Tin nhắn “Mong cháu sớm khỏe” của người lái xe

(Dân trí) - Con bệnh, người mẹ nhắn tin thông báo để chú lái xe đưa đón học sinh của trường tạm ngưng đón cháu vài hôm. Chị nhận lại được câu trả lời từ người lái xe: “Vâng chị. Mong cháu sớm mạnh khỏe”.

Mới đây, một phụ huynh chia sẻ nội dung tin nhắn của chị với chú lái xe đưa đón của trường. Nội dung trao đổi hết sức ngắn gọn nhưng đủ để người đọc thấy ấm áp trước cách nói năng, cư xử từ người lái xe của một trường học.

Con trai chị bị ốm. Ngoài việc xin phép nhà trường cho con nghỉ, người mẹ nhắn tin thông báo để chú lái xe đưa đón học sinh của trường tạm ngừng đón con vài hôm. Chị nhận lại được tin nhắn thật ân cần: "Vâng chị. Mong cháu sớm mạnh khoẻ”.

Trao đổi qua lại giữa phụ huynh thông tin con nghỉ học với người lái xe một trường học.
Trao đổi qua lại giữa phụ huynh thông tin con nghỉ học với người lái xe một trường học.

Người mẹ nói thêm, không chỉ mình chú lái xe này mới lịch sự, ân cần như vậy mà các bác lái xe của trường các năm trước cũng như vậy. Các tin nhắn của phụ huynh đều được các bác trả lời ngắn gọn “Vâng ạ”.

Tin nhắn của người lái xe nhà trường cũng làm chị thấy vui vui trong người, thêm ấm lòng hơn khi đang chạy ngược chạy xuôi vì con ốm đau.

Với chị, cách ứng xử thân thiện, văn minh của cán bộ, giáo viên và nhân viên của một cơ sở giáo dục nói lên rất nhiều điều về môi trường giáo dục đó.

“Trẻ em học cách ứng xử và tu rèn đạo đức qua việc quan sát và bắt chước những điều mà người lớn xung quanh các em đang làm, chứ không phải qua những bài giảng lý thuyết hay những lời giáo huấn mà người lớn ép các em phải học, phải làm theo hoặc qua những kỷ luật và hình phạt hà khắc để ép các em phải thực hiện.

Bên cạnh sự giáo dục của gia đình, các ngôi trường như thế sẽ là môi trường tốt để giáo dục nhân cách cho trẻ”, người mẹ nói.

Các bác lái xe khác của trường khi trả lời tin nhắn đều nhắn lại Vâng ạ rất dễ thương
Các bác lái xe khác của trường khi trả lời tin nhắn đều nhắn lại "Vâng ạ" rất dễ thương

Sau khi vị phụ huynh chia sẻ về tin nhắn của chú lái xe, nhiều người vào phản hồi khen ngợi cách ứng xử văn minh, lịch sự, thân thiện... Cũng có người nhận xét thích cách trả lời như vậy, không quá câu nệ và đơn giản chỉ là chuẩn mực ứng xử rất thông thường giữa người và người.

Câu chuyện đưa ra không nhằm so sánh với câu trả lời “OK” của giáo viên khi phụ huynh nhắn tin cho con dẫn đến những ý kiến trái chiều trên các diễn đàn gần đây.

Mà nói như tâm tư của một giáo viên ở TPHCM, đây là văn hóa ứng xử mà các trường nên học tập. Và nó không phụ thuộc vào tiền, vật chất mà phụ thuộc vào chính đội ngũ. Có nhiều thứ mọi người có thể cải thiện môi trường giáo dục mà không cần đến tiền, nhất là trong ứng xử, giao tiếp.

Ở góc độ người thầy, cô giáo này chia sẻ, tình huống tin nhắn “OK” của giáo viên tranh luận xôn xao mấy ngày qua cũng cho chị một bài học khi giao tiếp với phụ huynh. Sẽ không khôn ngoan khi cứ giữ nguyên cái tôi/thói quen của mình để nhận sự than phiền của phụ huynh. Trong khi việc điều chỉnh giao tiếp đó không quá khó khăn, đâu đến nỗi không làm khác được. Mỗi giáo viên khi ra ngoài đều là hình ảnh đại diện của nhà trường trước truyền thông. Việc giữ gìn hình ảnh là điều nên làm.

Cư xử có văn hóa, có tình nghĩa cũng là để chúng ta thêm vui vẻ, yêu thương, gắn bó, mỉm cười với nhau nhiều hơn giữa cuộc sống bề bộn lo toan, áp lực.

Hoài Nam

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm