Số lượng sáng chế Việt Nam tăng mạnh trong năm 2017
(Dân trí) - Trao đổi với báo chí sáng 30/1, ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho hay, trong năm 2017, số văn bằng bảo hộ cấp cho sáng chế là 1.746, tăng 22,6% so với năm 2016. Đặc biệt, số văn bằng bảo hộ về kiểu dáng công nghiệp 2.267 tăng gần 56% so với năm 2016.
Ông Phí cho biết, năm 2017, Cục SHTT tiếp nhận 102.337 đơn các loại, trong đó: 58.877 đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) (tăng 1,1% so với năm 2016), bao gồm: 5.382 đơn sáng chế; 434 đơn giải pháp hữu ích (GPHI); 2.741 đơn kiểu dáng công nghiệp (KDCN); 43.970 đơn nhãn hiệu quốc gia; 6.219 đơn nhãn hiệu quốc tế đăng ký qua Hệ thống Madrid; 09 đơn chỉ dẫn địa lý (CDĐL); 02 đơn đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn; 120 đơn đăng ký quốc tế có nguồn gốc Việt Nam (10 đơn sáng chế, 110 đơn nhãn hiệu);
43.455 đơn khác liên quan đến sửa đổi, chuyển nhượng đơn; yêu cầu duy trì, gia hạn hiệu lực và cấp lại văn bằng bảo hộ; chuyển nhượng, chuyên giao quyền SHCN,…
Cục đã xử lý 80.599 đơn các loại, trong đó có 39.250 đơn đăng ký xác lập quyền SHCN (tăng 1,0% so với năm 2016), trong số đó: Chấp nhận bảo hộ 30.106 đối tượng SHCN; từ chối bảo hộ 9.033 đối tượng SHCN và 41.349 đơn các loại khác.
Cục cấp văn bằng bảo hộ cho 28.314 đối tượng SHCN (tăng 9,4% so với năm 2016), bao gồm 1.745 Bằng độc quyền sáng chế, 146 Bằng độc quyền GPHI, 2.267 Bằng độc quyền KDCN, 19.401 GCN đăng ký nhãn hiệu quốc gia và chấp nhận bảo hộ 4.745 nhãn hiệu quốc tế; 06 GCN đăng ký CDĐL và 04 GCN đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn.
Lãnh đạo Cục Sở hữu trí tuệ cũng cho biết việc ngày càng nhận được nhiều đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp chứng tỏ kinh tế đang phát triển và ý thức của xã hội về vấn đề này được nâng cao. Trong thời gian tới, đơn vị này sẽ tập trung để giải quyết các đơn còn tồn đọng, chưa được giải quyết.
Cũng theo Cục Sở hữu trí tuệ, năm 2017, Cục đã tiếp nhận 1.318 đơn khiếu nại, trong đó có 730 đơn đủ điều kiện để thụ lý giải quyết và xử lý được 548 đơn; tiếp nhận 318 đơn chấm dứt, hủy bỏ hiệu lực và xử lý được 251 đơn. Bên cạnh đó, Cục đã tiếp nhận và xử lý 160 công văn đề nghị cho ý kiến chuyên môn của các cơ quan thực thi quyền SHTT; tham gia các hoạt động thực thi, bảo hộ quyền SHCN trong khuôn khổ Ban chỉ đạo 389/TW; tham gia vào quá trình tố tụng của 07 vụ kiện hành chính; trả lời 28 công văn của Tòa án, tham dự 20 phiên xét xử hoặc hòa giải tại Tòa án nhân dân TP. Hà Nội, Tòa án nhân dân TP. Hồ Chí Minh; giải quyết một số vụ việc khiếu nại kéo dài liên quan đến Nhãn hiệu Jet& Hero, Desyloia, Royal, Khaisilk,…
Trong năm 2018, đơn vị này sẽ hoàn thiện để trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược SHTT quốc gia trong Quý 2/2018; tập trung triển khai nhiệm vụ liên quan đến sửa đổi Luật SHTT.
Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế để hỗ trợ cho công tác của Cục và hệ thống SHTT của Việt Nam; hoàn tất thủ tục gia nhập Thỏa ước La-hay về đăng ký quốc tế KDCN; chuẩn bị để thực hiện tốt vai trò Chủ tịch Đại hội đồng WIPO nhiệm kỳ 2018 – 2019.
Nâng cao năng lực CNTT của Cục SHTT để đáp ứng yêu cầu của công việc của Cục SHTT; thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính theo Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử; Nâng cao năng lực và hiệu quả công tác xử lý đơn SHCN thông qua nâng cao năng lực và việc hoàn thiện các quy trình, thủ tục thẩm định đơn SHCN; tập trung xử lý các đơn SHCN tồn sâu.
Đẩy mạnh triển khai các dịch vụ công SHTT để hỗ trợ chuyển hóa quyền SHTT của doanh nghiệp, tổ chức thành tài sản quan trọng, đóng góp cho sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế; tích cực triển khai Đề án hình thành Mạng lưới các Trung tâm Phát triển tài sản trí tuệ (IP-Hub); triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ thuộc Chương trình phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2016-2020; Đẩy mạnh việc cung cấp thông tin SHCN phục vụ công tác nghiên cứu và triển khai; xây dựng các sản phẩm thông tin để đáp ứng nhu cầu của các đối tượng dùng tin khác nhau.
Nguyễn Hùng