Trường Đại học gắn phát triển với chiến lược “khuyến học, khuyến tài”

(Dân trí) - Mặc dù còn những khó khăn riêng nhưng nhiều trường đại học trên cả nước đã chủ động, tích cực xây dựng, phát triển Hội Khuyến học trong nhà trường và xem đó là một chiến lược cho sự phát triển bền vững.

Đại học ngoài công lập tích cực xây dựng Hội khuyến học

PGS.TS Đặng Thị Phương Phi (Phó Chủ tịch Hội Khuyến học trường ĐH Kinh tế công nghiệp Long An) cho biết, Hội Khuyến học của nhà trường được thành lập năm 2012. Là một trường ĐH ngoài công lập ở Đồng bằng sông Cửu Long nên hoạt động khuyến học khuyến tài ở trường có những ưu điểm và khó khăn riêng.


Phó Chủ tịch Hội Khuyến học trường ĐH Kinh tế công nghiệp Long An.

Phó Chủ tịch Hội Khuyến học trường ĐH Kinh tế công nghiệp Long An.

Năm 2014, Hội Khuyến học của trường được Hội Khuyến học tỉnh chọn làm đơn vị điểm triển khai thực hiện thí điểm Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2015”. Từ 38 hội viên ngày đầu thành lập đến nay Hội đã có 137 hội viên.

Sau hơn 5 năm tổ chức và hoạt động, Hội đã vận động đóng góp xây dựng Quỹ Khuyến học đạt gần 3,5 tỷ đồng (tiền mặt và hiện vật), trao tặng hàng ngàn suất học bổng (bình quân mỗi suất 2 triệu đồng) giúp cho học sinh, sinh viên có hòa cảnh kinh tế khó khăn, người tàn tật hiếu học, sinh viên tài năng của trường… Cán bộ, công chức, học sinh tham gia vào Hội không phải mang thêm “gánh nặng” mà ngược lại, Hội hỗ trợ tích cực cho nhiệm vụ chuyên môn, đặc biệt về học tập và phát triển tri thức của hội viên.

Nhiều sinh viên đã phấn đấu học tập thành đạt nhờ vào những suất học bổng ý nghĩa đó. Điển hình như sinh viên Lê Thị Thanh Hoa (thủ khoa đầu vào và thủ khoa đầu ra), Trần Chí Nguyện (tốt nghiệp ra trường đi du học Đài Loan)… Hội đã đồng hành với trường động viên tinh thần và hỗ trợ một phần kinh phí tạo điều kiện cho 32 chuyên viên trẻ, thư ký các khoa đi học sau đại học, có 18 người tốt nghiệp thạc sĩ…

Phó Chủ tịch Hội Khuyến học trường ĐH Kinh tế công nghiệp Long An đánh giá hoạt động của Hội nhìn chung nhận được sự đồng tình của hội viên. BCH hội, hội viên Chi hội đã tích cực đăng ký các danh hiệu thi đua của Hội Khuyến học Việt Nam. Nhiều cá nhân, tập thể đã đạt kết quả xuất sắc như đăng ký ban đầu. Với những thành tích đạt được, Hội Khuyến học trường ĐH Kinh tế Công nghiệp Long An vinh dự nhận được bằng khen của TƯ Hội Khuyến học Việt Nam.

Nối tiếp những thành tích đã đạt được, trong thời gian tới Hội tiếp tục thực hiện các hoạt động trọng tâm về khuyến học, khuyến tài. Tiếp tục thực hiện thí điểm đơn vị học tập theo Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng và đơn vị đến năm 2020”.

Nữ Phó Chủ tịch Hội Khuyến học trường ĐH Kinh tế Công nghiệp Long An khẳng định, Hội sẽ làm đơn vị nòng cốt để động viên thanh niên tỉnh nhà đóng góp tích cực vào các hoạt động cộng đồng.

PGS.TS Đặng Thị Phương Phi cho biết, các trường đại học ngoài công lập ở các tỉnh còn gặp nhiều khó khăn trong tổ chức hoạt động nên rất mong muốn có thêm chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo để các trường có phương hướng thực hiện đầy đủ, trọn vẹn. Tránh phân biệt đối xử giữa các trường ĐH công lập và ngoài công lập.

Hỗ trợ kinh phí lớn khuyến khích học tập

Ông Nguyễn Quốc Tiến – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Thái Bình cho biết, Hội Khuyến học – Trường ĐH Y Dược Thái Bình được thành lập năm 2010. Ban chấp hành Hội gồm 9 thành viên được kiện toàn thường xuyên để phù hợp với tình hình thực tế...


Ông Nguyễn Quốc Tiến – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Thái Bình

Ông Nguyễn Quốc Tiến – Phó Hiệu trưởng trường ĐH Y Thái Bình

Trong thời gian qua hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập tại trường ĐH Y Dược Thái Bình đã đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ. Chú trọng hoạt động khuyến học khuyến tài, nhà trường đã tạo điều kiện hỗ trợ số kinh phí lớn cho cán bộ đi học.

Năm 2016, nhà trường đã chi số kinh phí 432 triệu đồng cho cán bộ giảng viên đi học nâng cao trình độ chuyên môn (gồm 2 tiến sĩ, 27 thạc sĩ và 1 chuyên khoa II). Chi phí hỗ trợ 25% phụ cấp ưu đãi nghề cho các cán bộ trong thời gian đi học khoảng 800 triệu đồng. Đặc biệt, trường chi khen thưởng cho các cháu học sinh giỏi và đỗ đại học của tỉnh và nhiều học bổng giá trị cho sinh viên nghèo vượt khó.

Phong trào xây dựng xã hội học tập của cán bộ, giảng viên được chú trọng thể hiện ở việc học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ; đồng thời triển khai nội dung giáo dục các kỹ năng sống, xây dựng cuộc sống cá nhân và cộng đồng ngày càng hạnh phúc hơn cho cán bộ, công chức viên chức, sinh viên.

Bên cạnh những bước phát triển đó, Hội vẫn gặp nhiều khó khăn. “Hoạt động của Hội gần như mang tính tự phát, không có tôn chỉ, nền nếp, không có cấp trên chỉ đạo về chuyên môn chủ yếu dựa vào kinh nghiệm thực tế và tinh thần nhiệt huyết của cán bộ hội”, ông Nguyễn Quốc Tiến báo cáo.

Do đó, đại diện Hội khuyến học trường ĐH Y Thái Dược Thái Bình đề xuất thống nhất tên gọi của tổ chức khuyến học tại các trường đại học, cao đẳng (Hội khuyến học hay Chi hội khuyến học); cần có hướng dẫn cụ thể cho việc thành lập tổ chức khuyến học tại các trường đại học, cao đẳng; cần có cơ quan trực tiếp cấp trên chỉ đạo về mặt chuyên môn; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ tham gia BCH Hội về chuyên môn nghiệp vụ; có kinh phí cho hoạt động của BCH Hội. Đồng thời, mở rộng quan hệ với các tổ chức trong nước, nước ngoài và các nhà hảo tâm ủng hộ để tạo quỹ khuyến học ngày càng phát triển.

Đẩy mạnh khuyến học khuyến tài trong điều kiện tự chủ

Trường ĐH Thương Mại (Hà Nội) đã và đang tích cực triển khai các hoạt động khuyến học, khuyến tài, góp phần cùng xây dựng xã hội học tập trong bối cảnh nhà trường bắt đầu tự chủ, tự chịu trách nghiệm.

PGS.TS Nguyễn Thị Bích Loan - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại cho biết, cơ chế này đã tạo rất nhiều điều kiện thuận lợi cho nhà trường, đặc biệt trong hoạt động khuyến học, khuyến tài. Từ đó, giúp nhà trường chủ động bố trí nguồn tài chính hợp lý và có nhiều quyết định hơn để thực hiện tốt chiến lược khuyến học, khuyến tài trong nhà trường.


Phó Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại Nguyễn Thị Bích Loan báo cáo về hoạt động khuyến học, khuyến tài của nhà trường.

Phó Hiệu trưởng trường ĐH Thương Mại Nguyễn Thị Bích Loan báo cáo về hoạt động khuyến học, khuyến tài của nhà trường.

Nhà trường khuyến học, khuyến tài cho sinh viên, công chức viên chức bằng nhiều hình thức. Đối với sinh viên, trường tổ chức nhiều hoạt động đa dạng, phong phú để khuyến khích tinh thần học tập của sinh viên. Các CLB chuyên ngành như kế toán, marketing, tiếng Anh, đọc sách… được thành lập nhằm tạo sân chơi ý nghĩa cho các em phát triển.

Trường duy trì đều đặng quỹ học bổng ở mức 15-20 tỷ đồng/ năm dành cho các sinh viên đạt kết quả cao và có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập. Nhà trường giảm học phí 50-70% hoặc miễn phí toàn bộ học phí cho sinh viên hệ chính quy là sinh viên tàn tật, khuyết tật, thân nhân người có công với cách mạng…

Đối với công chức viên chức, trường ĐH Thương Mại ban hành các quy định về khuyến khích học tập, nâng cao năng lực chuyên môn và phương pháp giảng dạy. Chú trọng khuyến khích giảng viên nhà trường học các lớp bồi dưỡng phương pháp nghiên cứu khoa học, kỹ năng viết bài trên tạp chí thuộc danh mục ISI, Scopus…

“Sự phát triển của nhà trường không thể tách rời hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập trong nhà trường. Bởi vậy, trong chiến lược phát triển, trường ĐH Thương Mại sẽ tiếp tục duy trì và phát triển các hoạt động khuyến học, khuyến tài cho toàn thể sinh viên và cán bộ viên chức.

Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và triển khai các chính sách, chương trình khuyến học, khuyến tài cụ thể thực chất trong điều kiện trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, góp phần xây dựng xã hội học tập tốt đẹp trong nhà trường”, PGS.TS Nguyễn Thị Bích Loan khẳng định.

Lệ Thu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm