TS. Lê Thị Hiên: Được làm việc với sinh viên luôn là niềm vui của tôi

(Dân trí) - TS. Lê Thị Hiên, giảng viên bộ môn Công nghệ Nano sinh học, Khoa Vật lý kỹ thuật và Công nghệ nano, Trường Đại học Công nghệ, ĐHQGHN tâm sự: "Mong ước từ bé của tôi là được trở thành nhà giáo, được giảng dạy, được làm việc với sinh viên...".

TS. Lê Thị Hiên là một trong chín nhà khoa học nữ được ĐHQGHN trao giải thưởng “Nhà khoa học nữ tiềm năng năm 2017”. Đề tài “Nghiên cứu chế tạo hệ vật liệu nano sinh học ứng dụng trong hệ thống phân phối kiểm soát các hóa chất nông nghiệp” của TS Hiên là một trong ba đề tài được ĐHQGHN xét chọn để tài trợ nghiên cứu 100 triệu đồng trong năm 2017.


TS Lê Thị Hiên

TS Lê Thị Hiên

Từ học sinh giải nhất Hóa quốc gia tới giảng viên đại học

Lớn lên trong gia đình có truyền thống làm nghề giáo, ngay từ nhỏ chị Hiên đã ước mong lớn lên được trở giảng viên Đại học.

Đạt Giải Nhất môn Hóa học kỳ thi Học sinh giỏi Quốc gia năm 1999, khi là học sinh lớp 11 trường THPT Năng khiếu Trần Phú, Hải Phòng, chị Hiên được tuyển thẳng vào lớp đào tạo cử nhân khoa học tài năng khóa 4 (ngành Hóa) của Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQGHN và sau đó được học bổng đi học tại khoa Hóa học, Đại học Quốc gia Matxcova, Liên bang Nga.

Khi phân chuyên ngành đại học, chị Hiên quyết định chọn chuyên ngành Hóa hợp chất thiên nhiên và sau đó là chuyên ngành Hóa sinh hữu cơ khi làm nghiên cứu sinh vì đây là chuyên ngành có tính liên ngành có thể có nhiều ứng dụng trong y – sinh – dược, nông nghiệp và môi trường - các lĩnh vực rất quan trong đối với cuộc sống ở Việt Nam.

Các hướng nghiên cứu tập trung vào nghiên cứu chế tạo và ứng dụng các vật liệu và linh kiện tiên tiến trong y – sinh - dược, nông nghiệp và môi trường như: chế tạo cảm biến sinh học, các hệ phân tích y sinh, các cấu trúc nano ứng dụng trong phân phối dược phẩm, phân phối các hóa chất nông nghiệp.

Tới nay, chị Hiên đã 12 bài báo đăng trên các tạp chí quốc tế, tạp chí trong nước, trong đó có đến 07 bài báo đăng trên các tạp chí thuộc hệ thống ISI/Scopus cùng với số lượng đáng kể các báo cáo tham gia tại các hội nghị khoa học trong nước và quốc tế.

"Thực ra số lượng công bố của tôi còn khiêm tốn. Tôi thấy mình đã rất may mắn trong quá trình học tập trong nước và ở nước ngoài đều được các thầy/cô giáo và các nhà khoa học tâm huyết hướng dẫn, sau đó được làm việc trong nhóm nghiên cứu khoa học mạnh với các thành viên đều tràn đầy nhiệt huyết" - Chị Hiên tâm sự.

Chị Hiên cho hay, được giảng dạy và làm việc với các bạn sinh viên, một mong ước, là niềm vui của tôi. Giảng dạy và nghiên cứu khoa học là hai nhiệm vụ không thể tách rời của giảng viên ĐHQGHN, hai nhiệm vụ này bổ sung và hỗ trợ cho nhau.

Theo chị Hiên, khoa học công nghệ thay đổi rất nhanh chóng, chính vì vậy để giảng dạy về khoa học công nghệ tốt và hiệu quả cần cập nhật thông tin khoa học công nghệ thường xuyên, điều này cũng rất tốt cho nghiên cứu khoa học. Trong khi đó làm nghiên cứu sẽ có nhiều kinh nghiệm để có thể chia sẻ trong quá trình giảng dạy.

Khó khăn nhất với chị Hiên là việc cân bằng giữa công việc và gia đình. "Có con nhỏ nên tôi khó sắp xếp thời gian đi công tác xa nhà. Tôi rất may mắn có ông xã và ông bà nội ngoại luôn hiểu công việc của tôi, ủng hộ và hỗ trợ tôi trong việc gia đình để tôi có thể hoàn thành và phấn đấu trong công việc" - chị Hiên bộc bạch.


TS Hiên và các học trò của mình

TS Hiên và các học trò của mình

Nghiên cứu theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp

Đề tài khoa học mà chị Hiên đang nghiên cứu là: “Nghiên cứu chế tạo hệ vật liệu nano sinh học ứng dụng trong hệ thống phân phối kiểm soát các hóa chất nông nghiệp”.

Nói về đề tài của mình, chị Hiên cho biết, hiệu suất sử dụng phân bón tại Việt Nam, một trong những hóa chất nông nghiệp, không cao, hiện chỉ khoảng 40%, còn lại khoảng 60% lượng phân bón bị mất đi do rửa trôi, bay hơi do phân bón vừa bón xuống ruộng là tan ngay. Điều này vừa lãng phí phân bón, vừa ô nhiễm môi trường và nguồn nước quanh khu vực trồng trọt.

Chính vì vậy, cần tạo ra hệ phân phối phân bón nói riêng và hóa chất nông nghiệp nói chung có thể phân hủy trong đất và có thể kiểm soát được tốc độ phân phối theo thời gian đối với từng loại hóa chất thì sẽ tăng hiệu suất sử dụng của phân bón lên rất nhiều lần.

Công nghệ nano phát triển đã góp phần không nhỏ cho ý tưởng tạo các hệ vật liệu nano sinh học (hạt nano, nano gel, hydrogel giữ nước...) từ các vật liệu thiên nhiên hay các polyme phân hủy sinh học bọc/ngậm các hóa chất nông nghiệp, giữ nước.

Các vật liệu này sẽ tự phân hủy hoặc thay đổi cấu trúc từ từ trong môi trường tự nhiên theo đó sẽ giải phóng các hóa chất nông nghiệp với tốc độ cần thiết. Chính vì vậy, theo tôi đây là một hướng phát triển tốt của công nghệ nano sinh học và đã đề xuất đề tài này và đã rất may mắn được ĐHQGHN xét chọn hỗ trợ kinh phí thực hiện.

Chia sẻ về công việc sắp tới, chị Hiên cho hay, bên cạnh các nghiên cứu cơ bản, với xu hướng của KHCN trong giai đoạn mới là lấy doanh nghiệp làm trung tâm, cần hợp tác và liên kết với các doanh nghiệp, bệnh viện để thực hiện nghiên cứu theo nhu cầu và đơn đặt hàng của họ.

Hương Giang

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục