2 tỷ USD vốn ngoại "rót" vào thị trường bất động sản

(Dân trí) - Số vốn 2 tỷ USD rót vào bất động sản Việt Nam là cực lớn, tương tự gói 30.000 tỷ đồng. Đây là "cú hích" cho nền kinh tế nói chung.

Trong phiên thảo luận "Lựa chọn đầu tư có hiệu quả" tại Hội nghị Bất động sản 2017 với chủ đề “Lựa chọn khôn ngoan”, các diễn giả chia sẻ góc nhìn, phân tích về tác động của dòng vốn lên thị trường, giúp nhà đầu tư đưa ra những quyết định hợp lý.

Theo số liệu của Cục đầu tư nước ngoài, trong 10 tháng đầu năm 2017, Việt Nam đạt hơn 2 tỷ USD đăng kí đầu tư vào thị trường bất động sản, lớn hơn so với con số 1,7 tỷ USD của năm 2016.

Bất động sản Việt Nam thu hút vốn đầu tư ngoại
Bất động sản Việt Nam thu hút vốn đầu tư ngoại

Nhiều chuyên gia đánh giá cao về tác động của dòng vốn ngoại lên thị trường (nhìn ở góc độ phát triển bất động sản) và dòng vốn từ người mua nhà là người nước ngoài.

TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc Bộ phận Đầu tư, Savills Việt Nam cho rằng, có 3 vấn đề khó khăn đối với các doanh nghiệp bất động sản là vốn, pháp lý và sản phẩm.

"Số vốn 2 tỷ USD rót vào bất động sản Việt Nam là số vốn cực lớn. Có thể so sánh gói hỗ trợ 30.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội. Do đó, 2 tỷ USD này là rất lớn trong thị trường bất động sản, nhất là trong 1 năm. Đây là cú hích cho nền kinh tế nói chung và bất động sản nói riêng", ông Khương nói.

Ông Khương cho hay, mặc dù Chính phủ có các chính sách nới rộng cho nhà đầu tư nước ngoài tuy nhiên đối với khu vực bất động sản nhà đầu tư chủ đạo vẫn là người Việt Nam. Giả định GDP Việt Nam năm 2018 bằng với năm 2017 thì sẽ là sức hút lớn đối với vốn đầu tư nước ngoài.

Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc Jones Lang LaSalle tại Việt Nam chia sẻ, chúng ta đã làm tốt là ngày càng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đang khuyến khích nhà đầu tư nước ngoài giúp họ tự tin và cảm thấy đây là nơi tốt để đầu tư.

Ông Stephen cũng cho rằng, thị trường đã ngày càng trở nên chín chắn hơn trong những năm qua. Các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm hơn tới các đối tác địa phương vì một số doanh nghiệp trong nước đã có quy trình quản lý tốt, minh bạch, có kinh nghiệm. Nhu cầu nhà ở hiện tại đã thực sự nhiều hơn so với trong quá khứ, bằng chứng là ngày càng có nhiều giao dịch hơn so với quá khứ.

Nhiều chuyên gia đánh giá cao về tác động của dòng vốn ngoại lên thị trường (nhìn ở góc độ phát triển bất động sản) và dòng vốn từ người mua nhà là người nước ngoài.
Nhiều chuyên gia đánh giá cao về tác động của dòng vốn ngoại lên thị trường (nhìn ở góc độ phát triển bất động sản) và dòng vốn từ người mua nhà là người nước ngoài.

Khi bàn đến chủ đề nền kinh tế tác động đến sự phát triển của thị trường bất động sản, ông Stephen nhận định, thị trường bất động sản Việt Nam có nhiều điểm yếu do vẫn còn dư chấn của khủng hoảng năm 2008. Điều lo lắng hiện tại là làm sao để ngân hàng có thể bắt đầu cho vay trở lại và thị trường có thể tăng trưởng tín dụng. Ông cho rằng luật pháp chưa phù hợp với việc cho vay và còn nhiều vấn đề trong định giá khoản vay của ngân hàng.

Chia sẻ về các khoản thế chấp tín dụng, TS Lê Anh Tuấn, Phó Tổng giám đốc đầu tư & Trưởng phòng nghiên cứu Dragon Capital cho biết, có đến khoảng 80-90% tài sản thế chấp là bất động sản.

Theo ông TS Sử Ngọc Khương, việc tích lũy trong nhân dân hiện nay đã khác, tập trung chủ yếu vào tiết kiệm mua vàng hoặc mua đất. Do đó ông nhìn nhận kinh tế phát triển có thể sẽ làm thị trường bất động sản tăng giá rất nhanh.

Ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc JLL Việt Nam cho biết, mình chưa bao giờ thấy cảnh xếp hàng của vào siêu thị 7-Eleven như ở Việt Nam. Điều này cho thấy sức hấp dẫn của thị trường bán lẻ Việt Nam. Theo một nghiên cứu của JLL, trong vòng 5 năm tới, giá nhà ở tại Việt Nam sẽ tăng giá khoảng từ 10-15%.

Công Quang