Trường đại học “như quán phở”?

Ông chủ quán phở chỉ có một mục tiêu là tìm kiếm lợi nhuận và để có lợi nhuận đó, ông ta phải nấu cho ngon, phục vụ cho tử tế. Trường ĐH vì lợi nhuận về bản chất là một doanh nghiệp và mục tiêu của nó cũng không khác.

Trong Đối thoại giáo dục tổ chức tại TPHCM mới đây, một diễn giả đã phát biểu nôm na là trường ĐH cũng như một quán phở, nấu ăn ngon thì người ta sẽ đến. Liệu chúng ta có quá nhấn mạnh đến tính chất dịch vụ của giáo dục ĐH mà bỏ quên sứ mạng xã hội của nó?

Nơi có thể bán và mua

Trên các phương tiện truyền thông đại chúng, chúng ta đang chứng kiến 2 luồng ý kiến trái ngược: Một bên cổ vũ cho tính chất phi lợi nhuận của giáo dục ĐH, một bên chứng minh rằng đào tạo ĐH cũng là một dịch vụ. Cả 2 phía đều đang đi đến những quan niệm và nhận định cực đoan.

Trường đại học “như quán phở”?
Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh của các trường ĐH trước kỳ thi ĐH, CĐ năm 2014. (Ảnh: Tấn Thạnh)

Trường phái phi lợi nhuận cho rằng giáo dục không phải là chỗ để kinh doanh, đầu tư vào giáo dục chỉ nên để lấy danh chứ không phải lấy tiền, tiêu biểu là ý kiến của GS Trần Văn Thọ (Báo Tuổi Trẻ ngày 12-8). Trường phái vì lợi nhuận thì cho rằng trường ĐH cũng như quán phở, miễn sao bán đúng giá, cung cấp món hàng có chất lượng thì chính là kinh doanh hợp đạo đức và đóng góp cho xã hội, tiêu biểu là nhận định của một diễn giả đã nêu ở trên.

Câu trả lời cho trường phái nào là đúng hay sai, đúng đến mức độ nào hay sai ở chỗ nào nằm trong vấn đề bản chất cốt lõi của trường ĐH là gì. Nếu tuyệt đối hóa sứ mạng xã hội và tính chất lợi ích công của giáo dục ĐH, chúng ta sẽ thấy trường phái phi lợi nhuận là đúng. Trong khi đó, nếu tuyệt đối hóa bản chất dịch vụ của đào tạo ĐH, chúng ta sẽ thấy trường phái vì lợi nhuận là đúng.

“Phi lợi nhuận” là một quan niệm truyền thống mà không mấy ai đặt dấu hỏi. Đã bao thế kỷ nay, trường ĐH được xem là nơi bảo toàn những giá trị tinh thần của xã hội và truyền lại qua nhiều thế hệ, là nơi kiến tạo tri thức mới và đào tạo nhân tài. Kinh tế tri thức và đại chúng hóa giáo dục ĐH đã khiến trường ĐH không còn là thánh đường tri thức tôn nghiêm mà biến thành một cái siêu thị - nơi người học chọn môn mình muốn, trả tiền cho từng môn không khác gì những món hàng. Tuy vậy, vẫn có nhiều người dị ứng với việc xem nhà trường như một cái chợ, nơi mọi thứ đều có thể bán và mua.

Trường ĐH và quán phở có gì khác?

Vậy trường ĐH và các doanh nghiệp có gì khác nhau? Nếu như doanh nghiệp chỉ cần “giải trình trách nhiệm” với khách hàng về chất lượng dịch vụ hay sản phẩm họ đã mua và bảo đảm rằng sản phẩm hay dịch vụ ấy có chất lượng xứng đáng với giá tiền mà họ đã trả, thì trách nhiệm giải trình của trường ĐH phức tạp hơn rất nhiều.

Trước hết, trường ĐH có trách nhiệm giải trình với sinh viên về chất lượng giáo dục nhà trường đã mang lại. Đồng thời, phải giải trình trước xã hội về kết quả đào tạo của mình, giải trình trước các tổ chức kiểm định chất lượng, các hiệp hội chuyên môn hay trước cơ quan quản lý nhà nước về quy trình hoạt động của mình. Điều đó cũng tương tự ông chủ quán phở phải giải trình trách nhiệm trước khách hàng, trước các cơ quan kiểm dịch, thuế, an toàn thực phẩm.

Hơn nữa, trường ĐH không những có trách nhiệm giải trình với người học và xã hội mà còn phải có trách nhiệm trước những tiêu chuẩn khoa học và đạo đức của chính mình. Sinh viên có thể muốn học thật ít, với chi phí thật thấp, ra trường thật nhanh, lấy tấm bằng một cách thật dễ dàng. Những tiêu chuẩn khoa học và đạo đức của nhà trường không cho phép họ chiều theo mong muốn ấy của “khách hàng”.

Trường ĐH còn phải bảo toàn những giá trị tinh thần kế thừa từ những thế hệ trước và trao lại cho thế hệ sau. Nó không được phép để cho sự thật lịch sử trong quá khứ bị chôn vùi. Nó phải hành động không chỉ vì lợi ích của hôm nay mà còn vì lợi ích của ngày mai. Đó là điều khiến trường ĐH không thể bị đối xử như một doanh nghiệp. Bởi lẽ, doanh nghiệp chỉ có trách nhiệm với khách hàng hiện tại của mình, hay rộng hơn là xã hội hiện tại mà mình là một bộ phận làm nên nó.

Sản phẩm của quán phở chỉ có tác dụng với khách hàng của quán ấy. Trong khi đó, sản phẩm của trường ĐH - con người mà nó đào tạo, kết quả nghiên cứu mà nó thực hiện - không chỉ tác động đến những người đã học ở trường ấy mà còn tác động đến toàn xã hội. Nếu người học được đào tạo với một tinh thần khởi nghiệp và sáng tạo, với sự hiểu biết sâu sắc về xã hội và con người, với những kiến thức chuyên môn vững chắc, họ sẽ đem những điều ấy vào nơi làm việc và làm cho  xã hội trở thành tốt hơn.

Xét về mục tiêu, bản chất của doanh nghiệp là tìm kiếm lợi nhuận. Ông chủ quán phở chỉ có một mục tiêu là tìm kiếm lợi nhuận và để có lợi nhuận đó, ông ta phải nấu cho ngon, phục vụ cho tử tế. Trường ĐH vì lợi nhuận về bản chất là một doanh nghiệp và mục tiêu của nó cũng không khác. Để có lợi nhuận, họ phải xây trường cho đẹp để thu hút sinh viên, mời thầy cho giỏi và đào tạo sao cho người có học khác với người không có học và ra trường thì tìm được việc làm. Về mặt này, trường vì lợi nhuận cũng đáng được hoan nghênh như mọi doanh nghiệp khác, vì họ tạo ra giá trị gia tăng cho người học và góp phần tích cực vào việc đào tạo lực lượng lao động có trình độ.

Không thể ăn xổi, ở thì

Tuy nhiên, nếu trường ĐH chỉ nhằm vào việc phục vụ khách hàng và tìm kiếm lợi nhuận thì sẽ không có ai nghiên cứu về mặt trăng, sao hỏa, thiên thạch, về quá khứ, về những thứ “vớ vẩn” bởi nó tốn hàng núi tiền mà không có hy vọng gì lấy lại được ngay. Sẽ không ai đào tạo những ngành ít người học, chi phí đơn vị cao, khả năng hoàn vốn thấp. Sẽ không ai dạy những môn không giúp người học mài ra thành tiền được ngay nhưng lại là những món ăn tinh thần nuôi dưỡng lý tưởng, sự công chính, sự trưởng thành của lương tâm, là những thứ giúp bảo toàn cột trụ tinh thần của cả xã hội.

Chính vì lẽ ấy, với những trường đào tạo nghề nghiệp cho sinh viên và coi đó  là một dịch vụ, người ta thường gọi là “training providers” (các nhà cung cấp dịch vụ đào tạo) thay vì trường ĐH. Chúng tôi thiết nghĩ sự phân biệt tên gọi đó là xác đáng. Cũng khó mà xem là ĐH nếu các trường chỉ đào tạo những kiến thức và kỹ năng chuyên môn trong một chuyên ngành rất hẹp,  không trang bị cho người học một nền tảng kiến thức rộng rãi về các nền văn hóa và các thời đại, một sự hiểu biết đầy đủ về những sức mạnh lịch sử chi phối cuộc sống của con người.

Trường ĐH không chỉ là trường nghề, nó giúp tạo ra những con người có hiểu biết và từng trải trong việc suy nghĩ một cách hệ thống về những vấn đề đạo đức và lương tâm. Với ý nghĩa đó, trường ĐH là cột trụ tinh thần của xã hội. Điều này làm cho trường ĐH khác với các doanh nghiệp.  

Nếu sản phẩm của quán phở chỉ có tác dụng với khách hàng của quán ấy thì sản phẩm của trường ĐH - con người mà nó đào tạo, kết quả nghiên cứu mà nó thực hiện - không chỉ tác động đến những người đã học ở trường ấy mà còn tác động đến toàn xã hội. 

 

Ngày càng phức tạp, đa diện

Trường công, trường tư vì lợi nhuận hay không vì lợi nhuận không nói lên điều gì về chất lượng. Có trường tư là nơi bán bằng nhưng cũng có trường tư đạt đến đỉnh cao như Harvard. Có trường công nổi tiếng thế giới như ĐH Quốc gia Singapore, cũng có trường công mua điểm bán bằng. Mỗi loại trường đều có sứ mạng khác nhau, đặc điểm khác nhau và bổ sung cho nhau để tạo ra một hệ thống đa dạng nhằm đáp ứng những nhu cầu đa dạng của cuộc sống.

Thị trường giáo dục ĐH là một thị trường hàng ngàn tỉ USD sôi động trên toàn cầu. Đó là một thực tế mà dù chúng ta có thừa nhận hay không thì nó vẫn tồn tại. Chúng ta nên công nhận rằng trường ĐH là một thực thể ngày càng phức tạp và đa diện. Trường vì lợi nhuận, thuộc sở hữu tư nhân, là một doanh nghiệp và chúng ta cần thiết lập hành lang pháp lý thích hợp để nó đóng góp tích cực cho xã hội. Trường phi lợi nhuận thuộc sở hữu cộng đồng và trường công thuộc sở hữu nhà nước là những tổ chức được tạo ra để phục vụ lợi ích công. Một sự phân biệt dứt khoát như thế sẽ giúp cho mọi loại trường cùng phát triển và đáp ứng những nhu cầu khác nhau của xã hội.

Khuyến nghị chính sách của chúng tôi là thiết lập một hành lang pháp lý rõ ràng cho tất cả loại trường dựa trên đặc điểm sở hữu, sứ mạng của nó và tạo điều kiện cho mọi loại trường phát triển. Ngay cả trường vì lợi nhuận cũng cần được một sự ưu đãi có mức độ nhất định. Quan trọng nhất là cần bảo đảm trách nhiệm giải trình của tất cả các trường, dù là công hay tư, vì lợi nhuận hay phi lợi nhuận, trước cơ quan quản lý, trước xã hội và trước công chúng.

 

Theo Phạm Thị Ly

Người Lao Động