1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

APEC 2017: An ninh lương thực tìm thấy cơ hội trong thách thức

(Dân trí) - Một trong những thách thức lớn nhất đối với phát triển nền nông nghiệp ở Việt Nam nói riêng và cả các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) chính là biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, đây cũng chính là cơ hội khi nông nghiệp phải tái cơ cấu để kịp thời thích ứng và có thêm thành tựu

Diễn đàn đối tác chính sách về An ninh lương thực (PPFS) đang diễn ra tại TP Nha Trang, Khánh Hòa
Diễn đàn đối tác chính sách về An ninh lương thực (PPFS) đang diễn ra tại TP Nha Trang, Khánh Hòa

Ông Trần Kim Long, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã chia sẻ như trên tại Diễn đàn đối tác chính sách về An ninh lương thực (PPFS) nằm trong Khuôn khổ Hội nghị lần thứ nhất các quan chức cao cấp (SOM1) của năm APEC 2017 đang diễn ra tại TP Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.

Trao đổi với Dân trí, ông Trần Kim Long - chủ trì Diễn đàn cho biết: Chủ đề trọng tâm do Việt Nam đề xuất tại Diễn đàn là an ninh lương thực thích ứng với biến đổi khí hậu. Một trong những thách thức lớn nhất đối với phát triển nền nông nghiệp ở Việt Nam nói riêng và cả các nền kinh tế thành viên Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) chính là biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, đây cũng chính là cơ hội khi nông nghiệp phải tái cơ cấu để kịp thời thích ứng và có thêm thành tựu.

Chẳng hạn, ở Việt Nam, ngành nông nghiệp đã tìm các giải pháp lồng ghép trong chăn nuôi để kịp thời thích ứng với biến đổi khí hậu. Nếu như trước đây, Việt Nam chú trọng đến cây trồng truyền thống là lúa nước, thì nay chuyển sang thâm canh các sản phẩm khác như cây ăn quả, thủy sản… Các loại cây trồng, vật nuôi này được nghiên cứu nhằm phát huy lợi thế từng vùng, từng miền. Qua đó, đáp ứng được vấn đề an ninh lương thực cho quốc gia.

Theo chương trình nghị sự, tại Diễn đàn, các nền kinh tế thành viên APEC thảo luận việc triển khai các chiến lược dài hạn, bao gồm “Khuôn khổ chiến lược APEC về phát triển bền vững thành thị - nông thôn nhằm củng cố an ninh lương thực và tăng trưởng chất lượng” và “Chương trình APEC về an ninh lương thực và biến đổi khí hậu”. Đây là những nội dung thiết thực góp phần cụ thể hóa một trong bốn hướng ưu tiên hợp tác của Năm APEC 2017 về “tăng cường an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững”.

Đại biểu các nền kinh tế thành viên APEC trao đổi bên lề Diễn đàn
Đại biểu các nền kinh tế thành viên APEC trao đổi bên lề Diễn đàn

Thể hiện vai trò nền kinh tế chủ nhà năm APEC 2017, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đưa ra ba sáng kiến trong PPFS, gồm: Kế hoạch hành động để thực hiện khung chiến lược của Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương về phát triển đô thị - nông thôn nhằm tăng cường an ninh lương thực và tăng trưởng bền vững; Kế hoạch hành động để thực hiện Chương trình APEC về An ninh lương thực và biến đổi khí hậu; Tuyên bố Cần Thơ về tăng cường phát triển bền vững và an ninh lượng thực thích ứng với biến đổi khí hậu.

Khánh Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm