Tranh cãi quanh bài toán lớp 1 “bảy mươi bốn” hay “bảy mươi tư”

(Dân trí) - Một bài toán về cách đọc số “bảy mươi bốn” hay “bảy mươi tư” được đăng tải trên diễn đàn dành cho giáo viên khiến nhiều người tranh cãi.

Theo đó, bài toán lớp 1 về cách đọc số gây ra cuộc tranh luận sôi nổi giữa các thành viên: Đọc số 74 là bảy mươi bốn hay bảy mươi tư?

Bài toán này nằm trong Đề cương ôn tập cuối học kỳ II của học sinh lớp 1. Đề bài như sau:

Hãy khoanh vào chữ đặt trước câu trả lời đúng. Số 74 đọc là: A. Bảy mươi bốn, B. Bảy mươi tư, C. Bảy bốn, D. Bảy tư.

Học sinh làm bài chọn đáp án A. Giáo viên đánh giá đây là câu trả lời sai và sửa thành đáp án B. Theo đó, số 74 phải được đọc là “bảy mươi tư”.

Bài toán đã thu hút hàng trăm bình luận của cộng đồng mạng. Bạn đọc Nguyễn Như Quỳnh chia sẻ: “Bảy mươi tư là văn nói, và bảy mươi bốn là văn viết, nhưng thực chất bảy mươi tư hay bảy bốn thì cũng như nhau, bản chất không thay đổi, tùy thuộc vào vùng miền. Tuy nhiên, khi viết là phải đúng theo văn viết là “bảy mươi bốn”.

Bức ảnh được đăng trên diễn đàn của giáo viên
Bức ảnh được đăng trên diễn đàn của giáo viên

Độc giả Đông An (Hà Nội) cũng đồng tình khi cho rằng, tùy thuộc số đó được coi là danh từ (số từ) hay tính từ (chỉ thứ tự). Nếu số có số hàng đơn vị được coi là số từ thì đọc là bốn. Ví dụ: bảy mươi bốn chiếc. Không ai nói bảy mươi tư chiếc nhưng lại nói chiếc thứ bảy mươi tư hoặc bảy tư.

Nếu là tính từ chỉ thứ tự thì đọc là thứ bảy mươi tư. Các ngày trong tuần nói là thứ tư, không ai nói thứ bốn cả. Tuy nhiên, do phần lớn không phân biệt được từ loại nên gọi sai và lâu dần thành quen tai.

Độc giả Hồng Phong (Hải Phòng) lại có ý kiến cho rằng: “Trước đây, khi còn học tiểu học, tôi đã được dạy đọc là "bảy mươi tư", với số 5 ở hàng đơn vị đọc thành … “nhăm” hoặc “lăm” (ví dụ 75 đọc là “bảy mươi nhăm” hoặc “bảy mươi lăm” không ai đọc là “bảy mươi năm”). Có lẽ sau này người ta không dạy phân biệt kiểu thế nữa nên nhiều người không biết”.

Đặc biệt, theo một giáo viên, có môt số quy định lưu ý học sinh khi đọc. Nếu hàng đơn vị là chữ số 4 thì các số có chữ số hàng chục từ 2 trở đi ta đọc chữ số 4 đó là “tư”. Tương tự vậy với chữ số 5 ở hàng đơn vị thi đọc là “lăm”. Chữ số 1 ở hàng đơn vị đọc là “mốt”. Đó là những lưu ý học sinh khi dạy đọc các số trong phạm vi 100 ở lớp 1.

Trao đổi với PV Dân trí về bài toán này, thầy Mạnh Tùng, giáo viên Toán- Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, lâu nay bản thân thầy và các giáo viên đều gọi là “bảy mươi tư”.

Theo quan điểm của thầy Tùng, nếu hàng đơn vị là chữ số 4 thì các số có chữ số hàng chục từ 2 trở đi ta đọc chữ số 4 đó là “tư”. Với chữ số 5 ở hàng đơn vị thì đọc là “lăm”. Chữ số 1 ở hàng đơn vị đọc là “mốt”. Chiếu theo quy tắc đọc số trong phạm vi 100 này, quan điểm thầy cho rằng đọc "bảy mươi tư" là đúng với văn bản viết.

Thầy Mạnh Cường, Giáo viên chuyên Toán, Trường THPT chuyên Chu Văn An, Hà Nội cũng nhận định, cách đọc như giáo viên đã chấm bài trong bức ảnh trên đây là đúng.

“Thực ra nếu chỉ để hiểu nghĩa thì lâu nay, việc gọi “bảy tư” hay “bảy bốn” đều hiểu được. Nhưng khi dạy và đặc biệt là đưa vào văn bản viết, tôi và hầu hết các giáo viên ở đây đều đọc là “bảy mươi tư”. Tôi cho rằng, “bảy mươi bốn” là phương ngữ”, còn "bảy mươi tư" mới là cách nói để đưa vào văn bản viết", thầy Cường cho biết.

Mỹ Hà

(Email:myha@dantri.com.vn)