Đau đáu tìm về nguồn gốc Việt Nam của một “em bé” babylift

Erin McCall, người từng được đưa sang Mỹ trong chiến dịch babylift đang chờ đợi và hy vọng có thể tìm được người thân của mình ở Việt Nam.

Polly McCall và chồng của bà vẫn bồi hồi mỗi khi giở lại cuốn album ảnh của cô con gái nuôi Erin, một em bé Việt Nam được đưa sang Mỹ trong chiến dịch vận chuyển babylift cách đây 40 năm.

“Erin đã được đưa thẳng từ một bệnh viện ở Sài Gòn ra sân bay trong những ngày chiến tranh sắp kết thúc”.

“Không một ai còn nhớ về người đã đưa Erin sang đây, lúc đấy nó mới khoảng vài ngày tuổi”.

Đau đáu tìm về nguồn gốc Việt Nam của một “em bé” babylift - 1
Polly McCall và chồng của bà giở lại cuốn album ảnh cô con gái nuôi Erin. (ảnh: WFAA)

Và cuộc sống mới trong một gia đình người Mỹ đã bắt đầu như thế với một cô bé Việt Nam, giờ được gọi tên là Erin McCall. Erin chắc chắn sinh ra ở Việt Nam và là một “em bé” được đưa sang Mỹ trong chiến dịch không vận “babylift” cùng hàng trăm em bé khác trong giai đoạn 1975.

“Trên TV và báo chí, chúng tôi luôn giữ lại tất cả những tư liệu về các em bé trong chiến dịch vận chuyển năm ấy. Bà Polly McCall nói: “Rất có thể có một đứa trẻ lớn hơn đã chăm sóc Erin trong quá trình vận chuyển và sau này sẽ tìm lại Erin, ít nhất tôi đã nghĩ đến điều đó”.

Đó cũng là lúc mà hai vợ chồng ông bà McCalls có ý định nhận một em bé trong chiến dịch không vận về để nuôi. Ông bà đã mất tới 2 năm để có thể hoàn tất thủ tục nhận nuôi Erin.

dau dau tim ve nguon goc viet nam cua mot

Cô bé "babylift" Erin McCall lúc được đưa sang Mỹ.

Với Erin McCall, cô luôn biết ơn số phận đã ban sự may mắn cho mình khi cô được làm con của ông bà McCalls: “Tôi quá may mắn khi được trở thành thành viên của một gia đình hạnh phúc, họ yêu tôi vô bờ bến và đã cho tôi mọi cơ hội để có thể trưởng thành trong môi trường tốt nhất”.

Erin không phải là người con duy nhất của ông bà McCalls. Trước khi nhận nuôi cô, ông bà đã có 2 người con trai, và sau khi nuôi Erin, ông bà còn có thêm một cô con gái nữa. Nhưng tất cả các thành viên trong gia đình McCalls, không ai có sự phân biệt với một thành viên da vàng, tóc đen. Họ yêu quý cô như những người ruột thịt.

“Bố mẹ và anh chị em yêu thương tôi như ruột thịt. Tôi chưa bao giờ cảm thấy bị phân biệt bởi màu da màu tóc. Tôi thuộc về gia đình này”.

Đau đáu tìm về nguồn gốc Việt Nam của một “em bé” babylift - 2
Erin McCall và bố mẹ nuôi.

Họ đã cho tôi một cuộc sống hạnh phúc, một cái tên chính thống Erin McCall. Nhưng một điều khiến tôi mãi mãi biết ơn bố mẹ mình, đó là họ luôn nhắc nhở tôi vẫn là người Việt Nam và tôi nên tìm về nguồn cội. Họ đã biết về nỗi đau khổ của tôi lúc tôi học tiểu học, màu da và màu tóc tôi không giống với bất cứ đứa trẻ nào. Nhưng họ đã khuyên tôi phải tự hào về điểm riêng biệt đó.

“Tôi là một cô bé đặc biệt. Bố tôi đã nói thế”.

“Và tôi không cảm thấy sự phân biệt đối xử. Tôi không còn quan tâm mọi người nhìn tôi thế nào khi bố mẹ nắm tay tôi đi trên đường. Tôi tự hào về điều đó”.

Bằng khả năng của mình, Erin đã nỗ lực trong học tập và tham gia ngoại khóa ở trường và được chọn là thành viên của đội cổ vũ ở trường trung học. Cô đã được bạn bè công nhận về thành tích vượt trội. Và họ mến phục cô về sự vượt qua mặc cảm bản thân, sự phân biệt của cộng đồng để vươn lên.

“Tôi biết ơn mẹ tôi, bà cũng đã vượt qua mọi sự phân biệt và thắc mắc vì sao bà lại nhận nuôi tôi”. Erin nói. “Lúc đầu bà không để tôi biết tôi chỉ là con nuôi nhưng khi tôi đủ hiểu, bà đã cho tôi xem lại tất cả những tư liệu bà sưu tầm và nhẹ nhàng nói với tôi “đây là cội nguồn văn hóa của con”. Tôi đã khóc vì điều đó”.

“Đó cũng là thời điểm bước ngoặt trong cuộc đời tôi, là khi mà tôi bắt đầu biết đến và quan tâm tới đất nước Việt Nam. Cho dù tôi đã là một người Mỹ và tôi không biết tiếng Việt”.

dau dau tim ve nguon goc viet nam cua mot

Chân dung Erin McCall. (ảnh: WFAA)

Erin đã cảm thấy bước ngoặt trong suy nghĩ của cô, cô muốn tìm về quá khứ, muốn hiểu về văn hóa Việt Nam và có nhu cầu giao lưu gặp gỡ với những “em bé” trong chiến dịch không vận babylift như cô.

Erin đã trở thành một giáo viên đi giảng dạy khắp thế giới nhưng tâm trí cô luôn hướng về nguồn gốc của mình. Erin đã trở về TP.HCM để làm một giáo viên ở trường quốc tế.

Tôi sinh ra ở Việt Nam và được nuôi dạy ở một vùng ngoại ô Texas. Khi biết về nguồn cội của mình, một cảm xúc bất ngờ đã trào dâng trong tôi, thúc đẩy tôi tìm về Việt Nam.

Đau đáu tìm về nguồn gốc Việt Nam của một “em bé” babylift - 3

Erin McCall luôn đau đáu tìm về nguồn cội gốc Việt của mình. (ảnh: WFAA)

Trong lần trở về thành phố Hồ Chí Minh gần đây, cô đã lấy ADN và gửi nó đến một kho lưu trữ với mong muốn tìm được người thân thích của mình cho dù đến giờ vẫn chưa có kết quả.

“Cảm giác bồi hồi, đau đáu luôn âm ỉ trong tôi. Tôi muốn biết nhiều hơn về nguồn gốc của mình, tôi muốn được biết mình là ai. Mẹ tôi, người thân của tôi giờ đang ở đâu, cho dù tôi có thể đau đớn về sự thật”.

“Tôi đang có một gia đình hạnh phúc ở Texas. Số phận đã đưa tôi đến đó. Nhưng tôi vẫn thiếu vắng một tuổi thơ ở Việt Nam và giờ tôi tìm về nguồn cội để có thể điền vào chỗ trống “danh tính” chính thức của mình. Tôi biết rằng bố mẹ nuôi của tôi, ông bà McCalls cũng mong chờ điều đó ”./.

Theo Ngân Giang/VOV.VN/WFAA

Đau đáu tìm về nguồn gốc Việt Nam của một “em bé” babylift - 4