1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Ba phương án thành lập cơ quan chuyên trách đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp

(Dân trí) - Theo ý kiến của Thủ tướng, việc thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhằm cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp và Luật Tổ chức Chính phủ.

Việc thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã có chủ trương của Đảng, Quốc hội
Việc thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã có chủ trương của Đảng, Quốc hội

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp về Đề án thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Thủ tướng cho biết, việc thành lập cơ quan chuyên trách làm đại diện chủ sở hữu đối với DNNN và vốn Nhà nước tại doanh nghiệp nhằm cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp và Luật Tổ chức Chính phủ.

Theo chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tiếp thu ý kiến các lãnh đạo Chính phủ, đại diện các cơ quan để hoàn thiện Đề án với 3 phương án thành lập cơ quan chuyên trách, trong đó làm rõ ưu, nhược điểm của từng phương án.

Cụ thể, phương án 1 là thành lập Ủy ban quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp quản lý các tập đoàn, tổng công ty quy mô lớn Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ hoặc cổ phần chi phối và Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Điều chuyển cán bộ có năng lực, phẩm chất từ các đơn vị đang làm nhiệm vụ quản lý, đổi mới, sắp xếp doanh nghiệp nhà nước thuộc một số Bộ, cơ quan, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp.

Phương án này cũng đưa ra nội dung đó là xin ý kiến Bộ Chính trị và Chính phủ về lộ trình chuyển Công ty Đầu tư và kinh doanh vốn thuộc UBND TPHCM và các doanh nghiệp thuộc UBND thành phố Hà Nội về cơ quan chuyên trách theo phương án này.

Đối với các DNNN thực hiện nhiệm vụ công ích, an sinh xã hội, các công ty nông, lâm nghiệp, tiếp tục giao các địa phương quản lý.

Với phương án 2 sẽ thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để quản lý doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước trên cơ sở nâng cấp SCIC.

Phương án 3 là tăng cường, củng cố, kiện toàn SCIC trực thuộc Chính phủ làm chức năng đại diện chủ sở hữu – đây là mô hình doanh nghiệp, không phải ủy ban.

Trước đó, theo quan điểm của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông tại hội nghị về sắp xếp, đổi mới DNNN ngày 6/12, không nên so sánh cơ quan đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp là “siêu bộ”. Cơ quan này sẽ hoạt động theo đúng các Luật doanh nghiệp, Luật Đầu tư... và cố gắng áp dụng chuẩn mực cao nhất về quản lý vốn tại doanh nghiệp Nhà nước công khai, minh bạch và có giám sát cụ thể.

Theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì cơ quan này sẽ trực tiếp quản lý phần vốn Nhà nước tại 30 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Riêng các DNNN thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thì vẫn do các bộ này quản lý.

Bích Diệp