Ngôn ngữ người mẹ định hình “giai điệu” tiếng khóc trẻ sơ sinh

(Dân trí) - Tiếng khóc đầu tiên của trẻ sơ sinh mang những đặc trưng của ngôn ngữ người mẹ. Điều này đặc biệt rõ ràng trong ngôn ngữ có thanh điệu (tonal language), trong đó độ trầm bổng xác định rõ ý nghĩa của từ.

Các nhà khoa học Trung Quốc và Đức cùng hợp tác trong nghiên cứu mới đây của Đại học Würzburg Đức đã chứng minh hiện tượng này lần đầu tiên trên các trẻ sơ sinh từ Trung Quốc và Cameroon.

Ngôn ngữ người mẹ định hình “giai điệu” tiếng khóc trẻ sơ sinh - 1

Ngôn ngữ có thanh điệu (tonal language) khá xa lạ với người Châu Âu: trái ngược với tiếng Đức, tiếng Pháp hoặc tiếng Anh, ý nghĩa ngôn ngữ có thanh điệu cũng được xác định bởi các cao độ mà các âm tiết hoặc từ được phát âm. Một âm thanh dường như giống hệt nhau có thể có nghĩa hoàn toàn khác nhau - tùy thuộc vào việc nó được phát âm ở độ cao, hay thấp hay có sự thay đổi về cao độ.

Ngôn ngữ có thanh điệu ở Trung Quốc và châu Phi

Một ví dụ của một ngôn ngữ có thanh điệu là tiếng Quan Thoại. Đây là ngôn ngữ chính thức của Trung Quốc được nói chủ yếu ở Trung Quốc, Đài Loan và Singapore - bởi hơn một tỷ người. Bốn âm đặc trưng với các cao độ khác nhau cần được nắm vững để có thể nói ngôn ngữ này. Mọi thứ phức tạp hơn nhiều với tiếng Lamnso, ngôn ngữ của của tộc người Nso - một tộc người ước tính khoảng 280.000 sinh sống chủ yếu ở các làng trên cao của vùng đồng cỏ Tây Bắc Cameroon, sống chủ yếu bằng nông nghiệp. Ngôn ngữ có thanh điệu phức tạp này sở hữu tám tông, một số trong đó lại thay đổi trong từng tình huống. Điều này có nghĩa là bất cứ ai muốn giao tiếp bằng tiếng Lamnso không chỉ cần có lối diễn đạt tốt mà còn cần sử dụng các thay đổi cao độ đối với từng từ cụ thể.

Nếu phụ nữ mang thai nói các ngôn ngữ có thanh điệu phức tạp như vậy: tiếng khóc của trẻ sơ sinh của họ có mang những đặc trưng của ngôn ngữ người mẹ không? Câu hỏi này đã được kiểm tra bởi các nhà khoa học từ các quốc gia khác nhau trong một dự án chung. Các kết quả nghiên cứu của họ đã được công bố trong các vấn đề mới nhất của tạp chí Tiếng nói, tạp chí Ngôn ngữ và thính lực và tạp chí Giọng nói.

Giống như ngôn ngữ có thanh điệu của người mẹ, tiếng khóc của trẻ giống như tiếng hò

Kết quả: "Những tiếng khóc của trẻ sơ sinh có mẹ nói một ngôn ngữ có thanh điệu được đặc trưng bởi sự thay đổi giai điệu cao hơn đáng kể so với - ví dụ - trẻ sơ sinh Đức", giáo sư Kathleen Wermke, Trưởng Trung tâm Phát triển tiếng nói và Rối loạn phát triển tiếng nói tại Đại học Würzburg Đức và tác giả chính của hai nghiên cứu cho biết.

Các con của người Nso ở Cameroon thể hiện thay đổi cao độ đáng kể (khoảng cách giữa âm cao nhất và âm thấp nhất); cũng như tần suất thay đổi cao độ nhiều hơn so với những trẻ sơ sinh của các bà mẹ nói tiếng Đức.

"Âm thanh khóc của họ giống như tiếng hò" giáo sư Wermke mô tả hiệu ứng này. Kết quả cũng tương tự đối với trẻ sơ sinh từ Bắc Kinh - nhưng ở mức độ hơi thấp hơn.

Giai đoạn hình thành ngôn ngữ sớm nhất

Từ quan điểm của các nhà khoa học trên, những phát hiện này ủng hộ một lý thuyết mà họ đã từng xem xét trong nghiên cứu so sánh giữa các trẻ sơ sinh Đức và Pháp: "các yếu tố phát triển ngôn ngữ trong tương lai được hình thành từ lúc người mẹ mang thai,chứ không chỉ bắt đầu khi trẻ bập bẹ, hoặc nói những từ ​​đầu tiên" các nhà khoa học cho biết. Trẻ đã có cơ hội làm quen với "ngôn ngữ mẹ" trong tử cung của người mẹ đặc biệt trong giai đoạn mang thai tháng 7 trở lên, trẻ sơ sinh thể hiện trong tiếng khóc mẫu giai điệu đặc trưng ảnh hưởng bởi môi trường của trẻ - ngôn ngữ người mẹ - sớm hơn rất nhiều giai đoạn trẻ phát ra các âm thanh đầu tiên hoặc thử giọng nói nhưng "âm tiết bập bẹ."

Kết quả tương tự vượt qua các ranh giới văn hóa

Đồng thời, những phát hiện này nhấn mạnh rằng trẻ sơ sinh thể hiện đặc trưng tương tự ngôn ngữ của người mẹ mà không phụ thuộc vào nền văn hóa nào. "Chúng tôi đã kiểm tra trong trường hợp trẻ sơ sinh từ các nền văn hóa rất khác nhau", Kathleen Wermke nói.

Có những trẻ sinh ra ở Bắc Kinh, bao quanh bởi những ảnh hưởng của nền văn minh hiện đại - đài phát thanh, truyền hình, điện thoại thông minh. Mặt khác, có những đứa trẻ của tộc Nso, người được sinh ra trong một môi trường nông thôn, nơi rất ít những thành tựu kỹ thuật của thời hiện đại được tìm thấy. "Bất chấp những khác biệt văn hóa, cả hai nhóm ngôn ngữ có thanh điệu thể hiện tác dụng tương tự cho thấy chúng tôi đã đi đúng hướng", các nhà khoa học phát biểu.

Với tất cả sự thận trọng, những kết quả này cũng có thể gợi ý rằng các yếu tố di truyền có thể liên quan đến quá trình này bên cạnh các yếu tố bên ngoài. "Tuy nhiên, vẫn không thể phủ nhận rằng trẻ sơ sinh có thể học bất kỳ ngôn ngữ nói nào trên thế giới, dù thứ ngôn ngữ đó có phức tạp đến đâu" Kathleen Wermke nói.

Cơ sở cho việc chẩn đoán sớm các rối loạn

55 trẻ sơ sinh từ Bắc Kinh và 21 trẻ sơ sinh từ Cameroon đã được kiểm tra bởi các nhà khoa học trong quá trình nghiên cứu của họ, và những tiếng khóc của trẻ được ghi nhận trong ngày đầu tiên trẻ sinh ra đời. "Chúng tôi chỉ ghi lại tiếng khóc tự phát, thông thường khi một em bé bắt đầu khó chịu vì đói" Kathleen Wermke nói.

Từ quan điểm của các nhà khoa học trên, các kết quả của những nghiên cứu này góp phần giúp hiểu biết tốt hơn các yếu tố ảnh hưởng quan trọng đến các giai đoạn sớm nhất của sự phát triển ngôn ngữ. Đồng thời, nghiên cứu cũng cải thiện khả năng xác định các chỉ số cung cấp thông tin đáng tin cậy về bất kỳ rối loạn phát triển ngôn ngữ ở giai đoạn rất sớm. Tuy nhiên, nhiều câu hỏi vẫn còn cần được làm rõ trước khi những phát hiện này có thể được sử dụng trong thực hành lâm sàng.

Nhã Khanh (Theo Sciencedaily)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm