Bạn đọc viết:

Xin đừng mỉa mai nghề giáo!

(Dân trí) - Đọc bài viết “Ngơ ngơ thì vào… Sư phạm?” đăng trên báo Dân trí, quả thật mỗi câu chữ chẳng khác gì từng lát cắt vào lòng người đau nhói. Nhưng đó lại là sự thật đầy oái ăm. Ai đang theo đuổi nghiệp trồng người mới thấm thía hơn nữa câu chuyện “tụt dốc” của ngành Sư phạm.

“Hiền lành”, “lù khù”, “ ngơ ngơ”… thì nên vào Sư phạm ư? Hoàn toàn sai lầm! Đúng là ngành giáo có vẻ an nhàn hơn nhiều ngành nghề đòi hỏi sự năng động trong môi trường cạnh tranh gay gắt. Nhưng công việc giảng dạy và giáo dục học sinh muôn vàn áp lực vô hình buộc người thầy phải vận động không ngừng để bắt kịp với sự đổi mới của chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy học, công nghệ thông tin…

Trong guồng quay của đổi mới, cải cách, người nào không chịu vận động, chắc chắn sẽ nhanh chóng tụt lùi và lạc hậu. Hình ảnh, vị thế của một người thầy sẽ không “định lượng” bằng các tiêu chuẩn đánh giá khô cứng mà chính là sức hấp dẫn trong lòng học sinh. Một phương pháp giảng dạy hấp dẫn, một lối sống mẫu mực, một bầu nhiệt huyết trồng người sẽ lưu giữ hình ảnh đẹp về người thầy trong lòng học trò.

Nghề giáo là nơi “trú thân” lý tưởng cho những người khả năng có hạn ư? Có lẽ đúng khi mà càng ngày điểm thi vào Sư phạm càng tụt dốc thảm hại. Nếu cách đây khoảng hai thập kỷ, thi vào sư phạm là cuộc chiến gian nan của học sinh giỏi thì giờ đây, học hành kiểu “tầm tầm bậc trung” đã có “vé” vào cổng trường. Thậm chí là mức yếu, kém cũng được nhiều trường cao đẳng “vớt” vì … thiếu chỉ tiêu!

Một người thầy còn chưa thông thạo cách giải bài toán nâng cao, chưa đủ sức hành văn mạch lạc, chưa tường tận kiến thức khoa học, sao có thể đứng lớp rao giảng kiến thức, trau dồi năng lực cho học sinh? Một người bạn của tôi dạy môn Tin học ở trường cấp 3 khi hướng dẫn sinh viên thực tập soạn giảng đã nghe lời “thú nhận” tội nghiệp: “Bài này em chưa hiểu làm sao dạy học trò?”. Thế là cô giáo cấp 3 đành phải dạy lại kiến thức bộ môn cho sinh viên trước khi lên lớp tập giảng.

Câu chuyện ấy có lẽ không mới với nhiều người đã từng hướng dẫn sinh viên kiến tập, thực tập. Kiến thức chuyên môn, năng lực sư phạm phải giỏi hơn trò thì mới có thể làm thầy, mới khiến trò nể phục và tôn kính. Dẫu biết không thể đòi hỏi người thầy phải là một nhà bác học uyên thâm nhưng ít nhất người thầy phải có một nền tảng kiến thức vững vàng mới có thể ứng biến với những phản biện của lớp trẻ. Đừng lên lớp sai kiến thức hay “đứng hình” trước những câu hỏi đơn giản trong phạm vi môn học, vì lúc ấy niềm tin của người học sẽ lung lay!

Bên cạnh năng lực, nghề giáo cần hơn hết những người thật sự yêu nghề, có tâm huyết dạy dỗ thế hệ trẻ và tràn đầy đam mê nghề nghiệp. Học lý thuyết trên ghế giảng đường là một chuyện, trực tiếp giảng dạy và đối diện với thực tế trường lớp lại là chuyện khác. Trăn trở, lo lắng rồi mồ hôi và cả nước mắt cũng sẽ rơi. Nếu thiếu ngọn lửa đam mê thì sẽ nhanh chóng đầu hàng và lùi bước.

Hãy tưởng tượng bạn được phân công vào một lớp có dăm bảy học sinh quậy phá, lười học. Trên thì ban giám hiệu liên tục nhắc nhở chấn chỉnh tình hình lớp, đồng nghiệp phàn nàn về nề nếp học tập, dưới thì học sinh “bỏ ngoài tai” mọi lời khuyên răn, uốn nắn của giáo viên. Lúc ấy, bạn sẽ bỏ cuộc và buông xuôi, mặc kệ ư? Chỉ có người thầy với cái tâm yêu nghề, yêu người mới có thể kiên trì theo đuổi, tìm giải pháp cảm hóa học sinh.

Hãy tưởng tượng học sinh lớp bạn chủ nhiệm bỗng dưng bỏ học. Người vô tâm sẽ nhanh chóng báo cáo việc bỏ học và chẳng bận tâm tương lai của một đứa trẻ. Nhưng rất nhiều người thầy đã kéo học sinh quay trở lại lớp học bằng sự cố gắng, kiên trì. Con đường vận động học sinh quay lại lớp sẽ lắm gian nan bắt đầu từ việc tìm nhà, chạy xe ngút ngàn băng qua nhiều con đường đất đỏ, dắt xe ì à ì ạch qua đường ray tàu hỏa cao chót vót vài lượt như thế, dùng lời nói động viên, dùng tấm lòng khuyên nhủ… Và rồi thở phào nhẹ nhõm khi trò quay lại lớp. Niềm vui đôi khi bắt đầu từ những việc nhỏ bé bằng chính sự cố gắng và nhiệt tâm của chính mình như thế đó!

Người ta thường ngợi ca hai nghề cao quý được gọi là thầy, đó là thầy thuốc và thầy giáo. Một thầy chữa bệnh cứu người, một thầy gieo kiến thức rèn tâm hồn. Thầy thuốc kém thì vài bệnh nhân nguy khốn, nhưng thầy giáo kém thì đánh đổi sự đi xuống của vài thế hệ. Chính vì vậy, nếu không có năng lực, không có lòng đam mê, xin đừng chọn sư phạm!

Và xin đừng mỉa mai nghề giáo chỉ dành cho kẻ “ngơ ngơ”…

Thanh Ny

(Giáo viên tại Thừa Thiên - Huế)

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm