"Bắt mạch" nguyên nhân lãi suất huy động tăng
(Dân trí) - Theo nhận định của BVSC, những diễn biến tăng đối với mặt bằng lãi suất huy động trong thời gian gần đây chủ yếu mang tính cục bộ tại nhóm ngân hàng nhỏ và phần nhiều do hiệu ứng của Thông tư 06 (yêu cầu giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn) chứ không phản ánh những khó khăn về mặt thanh khoản của cả hệ thống, hiện vẫn đang trong trạng thái khá dồi dào.
Dư thừa thanh khoản, các ngân hàng đẩy vốn vào tín phiếu
Theo đánh giá tại báo cáo chuyên đề mới phát hành của Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), giai đoạn đầu năm, tăng trưởng cung tiền M2 đang cao hơn so với tăng trưởng tín dụng.
Cụ thể, số liệu thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, tính đến ngày 20/2/2017, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt mức 1,23% so với cuối năm ngoái, gần gấp đôi so với mức tăng 0,65% của cùng kỳ năm 2016. Trong khi đó, ở phía cung vốn, tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán M2 đạt 1,87% trong khi tăng trưởng huy động là 1,03%.
Theo ước tính của BVSC, chênh lệch giữa tăng trưởng cung tiền M2 và cầu tín dụng tính từ đầu năm đến ngày 20/02/2017 vào khoảng 65.000 tỷ đồng.
Thế nhưng, hiện tượng dư thừa thanh khoản lại không diễn ra đối với tất cả các ngân hàng. Theo BVSC, phần chênh 65.000 tỷ đồng giữa M2 và tín dụng, nếu trừ khi phần hút ròng của kênh trái phiếu từ đầu năm thì còn khoảng hơn 60.000 tỷ đồng. Đây có thể được coi là con số phản ánh thanh khoản của hệ thống và phần này trên thực tế, chủ yếu nằm tại các ngân hàng thương mại có quy mô lớn, thuộc "tốp" đầu.
Trong khi đó, sự khó khăn về thanh khoản lại thường xảy ra với nhóm ngân hàng thuộc "tốp" sau với quy mô vừa và nhỏ. Việc vay vốn trên thị trường liên ngân hàng đối với nhóm ngân hàng này không phải lúc nào cũng dễ dàng. Điều này giải thích tại sao mặc dù thanh khoản toàn hệ thống vẫn đang khá dồi dào nhưng lãi suất liên ngân hàng lại có diễn biến tăng trong thời gian gần đây.
Với sự dư thừa thanh khoản, các ngân hàng lớn đang tạm thời đẩy vốn vào kênh tín phiếu do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) phát hành. Theo thống kê của BVSC thì lượng vốn hút ròng thông qua kênh tín phiếu tính đến ngày 20/2 vào khoảng 40.000 tỷ đồng. Tín phiếu được NHNN phát hành chủ yếu là loại kỳ hạn 14 ngày với lãi suất dao động từ 1,75 đến 2,5%/năm. Ở góc độ nhà điều hành, việc hút ròng vốn về cũng giúp giảm nguy cơ lạm phát cũng như ngăn chặn hoạt động đầu cơ ngoại tệ khi lãi suất liên ngân hàng xuống mức quá thấp.
Nhiều ngân hàng nâng lãi suất huy động
Do tín dụng nhìn chung tăng trưởng tốt từ đầu năm trong khi thanh khoản hệ thống ngân hàng có sự phân hóa nên mặt bằng lãi suất huy động đã có sự nhích nhẹ tại khá nhiều ngân hàng thương mại, chủ yếu vẫn tập trung ở nhóm ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP) có quy mô vừa và nhỏ.
Cụ thể Oceanbank tăng lãi suất kỳ hạn 6 tháng, 11 tháng, 12 tháng lên mức 7,3%/năm; OCB tăng lãi suất huy động lên cao nhất ở mức 7,8%; Techcombank tăng lãi suất kỳ hạn 36 tháng thêm 0,1%, lên mức cao nhất 7,1%/năm...
Một nguyên nhân quan trọng khiến các NHTM điều chỉnh lãi suất huy động, theo BVSC, là nhằm cân đối, sắp xếp lại cơ cấu nguồn vốn khi quy định trong Thông tư 06 về giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ mức 60% xuống mức 50% chính thức có hiệu lực kể từ đầu năm 2017.
Dưới áp lực của quy định này, các ngân hàng nhỏ sẽ gặp nhiều khó khăn về thanh khoản hơn do tỷ lệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn trước đây của nhóm này thường cao hơn các ngân hàng lớn. Hơn nữa, ngay cả đối với các ngân hàng thuộc "tốp" trung, mặc dù có thể chưa chịu sức ép về thanh khoản nhưng nếu vẫn muốn phát triển mạnh tín dụng thì vẫn phải lựa chọn 1 trong 2 cách: một là tăng lãi suất các kỳ hạn dài để thu hút thêm vốn trung và dài hạn; hai là điều chỉnh lãi suất các kỳ hạn ngắn để tăng giá trị tuyệt đối cho tổng nguồn vốn ngắn hạn. Cả hai cách này đều gây ra áp lực tăng lãi suất huy động, hoặc ở kỳ hạn ngắn hoặc ở kỳ hạn dài.
Một phần nguyên nhân khác đến từ xu hướng tăng của lạm phát. Lạm phát tăng khá nhanh ngay trong hai tháng đầu năm (tổng mức tăng là 0,7%) cũng là nhân tố buộc các ngân hàng phải xem xét điều chỉnh biểu lãi suất huy động khi kỳ vọng của người gửi tiền thay đổi.
Theo quan điểm của BVSC, diễn biến chỉ số CPI năm nay mặc dù không chịu ảnh hưởng nhiều từ quyết định điều chỉnh giá hai nhóm hàng y tế và giáo dục như trong năm 2016, tuy nhiên sức ép có thể sẽ lại đến từ nhóm hàng giao thông với xu hướng tăng trở lại của giá xăng dầu (mức tăng của nhóm hàng này lên tới 3,7% riêng trong hai tháng đầu năm).
Trong khi đó, áp lực từ lộ trình tăng lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) phần nhiều mang tính tâm lý. Sau quyết định tăng lãi suất trong cuộc họp ngày 15/3 vừa qua, dự kiến FED sẽ có thêm hai lần tăng lãi suất nữa trong năm nay và ba lần nữa trong năm 2018. Nếu trần lãi suất tiền gửi USD trong nước vẫn duy trì ở mức 0%, có thể dòng kiều hối và đầu tư gián tiếp sẽ có sự đảo chiều ở mức nhất định.
Mặc dù vậy, theo quan sát của BVSC, những tác động trong đợt điều chỉnh lãi suất lần này của FED là không lớn và có xu hướng nhẹ bớt so với lần trước. Sau một nhịp bật tăng, đồng USD đã có diễn biến điều chỉnh so với đa số các đồng tiền chủ chốt khác trong khoảng 2 tuần trở lại đây.
Tóm lại, theo báo cáo của BVSC, sức ép tăng lãi suất trong năm nay sẽ lớn hơn so với năm 2016. Tuy vậy, sức ép này sẽ không quá căng thẳng nếu diễn biến tăng CPI trong các tháng tới hạ nhiệt (đang được hậu thuẫn bởi diễn biến điều chỉnh của giá dầu) và lộ trình tăng lãi suất của FED vẫn đúng theo dự kiến (thêm hai lần nữa trong năm 2017), không có sự thay đổi quá lớn so với kỳ vọng của nhà đầu tư.
"Những diễn biến tăng đối với mặt bằng lãi suất huy động trong thời gian gần đây chủ yếu mang tính cục bộ tại nhóm ngân hàng nhỏ và phần nhiều do hiệu ứng của Thông tư 06 chứ không phản ánh những khó khăn về mặt thanh khoản của cả hệ thống, hiện vẫn đang trong trạng thái khá dồi dào", BVSC nhận định.
Bích Diệp