1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Siêu trăng và biến đổi khí hậu gây ra lũ lụt ở Torres Strait

(Dân trí) - Trong khi mọi người hào hứng vì được ngắm nhìn siêu trăng thì có những người phải chịu ảnh hưởng hết sức nặng nề vì hiện tượng thiên nhiên kì diệu này.

Siêu trăng và biến đổi khí hậu gây ra lũ lụt ở Torres Strait - 1

Quần đảo Torres Strait của Úc đã gặp phải một cơn bão kinh hoàng, gây ra những trận lụt lội tàn phá. Trong một thế giới thường xuyên xảy ra các thảm họa thiên nhiên, những thảm họa nào không gây chết người thì không phải lúc nào cũng được chú ý. Tuy nhiên, những trận lụt này đã cho con người thấy trước khung cảnh đáng sợ về tương lai của dân cư sinh sống trên đảo khắp thế giới khi biến đổi khí hậu gia tăng, và đồng thời cho thấy sự thất bại của chính phủ.

Trên quần đảo Torres Strait, nơi ngăn cách Úc khỏi Papua New Guines, có hơn 200 hòn đảo nhỏ, trong đó có 14 hòn đảo có người sinh sống. Về mặt pháp luật, quần đảo này là một phần của Úc, và có một nền văn hóa rất độc đáo.

Một vài hòn đảo trong đó không bao giờ cao hơn một mét so với mặt nước biển, khiến chúng rất dễ bị ảnh hưởng bởi những cơn thủy triều dâng cao bất thường, vào những lúc trăng tròn hoặc trăng non. Khi điều này xảy ra, lực hấp dẫn của Mặt trời và Mặt trăng kết hợp lại, chứ không đối chọi lại nhau. Nếu điều này diễn ra khi Mặt trăng nằm tại điểm gần Trái Đất nhất, lực hấp dẫn của Mặt trăng sẽ được khuếch đại, tạo ra “thủy triều vua”.

Trong khi một nửa thế giới đang tận hưởng nhật thực siêu trăng, những hòn đảo thấp trên khắp thế giới đang phải chống chọi với hậu quả “thủy triều vua”, thậm chí tình hình trên quần đảo Torres Start còn tệ hơn do những trận mưa gió mùa. Mực nước biển dâng do biến đổi khí hậu đã loại bỏ lớp phòng hộ ít ỏi mà những hòn đảo thấp hơn từng có.

Khi một trận thủy triều cao 3,84m làm ngập lụt Đảo Yam, cư dân đã đăng đoạn phim quay cảnh sóng đánh tràn qua nhà cửa của họ lên trang Facebook như một lời cầu cứu sự giúp đỡ. Thảm họa này nghiêm trọng đến nỗi những mái nhà phủ đầy san hô bị cuốn lên từ biển.

Siêu trăng và biến đổi khí hậu gây ra lũ lụt ở Torres Strait

Ben Songoro, cư dân đảo Yam, chia sẻ với tờ The Cairns Post: “Chưa bao giờ lại có một trận lụt kinh khủng như này. Năm nào cũng có lũ lụt, nhưng đây là trận lụt khủng khiếp nhất chúng tôi từng gặp phải”.

Một vài hòn đảo ở đây có đê chắn sóng, nhưng hầu hết đều đã có tuổi đời hàng chục năm và hoàn toàn không đủ khả năng chống chọi trong điều kiện hiện tại. Saibai, hòn đảo mới được xây đê chắn sóng năm ngoái đã vượt qua trận lũ và bị tàn phá tương đối ít, nhưng vẫn có một ngôi nhà bị ngập.

Chính quyền Bang Queensland đã cam kết sẽ hỗ trợ, và công ty Sea Swift, chuyên về dịch vụ tàu thuyền ra ngoài đảo, đã đề nghị vận chuyển miễn phí hàng hóa quyên góp từ Cairns. Mặt khác, vẫn chưa có thông báo gì từ Chính phủ Úc, dựa trên thái độ với việc nóng lên toàn cầu có vẻ như họ cho rằng những trận lụt này không có thật, một tình huống gợi nhớ đến việc Puerto Rico bị bỏ bê sau cơn Bão Maria so với các thành phố trong đất liền.

Rất nhiều hòn đảo dựa vào các rặng san hô, đặc biệt là ở Thái Bình Dương và Đại Tây Dương, đều thấp và được xem là nằm trong số những địa điểm bị đe dọa nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu. Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu đã ghi nhận quần đảo Torres Strait là đặc biệt dễ bị tổn thương, nhưng những sự việc tương tự lại thường xảy ra ở những nơi thiếu phương tiện cảnh báo cho thế giới biết về số phận của chúng.

Lộc Xuân (Theo IFLScience)