Ấn Độ xây dựng tháp băng nhân tạo giữa sa mạc

(Dân trí) - Một kỹ sư cơ khí người Ấn Độ đã tạo ra một tháp băng nhân tạo khổng lồ giữa sa mạc khắc nghiệt giúp giải quyết vấn đề thiếu nước cho người dân khu vực Ladakh.

Ấn Độ xây dựng tháp băng nhân tạo giữa sa mạc - 1

Ladakh là một khu vực ở phía bắc của Ấn Độ, nằm giữa hai dãy núi cao nhất thế giới, dãy Himalaya và Côn Lôn. Đây là một vùng sa mạc lạnh có cảnh quan tuyệt đẹp với băng tuyết quanh năm bao phủ các đỉnh núi.

Sa mạc Ladakh là một khu vực có khí hậu rất khắc nghiệt, nơi lượng mưa rất khan hiếm và có biên độ nhiệt cao. Người dân địa phương cho biết Ladakh là nơi duy nhất trên thế giới mà một người đứng dưới mặt trời có thể cùng lúc bị say nắng và tê cóng vì lạnh.


Ladakh là sa mạc lạnh ở phía bắc của Ấn Độ, nằm giữa hai dãy núi cao nhất thế giới, dãy Himalaya và Côn Lôn.

Ladakh là sa mạc lạnh ở phía bắc của Ấn Độ, nằm giữa hai dãy núi cao nhất thế giới, dãy Himalaya và Côn Lôn.

Do lượng mưa ít nên nguồn nước phục vụ cho nhu cầu tưới tiêu chủ yếu là nước sông băng từ tuyết tan. Tuy nhiên, biến đổi khí hậu đã khiến cho vùng đất này trở nên khắc nghiệt hơn, số lượng sông băng ít và tan chảy sớm khiến những tháng quan trọng của mùa vụ thường thiếu nước.


Nguồn nước phục vụ cho nhu cầu tưới tiêu chủ yếu là nước sông băng từ tuyết tan.

Nguồn nước phục vụ cho nhu cầu tưới tiêu chủ yếu là nước sông băng từ tuyết tan.

Trước thực trạng này, ông Sonam Wangchuk, một kỹ sư cơ khí người Ấn Độ đã tìm ra giải pháp giúp giải quyết vấn đề thiếu nước ở Ladakh. Wangchuk có một ý tưởng đơn giản là muốn cân bằng lượng nước thiếu hụt bằng cách giữ nước từ tuyết tan trong mùa đông để dành đến mùa xuân, khi nông dân cần nước cho sản xuất nhiều nhất.

Wangchuk cho biết: "Tôi từng nhìn thấy đá dưới cầu vào tháng 5 và hiểu rằng Mặt trời làm cho băng tan chứ không phải nhiệt độ môi trường xung quanh". Sau đó ông thực hiện ý tưởng xây dựng một "tháp băng" hình nón hai tầng.


Kỹ sư Sonam Wangchuk – chủ nhân của ý tưởng xây dựng tháp băng nhân tạo.

Kỹ sư Sonam Wangchuk – chủ nhân của ý tưởng xây dựng tháp băng nhân tạo.

Tháp băng được tạo ra theo nguyên lý vật lý đơn giản. Đầu tiên, một đường ống được đặt dưới lòng đất nối dòng nước đến nơi xây dựng tháp băng, thường là bên cạnh một ngôi làng. Nước phải đến từ độ cao lớn hơn khoảng 60 mét trở lên. Áp suất sẽ khiến nước phía thượng nguồn đổ về ống phía hạ lưu tạo ra một đài phun nước. Nhiệt độ không khí lạnh kết tinh các giọt nước thành băng và rơi xuống dần tạo thành một hình nón.

Tháp băng hình nón có diện tích tiếp xúc với Mặt trời ít hơn làm giảm quá trình tan chảy, tháp đầu tiên cao hơn 6m và chứa được 150.000 lít nước. Tháp băng có thể đạt tới độ cao 24m và cung cấp nước tưới cho khoảng 10 ha.


Tháp băng có thể đạt tới độ cao 24m và cung cấp nước tưới cho khoảng 10 ha.

Tháp băng có thể đạt tới độ cao 24m và cung cấp nước tưới cho khoảng 10 ha.

Điểm mạnh của tháp băng là nó hoạt động ngay cả ở độ cao thấp và trong nhiệt độ ấm. Trước đó, trong khu vực cũng đã có sông băng nhân tạo được tạo ra bằng cách đóng băng các dòng nước lớn nằm ở độ cao khoảng 4.000 m. Tuy nhiên những sông băng nhân tạo này nằm ở xa và đòi hỏi nhiều công sức hơn.

Với cấu trúc dạng hình nón tháp băng có thể chịu được ánh sáng mặt trời trực tiếp và vẫn giữ được lượng nước cần thiết. Hiện nay Wangchuk đang cố gắng hoàn thiện hơn hệ thống xây dựng tháp băng của mình.

Ấn Độ xây dựng tháp băng nhân tạo giữa sa mạc - 6

Không dừng ở đó, Wangchuk còn ước mơ biến những tháp băng thành những điểm thu hút khách du lịch bằng cách xây dựng các quán bar đá và các khách sạn bên trong.

Wangchuk ước tính cần khoảng 125.000 USD để xây dựng tháp băng đầu tiên. Với mong muốn xây dựng được nhiều tháp băng hơn ông quyết định kêu gọi sự hỗ trợ và đã nhận được sự quan tâm của các tổ chức địa phương.

Đoàn Dương