Vị Giáo sư Viện trưởng “ngày Mỹ đêm Việt”

(Dân trí) - Vượt qua hoàn cảnh gia đình nghèo khó, cha bệnh tật, từng làm đủ việc kiếm sống để giờ đây ông trở thành Giáo sư Đại học Utah (Mỹ).

Mặc dù, đã giành được nhiều giải thưởng danh giá ở nước ngoài, nhưng đối với Giáo sư - Tiến sĩ Trương Nguyện Thành thì không gì vui sướng hơn khi được dốc sức cho công việc chuyên môn và đóng góp cho quê hương. 
 
Vị Giáo sư Viện trưởng “ngày Mỹ đêm Việt” - 1

GS Trương Nguyện Thành
Cậu học trò làm thuê

Giáo sư Trương Nguyện Thành sinh năm 1961 ở Quy Nhơn, Bình Định, là người con thứ hai trong một gia đình có 7 anh em. Tuổi thơ, cậu bé Thành sống trong sự nuôi dạy của ông nội trong ngôi nhà ngói đỏ, giữa vườn dừa, cách sông Lại Giang chừng nửa cây số, nơi chứa rất nhiều kỷ niệm đẹp và ảnh hưởng đến thế giới quan của ông sau này.

Năm 10 tuổi, Trương Nguyện Thành rời Bình Định theo ba mẹ vào Gò Vấp, Sài Gòn. Thật không may, ba Thành lâm bệnh, bị bán thân bất toại vì nhồi máu cơ tim. Ngày ấy, cuộc sống của gia đình suy sụp nhanh chóng do ba ông là người nuôi cả gia đình. Vì vậy, tuy mới 11 tuổi nhưng cậu bé Thành đã biết hằng ngày ra đứng ở chợ Gò Vấp, cạnh bến xe lam, để bán thuốc lá phụ mẹ nuôi sống gia đình và chăm sóc thuốc thang cho người cha bệnh tật. Đến năm 16 tuổi, gia đình Trương Nguyện Thành chuyển về quê ngoại ở Lái Thiêu (Bình Dương). Khi ấy, Thành đã đứng ra tự cất ngôi nhà bằng đất trộn rơm để mấy anh em có chỗ che mưa nắng, rồi mua một miếng ruộng nhỏ và hai con trâu con, bắt đầu tập cày để đi cày mướn, nuôi sáu người em. Từ đó, chẳng có việc gì thuộc về nghề nông từ chăn trâu, cày, bừa, rồi cắt, gặt, đập lúa hay trồng khoai, bắt cá... mà ông không làm được

“Cú huých” từ người thầy 

Do bận cày thuê, Thành là cậu học sinh "biếng học" trong lớp. Tuy nhiên, có người nhìn ra khả năng của cậu. Đó là ông giáo Đỗ, thầy dạy Toán của Thành ở Trường Trung học Lái Thiêu. Năm 1979, năm đầu tiên tổ chức thi Học sinh giỏi Toán toàn quốc, thầy Đỗ đưa ra vài bài toán mẹo cho cả lớp làm. Các trò giỏi trong lớp không ai giải được. Lúc ấy, cậu học sinh Trương Nguyện Thành mới giơ tay xin phát biểu: "Mấy bạn giỏi đều không làm được. Vậy không biết thầy có muốn nghe ý kiến của trò dở không?". Và cậu "trò dở" ấy đã làm thầy phải ngạc nhiên vì óc tư duy logic và khả năng Toán học tốt của mình. Sau đó, thầy gặp riêng Thành và hỏi: "Em thông minh, nhưng sao không cố gắng học?". "Thưa thầy, em phải đi làm để kiếm cơm, em cũng không có tiền mua sách vở", cậu học sinh nghèo đáp. Nghe vậy, thầy Đỗ không nói gì, nhưng hôm sau, thầy mang sách vở đến cho Thành mượn và bảo: "Đây là những sách toán của thầy lúc thầy còn đi học Sư phạm. Em lấy về đọc cho vui. Tháng sau thi học sinh giỏi toàn tỉnh, thầy muốn em đi thi".

"Cảm động vì tấm lòng của thầy và không muốn phụ lòng thầy, nên tôi cố gắng đọc qua. Kết quả là tôi đậu vào đội học sinh giỏi toán của tỉnh. Từ đó, tôi tự tin hẳn và bắt đầu ham học. Buổi tối, dù mệt mỏi vì ngày phải đi làm thuê, nhưng tôi vẫn cố thắp đèn dầu lên học. Con đường học vấn của tôi chuyển sang một bước mới...", nhớ lại những ngày ấy, Giáo sư Trương Nguyện Thành bồi hồi cảm động nhắc đến người thầy đã hướng anh đi theo con đường của tri thức.

Chàng sinh viên độc đáo

Năm 18 tuổi, Thành sang Mỹ học đại học. Đang học năm thứ 2, Trương Nguyện Thành đến gặp thầy Mark Gordon, Giáo sư của Đại học North Dakota, và hỏi: "Nghiên cứu khoa học có khó không, thưa thầy? Có phải chỉ những người có bằng đại học và đang học cao học mới nghiên cứu được?". Thấy nhiệt huyết của chàng sinh viên trẻ người Việt, thầy Mark Gordon không muốn làm anh thất vọng, nên trả lời: "Nghiên cứu tuy khó nhưng có những vấn đề sinh viên đại học cũng có thể làm được". Thế là Thành nắm lấy cơ hội và mạnh dạn hỏi: "Thứ hai tuần sau, em đến làm cho thầy được không?". Bị đặt vào tình thế không thể từ chối, Giáo sư Mark Gordon đành nhận lời một cách "bất đắc dĩ", và Trương Nguyện Thành bắt đầu nghiên cứu khoa học từ năm đại học thứ 2 - một điều hiếm, ngay với sinh viên Mỹ.

Tuy ban đầu chưa được Giáo sư Mark Gordon mấy tin tưởng, nhưng chẳng bao lâu sau Trương Nguyện Thành đã chinh phục hoàn toàn người thầy của mình. Khi ra trường, anh đã có bốn bài báo khoa học được in trên những tạp chí quốc tế uy tín, và đủ tài liệu để xuất bản thêm hai bài nữa sau khi vào cao học, tài liệu nghiên cứu đủ để viết một đồ án Tiến sĩ ở Mỹ.

Vị Giáo sư Tiến sĩ uy tín của Đại học Utah

Năm 1985, Trương Nguyện Thành tốt nghiệp Đại học North Dakota loại giỏi, ngoài bằng hóa học, anh còn lấy luôn bốn bằng phụ về Lý, Toán, Kế toán và Công nghệ thông tin. Nhận thấy tài năng của người học trò yêu, Giáo sư Mark Gordor lại khuyên Thành học tiếp và giới thiệu anh với những người bạn của mình là những giáo sư nổi tiếng trong lĩnh vực hóa học. Trương Nguyện Thành lại được học tập với những người thầy nổi tiếng như Giáo sư Donald Truhlar, Giáo sư Andrew McCammon. Năm 1990, anh lấy bằng Tiến sĩ, và giành được Giải thưởng của Hội đồng Khoa học Quốc gia Mỹ. Anh học tiếp sau Tiến sĩ ngành Mô phỏng cơ cấu sinh lý. Năm 1992, Đại học Utah mời anh về làm Giáo sư chính thức giảng dạy môn hóa lượng tử. Năm 1993, Giáo sư Thành lại đoạt giải là một trong những nhà khoa học trẻ tuổi có nhiều triển vọng của Mỹ. Giải thưởng 500.000USD được anh dùng cho công tác nghiên cứu. Năm 2002, Trương Nguyện Thành được phong Giáo sư Cao cấp (cấp cao nhất trong ba cấp Giáo sư ở Mỹ) khi mới 41 tuổi. Từ 1992 đến nay, Giáo sư Trương Nguyện Thành đã có hơn 160 bài báo được in trên các tạp chí khoa học quốc tế.

Phát triển ngành khoa học mới mẻ cho quê hương

Gặt hái liên tục những thành công trên đất Mỹ, nhưng mong muốn đóng góp chất xám cho quê hương luôn là sự thôi thúc trong lòng nhà trí thức người Việt này. Nhận thấy trong nước còn rất nhiều sinh viên tài năng không có cơ hội, anh đã dùng tiền nghiên cứu để cấp học bổng cho một số sinh viên Việt Nam sang nghiên cứu ở Mỹ. Những năm gần đây, bên cạnh việc giảng dạy, nghiên cứu tại Đại học Utah, Giáo sư Trương Nguyện Thành còn nhiều lần về giảng dạy đại học tại TP. Hồ Chí Minh.

Năm 2005, Giáo sư Thành được Phó chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân TP. Hồ Chí Minh khi đó là Tiến sĩ Nguyễn Thiện Nhân mời về nước để diễn thuyết về tầm quan trọng của khoa học và công nghệ tính toán, chuẩn bị cho việc phát triển ngành khoa học mới mẻ này tại Việt Nam. Sau đó, Giáo sư Thành được mời lập đề án thành lập Viện Khoa học và Công nghệ tính toán TP. Hồ Chí Minh.

“Phân thân” giữa 2 bờ đại dương

Giáo sư Thành thường làm việc online về đêm để điều hành công việc từ xa. Ngoài công việc ban ngày tại khoa Hoá của Đại học Utah, hằng tuần, các cuộc họp giữa Viện trưởng ở Mỹ với các nhân viên ở Việt Nam và các trưởng phòng thí nghiệm ở Canada, Australia, Ba Lan và Mỹ đều được thực hiện qua Internet. Một năm,Viện trưởng chỉ về nước làm việc vài lần để trực tiếp giải quyết một số vấn đề thực sự cần thiết.

Trong vai trò đồng Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ tính toán TPHCM, Giáo sư Trương Nguyện Thành cho biết, mục tiêu hàng đầu của Viện là xây dựng một môi trường nghiên cứu hiện đại với phong cách làm việc như các nước tiên tiến. Viện sẽ là nơi thu hút, tập họp và xây dựng đội ngũ các nhà khoa học tính toán có trình độ quốc tế để đưa khoa học và công nghệ tính toán vào trong các ngành khoa học kỹ thuật khác, trở thành một trong những động lực chính thúc đẩy gia tăng phát triển nền kinh tế tri thức.

“Đừng ngồi chờ cơ hội tự tìm đến”

Theo Viện trưởng Trương Nguyện Thành, từ nay đến năm 2013, Viện Khoa học và công nghệ tính toán TP. Hồ Chí Minh sẽ liên kết với các cơ sở trong nước và quốc tế để phát triển các chương trình đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ; tổ chức ngày hội việc làm và hội thảo khoa học. Viện Khoa học và Công nghệ tính toán TP. Hồ Chí Minh đặt mục tiêu sẽ trở thành một tổ chức nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ tính toán có uy tín ở châu Á.

Nhận xét về thế hệ sinh viên ngày nay, Giáo sư Thành tin tưởng rằng: "Sinh viên Việt Nam có triển vọng tốt, nếu có cơ hội. Việt Nam cần tạo môi trường để họ có thể phát huy sau khi tốt nghiệp". Anh cũng khuyên, để có được thành công các bạn trẻ cần "không bao giờ bỏ cuộc, dù chỉ là một việc nhỏ. Theo tôi, thành công hay không của mỗi người nằm ở ba điều kiện: cơ hội, sự quyết tâm và khả năng. Khả năng không quan trọng bằng quyết tâm. Và cũng phải biết kiên trì chuẩn bị để khi cơ hội đến thì có đủ khả năng bắt lấy, chứ đừng ngồi chờ cơ hội tự tìm đến".

Vũ Anh Tuấn
Theochem.utah.edu và báo chí trong nước