TP.HCM mong có cơ chế đặc thù riêng cho ngành giáo dục và đào tạo

(Dân trí) - Sở GDĐT TP.HCM vừa có buổi làm việc với lãnh đạo ngành cấp Bộ và lãnh đạo thành phố để nhìn nhận lại kế hoạch 5 năm qua và định hướng kế hoạch 5 năm tiếp theo. Theo đó, trong thời gian tới, TPHCM mong có cơ chế đặc thù riêng cho ngành giáo dục và đào tạo, để thành phố có thể tự vận hành và phát triển các giải pháp mang tính đột phá, đổi mới.

Trong kiến nghị của mình, Sở GDĐT TPHCM mong muốn được tự xây dựng khung chương trình giáo dục và bộ sách giáo khoa riêng phù hợp thực tiễn phát triển của thành phố dựa trên khung chương trình chung của Bộ GDĐT. Chương trình cấp học sẽ xây dựng theo hướng mở, nghĩa là một số môn học bắt buộc như Văn - Tiếng Việt, Toán, Ngoại ngữ và các môn tự chọn phải hoàn thành trong cả cấp học với số lượng môn học đa chỉ nên là 8 môn trong 1 năm.


Lãnh đạo Sở GDĐT TPHCM trong buổi làm việc với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Lãnh đạo Sở GDĐT TPHCM trong buổi làm việc với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ

Học sinh các trường chuyên, lớp chuyên được phép thi một số tín chỉ ở một số môn tương ứng, phù hợp đang được giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng để có thể được chứng nhận hoàn thành tín chỉ måôn cơ bản. Nhà trường và giáo viên giảng dạy sẽ đánh giá định kỳ học sinh, Sở GD&ĐT tổ chức đánh giá chung giữa và cuối cấp học để làm cơ sở xem xét hoàn thành chương trình học của cả cấp.

Nếu kiến nghị được thông qua, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ được phép thực hiện kiểm tra, đánh giá, công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông. Bộ GD&ĐT sẽ định kỳ tổ chức đánh giá chất lượng giáo dục của các tỉnh, thành phố theo các chuẩn quốc tế (PISA, PASEC…) và công bố rộng rãi trên toàn quốc. Các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp công lập sẽ có quyền tự chủ 100% trong việc quyết định chương trình, được quyền nhập khẩu trực tiếp các chương trình đào tạo tiên tiến từ nước ngoài, tự quyết mức học phí, chi phí tuyển sinh…

Kiến nghị cũng đề cập đến việc cho phép các trường chủ động trong việc điều chỉnh thời lượng giảng dạy của các bộ môn trên cơ sở đảm bảo chuẩn kiến thức kỹ năng, chủ động xây dựng chương trình giảng dạy tích hợp, liên môn và đa dạng hóa việc kiểm tra đánh giá cho phù hợp với tình hình giảng dạy thực tế trong từng loại hình trường (trường chuyên, trường tiên tiến hiện đại…).

Học sinh trường THCS Đống Đa - Quận Bình Thạnh trong một tiết học chương trình tiếng Anh tích hợp.
Học sinh trường THCS Đống Đa - Quận Bình Thạnh trong một tiết học chương trình tiếng Anh tích hợp.

Đáng chú ý là trong định hướng cũng như kiến nghị có cơ chế đặc thù riêng cho thành phố, việc nâng cao trình độ tiếng Anh cho học sinh được tập trung đề cao. Tiếng Anh của học sinh sẽ được tổ chức khảo thí theo 4 kỹ năng Nghe - Đọc - Nói - Viết thay vì hoàn thành môn học theo cơ cấu điểm số như hiện nay, chỉ đang chú trọng vào kỹ năng Đọc và Ngữ Pháp.

Dù đây chỉ mới là kiến nghị của Sở GD&ĐT TPHCM lên Bộ GDĐT, nhưng cũng có thể thấy hướng đi và kế hoạch triển khai trong thời gian tới của ngành giáo dục thành phố. Và mục tiêu trở thành một đặc khu phát triển, sánh kịp với các nước trong khu vực mà Bí thư Đinh La Thăng từng nói, thực hiện được hay chưa, sớm hay muộn là chuyện lâu dài. Tuy nhiên, trước mắt, định hướng có một cơ chế đặc thù riêng cho ngành giáo dục và đào tạo thành phố là một chuyển biến tích cực và tiến gần hơn đến mục tiêu dài hạn đã đặt ra.

VK