco, ông Võ Thanh Hà cho biết việc lên sàn đã thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công thương và cũng có ý nghĩa phục vụ cho thoái vốn nhà nước. Về lộ trình thoái vốn, Ban chỉ đạo thoái vốn Sabeco - Habeco đã họp và có định hướng cụ thể, trên cơ sở đó Bộ Công thương sẽ phê duyệt và thúc đẩy triển khai. Hiện Sabeco đang chuẩn bị những bước cuối cùng để gửi thông tin chào thầu gói thầu lập phương án thoái vốn, vì Sabeco có lượng vốn hóa rất lớn, gần 90% vốn cổ phần của nhà nước nên phải đảm bảo yếu tố công khai, minh bạch và hiệu quả.

Không chỉ là thương hiệu hàng đầu tại thị trường bia Việt Nam, năm ngoái, Sabeco đã vươn lên vị trí top 20 trong các tập đoàn sản xuất bia lớn nhất thế giới, nằm trong nhóm các nhà sản xuất bia hàng đầu Đông Nam Á. Nếu so với các doanh nghiệp khác, Sabeco hiện là doanh nghiệp có năng lực sản xuất lớn nhất ngành với 24 nhà máy sản xuất đặt tại các khu vực trọng điểm, với tổng công suất đạt trên 1,8 tỉ lít bia/năm. Chiến lược tập trung vào phân khúc bia phổ thông - phân khúc lớn nhất trên thị trường bia tại Việt Nam, mà riêng Sabeco chiếm gần 60% sản lượng toàn ngành.

Trong chiến lược dài hơi hơn để cạnh tranh với các đối thủ, lãnh đạo Sabeco cho biết sẽ không chỉ dừng lại và hài lòng với phân khúc phổ thông. Bên cạnh việc giữ vững và tăng trưởng tại phân khúc phổ thông, hãng sẽ tập trung nguồn lực để cạnh tranh tại phân khúc cao cấp và cận cao cấp, trong đó hướng vào tầng lớp khách hàng trẻ và năng động.

PV