Tự chủ đại học: Thương hiệu là nhân tố giúp duy trì sự tồn vong của nhà trường

(Dân trí) - Thương hiệu của trường đại học sẽ giúp thu hút được đủ số lượng sinh viên, tuyển chọn và sử dụng tốt đội ngũ giáo viên có chất lượng. Trong một thị trường cạnh tranh về giáo dục, để tồn tại và đứng vững thì thương hiệu là nhân tố vô cùng quan trọng tạo ra danh tiếng để duy trì sự tồn vong của nhà trường.

PGS.TS An Thị Thanh Nhàn, trường ĐH Thương Mại đã đưa ra quan điểm như vậy trong bài viết phát triển thương hiệu các trường đại học giai đoạn chuyển sang quản lý tự chủ.


Áp lực cạnh tranh giữa các trường đại học VN không chỉ là số lượng sinh viên đầu vào mà đang chuyển sang về chất lượng đầu ra.

Áp lực cạnh tranh giữa các trường đại học VN không chỉ là số lượng sinh viên đầu vào mà đang chuyển sang về chất lượng đầu ra.

Áp lực cạnh tranh ngày càng lớn giữa các trường đại học

PGS.TS An Thị Thanh Nhàn cho biết, lĩnh vực giáo dục đại học VN đang chuyển dần thành một thị trường dịch vụ, đây cũng là một thị trường mở, chịu nhiều áp lực cạnh tranh từ trong nước và nước ngoài trước xu hướng toàn cầu hóa. Điều này thể hiện ở số lượng các trường đại học đã tăng gấp 3 lần trong 15 năm gần đây, các chương trình giáo dục đại học quốc tế đang xuất hiện ngày càng nhiều ở VN cũng như số lượng học sinh sinh viên đi học tập ở nước ngoài tăng đáng kể.

Năm 2000, cả nước chỉ có 153 trường ĐH,CĐ. Năm 2015, con số đó đã lên đến 481 trường công lập và ngoài công lập, chưa kể các trường trung học chuyên nghiệp và các trường đại học và cao đẳng có vốn nước ngoài.

Áp lực cạnh tranh giữa các trường đại học VN không chỉ là số lượng sinh viên đầu vào mà đang chuyển sang về chất lượng đầu ra. Các trường đại học cần có đủ khả năng cạnh tranh với đại học của nước ngoài trong việc cung cấp dịch vụ giáo dục, cả về chất lượng cũng như giá thành.

"Cạnh tranh để có thêm nguồn lực tài chính, cạnh tranh để có thêm thầy giáo giỏi, học trò giỏi....Điều này đòi hỏi các trường đại học trong nước phải chú ý nhiều hơn tới việc tạo ra một thương hiệu mạnh để thu hút đủ số lượng người học và đáp ứng tốt yêu cầu cạnh tranh xã hội" - PGS.TS Nhàn nhấn mạnh.

Phải vận hành nhà trường như một tổ chức doanh nghiệp

Bên cạnh đó, xu hướng chuyển sang quản lý tự chủ gần đây của nhiều trường đại học đang đặt ra yêu cầu bức thiết hơn với vấn đề xây dựng thương hiệu. Quy định về tự chủ tại các trường đại học của VN được ban hành trong Điều 32, Luật GD ĐH năm 2012 và Điều 5 của Điều lệ trường đại học (năm 2014). Chủ trương này đề cập tới các khía cạnh của tự chủ về tổ chức và nhân sự, tài chính và tài sản, đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế.

Các nội dung cơ bản của tự chủ có mối quan hệ biện chứng với nhau và đều đặt ra yêu cầu phải vận hành nhà trường như một tổ chức kinh doanh dịch vụ đào tạo và giáo dục. Tự chủ thực hiện nhiệm vụ đào tạo, hoạt động khoa học (tự chủ về học thuật) đòi hỏi các trường đại học khi chuyển sang quản lý tự chủ phải thực sự tự tìm kiếm cho mình một chỗ đứng, một vị trí và duy trì được những giá trị tốt nhất hay dịch vụ đào tạo đại học tốt nhất mà mình có thể cung ứng cho xã hội. Tất cả các vấn đề học thuật, nội dung chương trình và chất lượng giảng dạy vì vậy phải đáp ứng được chất lượng đào tạo nguồn nhân lực nhân sự cho xã hội.

PGS.TS Nhàn cho rằng, sản phẩm dịch vụ của nhà trường phải thể hiện được ở chất lượng đầu ra của sinh viên và phải được xã hội thừa nhận qua tỷ lệ số lượng sinh viên có việc làm và có mức lương cao sau khi ra trường.

Tự chủ về tài chính đòi hỏi nhà trường phải quản lý theo cách thức đảm bảo có mức thu đủ bù đắp các khoản chi cho quá trình vận hành, trả lương cho giáo viên, đồng thời cung cấp các dịch vụ tiêu chuẩn cho sinh viên.

Tự chủ về nguồn nhân lực cho phép nhà trường tối ưu hóa các nguồn nhân lực chất lượng cao của mình để đáp ứng với các yêu cầu giảng dạy và đào tạo chất lượng tốt.

Theo PGS.TS An Thị Thanh Nhàn, các nội dung tự chủ có liên hệ chặt chẽ qua lại với nhau, không thể tự chủ tài chính nếu không nâng cao chất lượng đào tạo bởi lẽ sinh viên sẽ không trả giá cao cho những dịch vụ đào tạo chất lượng tồi.

Thương hiệu: Công cụ cạnh tranh lâu dài và bền vững

Để có chất lượng cao trong đào tạo, nhà trường phải có một đội ngũ giáo viên có trình độ và để tuyển dụng và đãi ngộ đội ngũ giáo viên có chất lượng nhằm tạo ra các sản phẩm dịch vụ tốt nhất lại cần tới những khoản tài chính không nhỏ.

Theo PGS.TS Nhàn, điều này đòi hỏi nhà trường phải làm cho người học nhận ra họ đang được thụ hưởng dịch vụ đào tạo được cung cấp bởi một tổ chức có uy tín và danh tiếng, và đảm bảo rằng các doanh nghiệp trong xã hội luôn sẵn lòng sử dụng tấm bằng của các sinh viên sau khi họ ra trường. Tất cả các yêu cầu này dẫn đến nhu cầu phải tạo ra được một thương hiệu vững chắc của nhà trường trong nhận thức của người học và xã hội.

Thương hiệu của trường đại học sẽ giúp thu hút được đủ số lượng sinh viên, tuyển chọn và sử dụng tốt đội ngũ giáo viên có chất lượng. Trong một thị trường cạnh tranh về giáo dục, để tồn tại và đứng vững thì thương hiệu là nhân tố vô cùng quan trọng tạo ra danh tiếng để duy trì sự tồn vong của nhà trường.

Như vậy, quản lý tự chủ đòi hỏi các trương đại học phải vận hành theo cách thức của một doanh nghiệp. Xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu nhà trường có vai trò như một công cụ cạnh tranh lâu dài và bền vững. Thương hiệu thành công sẽ gắn với hình ảnh tốt đẹp và danh tiếng mà dịch vụ đào tạo của nhà trường cống hiến cho xã hội.

PGS.TS An Thị Thanh Nhàn cho rằng, không phải cứ bỏ nhiều tiền đầu tư cơ sở vật chất, mở nhiều cơ sở, quảng cáo, PR rầm rộ... là xây dựng được thương hiệu. Thương hiệu chỉ định hình, tồn tại và thực sự có giá trị lâu dài khi có được một tầm nhìn và chiến lược phát triển dài hơi cùng các nỗ lực định hướng của nhà trường để tạo ra sự hài lòng của người học và xã hội với những gì nó mang lại.

Vậy xây dựng thương hiệu giáo dục cho một trường đại học phải bắt đầu từ đâu?

Bài 2: Thương hiệu và giá trị thương hiệu của một trường đại học

Nhật Hồng (ghi)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm