Thừa Thiên Huế:
Tình trạng tảo hôn vẫn còn nhiều tại Huế
(Dân trí) - (Dân trí) – Ngày 28/3, tin từ Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết từ năm 2015 đến đầu năm 2016 này, vẫn có nhiều trường hợp tảo hôn tại địa bàn, thuộc về dân tộc thiểu số ở 2 huyện miền núi A Lưới và Nam Đông.
Cụ thể, có tổng cộng 20 trường hợp tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Trong đó có 19 trường hợp là tảo hôn và 1 hôn nhân cận huyết thống. Huyện miền núi A Lưới có 14 trường hợp và huyện Nam Đông là 6 trường hợp. Độ tuổi xảy ra tình trạng này từ 15-19 tuổi với đa số là các em nữ.
Trong số này đáng chú ý có 2 em nữ hiện đang là học sinh của trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh Thừa Thiên Huế, quê ở xã Thượng Long, huyện Nam Đông. Dù nhà trường và ban ngành đã vận động nhưng gia đình vẫn buộc 2 em thôi học, về quê để đám cưới vì đã “lỡ hứa” với nhà trai do phong tục tảo hôn từ nhỏ.
Một số trường hợp tảo hôn sớm khi được cán bộ của Ban Dân tộc tỉnh khảo sát, hỏi thăm thì tâm sự, do lấy vợ lấy chồng sớm nên ảnh hưởng đến kinh tế, không những khổ cho mình mà còn khổ cho con.
“Một bà mẹ mới nhỏ tuổi ở xã Hồng Bắc, huyện A Lưới có con 5 tháng tuổi nhưng đã mang bầu đứa con thứ hai. Do chồng quá trẻ nên mỗi lần đi rừng về được ít tiền thì không giúp cho vợ con nhỏ mà mang đi uống rượu hết. Cả hai vợ chồng phải nhờ cha mẹ bên nội ngoại giúp cho hầu hết đời sống, rất khổ cực” – cán bộ Ban Dân tộc tỉnh kể.
Hiện Ban Dân tộc tỉnh đang xây dựng Kế hoạch triển khai xây dựng mô hình điểm thực hiện Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2016 và giai đoạn từ 2016-2020.
Một phương pháp quan trọng là tập huấn, tuyên truyền cho những người có uy tín trong cộng đồng đồng bào dân tộc thiểu số (như già làng, trưởng bản, người trẻ làm kinh tế giỏi…). Những người trên sẽ phổ biến cho bà con hiểu hơn về hũ tục này nhằm giảm thiểu, tránh bớt.
Bên cạnh đó, đề án sẽ khảo sát, đánh giá các gia đình có con em từ 14 tuổi trở lên để phổ biến Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bình đẳng giới… và xây dựng các mô hình để bà con dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, từ đó nâng cao nhận thức, tránh tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết.
Đại Dương