Câu chuyện giáo dục:

Xấu hổ vì không có học sinh… ở lại lớp

(Dân trí) - Năm học kết thúc, 100% học sinh của lớp “hoàn thành chương trình học” và thẳng tiến lên lớp trên, cô giáo cũng đạt kế hoạch đề ra nhưng lòng không khỏi đau đáu xấu hổ.

Cuối năm, học sinh tưng bừng hoa lá cầm những giấy chứng nhận với đánh giá xuất sắc ở lĩnh vực nào đó, có em được đánh giá toàn diện còn lại đều được nhận xét “hoàn thành chương trình học” - một “tấm lệnh bài” để bước lên lớp trên. Chỉ có cô hiểu rằng, với một số em được lên lớp đồng nghĩa với việc các em đang bị “ngồi nhầm chỗ”. Cô muốn giữ các em lại, đặt các em đúng chỗ của mình mà lực bất tòng tâm.

Trong năm học, cô đã tự nhủ sẽ cố gắng cùng các em dạy tốt học tốt và cũng phải đảm bảo dạy thật học thật. Nhưng dù có cầu toàn đến mấy, dốc sức đến mấy, cô cũng phải chấp nhận, có những học sinh đang kém về mặt học lực, chưa đáp ứng được các yêu cầu cơ bản của kiến thức chương trình.

Giáo viên là người rõ nhất về giá trị thực của những lời nhận xét, đánh giá về học trò
Giáo viên là người rõ nhất về giá trị thực của những lời nhận xét, đánh giá về học trò

Chưa đủ năng lực, khả năng, học sinh cần được ở lại lớp - một điều tưởng như đơn giản nhưng cô lại không thể toàn quyền quyết định. Cô làm báo cáo và… hiệu trưởng sẽ xem xét, quyết định việc lên lớp hoặc ở lại lớp. Trước đây, khi còn chấm điểm, trường toàn đạt 90 - 95% học sinh giỏi, còn lại là tiên tiến, năm thì mười họa mới có học sinh trung bình và kém. Còn giờ trường đạt chỉ tiêu 100% học sinh hoàn thành chương trình học, chẳng hiệu trưởng nào… “lỡ dại” mà giữ học sinh ở lại.

Trò học kém mà vẫn ráng “tuồn” lên lớp trên tưởng là thương nhưng đang hại các em. Chương trình ở lớp dưới các em còn chưa theo được, lấy sức đâu để theo lớp trên? Chưa nói đến học sinh kém, không ít em là học sinh giỏi ở bậc tiểu học lên cấp 2, cấp 3 gặp những cú sốc khi không theo nổi chương trình. Bây giờ cô đã thấm thía những lời than phiền của giáo viên cấp 2 về cô giáo tiểu học dạy dỗ kiểu gì mà học sinh… chả biết gì hết.

Cô muốn đấu tranh để học sinh được lưu ban, để các em được ngồi đúng chỗ và nếu trừ thành tích, thi đua, phần thưởng gì đó của mình cô chấp nhận hết. Nhưng không, một học sinh lưu ban thì sẽ ảnh hưởng đến thi đua trường, thi đua khối chứ không chỉ là việc trả kết quả học tập công minh của cô giáo chủ nhiệm sau một năm học theo sát các em.

Cô không hiểu, không lý giải nổi tại sao đánh giá học sinh đúng với năng lực của các em - có những em giỏi và có những em kém là điều rất bình thường - lại trừ thi đua giáo viên, thi đua trường?

Lên lớp, suốt ngày cô dạy học sinh cần trung thực và đấu tranh cho sự trung thực nhưng bản thân lại đang dối trá và “hợp tác” với sự dối dá. Lời nhận xét “hoàn thành chương trình” với một số học sinh là sự giả dối. Các em có thể ngộ nhận và ảo tưởng về bản thân và bất công với những học sinh có kết quả tốt, nỗ lực thật sự.

Đó còn là sự giả dối đối với phụ huynh khi thấy con “hoàn thành” rồi lên lớp cứ tin con học được. Và hơn hết, cô đang giả dối với chính bản thân, với nghề nghiệp được gọi là “trồng người” của mình.

Cô chua chát khi thấy học sinh mỉm cười, phấn chấn với những lời nhận xét trong học bạ vốn không thuộc về các em để tiếp tục bước vào đời. Còn cô, những nhiệt huyết, những kỳ vọng đối với nghề giáo mà mình theo đuổi bấy cứ mai một, tàn lụi dần.

Không chỉ có nhiều học sinh đang “ngồi nhầm chỗ” mà còn có không ít giáo viên cũng “đứng nhầm chỗ”. Mà cô tự nhận mình đang “đứng nhầm chỗ” với nỗi xấu hổ tột cùng.

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm