Tiến sĩ tâm lý: Tôi đã bật khóc về những vụ trẻ em bị xâm hại
(Dân trí) - “Đã có những em bé không thể phục hồi được tâm trí sau những vụ xâm hại tình dục. Đã có những em bé bị cắt đi toàn bộ phần phụ sau khi kẻ thủ ác đạt được điều hắn mong muốn. Với những em bé này, cuộc sống chấm dứt ngay từ khi vừa bắt đầu”...
Trên đây là tâm sự của TS Vũ Thu Hương, giảng viên Khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐHSP Hà Nội. Chị cho biết: “Ngay khi viết những dòng trên đây, tôi đã bật khóc như một đứa trẻ”!
An toàn cho trẻ đang bị coi rẻ
Theo TS Hương, gần 10 năm qua, chị đã nỗ lực hết sức để đem kiến thức giới tính và phòng tránh xâm hại đến với trẻ em. Từ việc tác động tới ý thức của phụ huynh, tiếp cận trẻ để giảng bài cho đến thiết kế, in và phát tờ rơi Phòng tránh xâm hại miễn phí cho trẻ nhỏ. Trong suốt thời gian đó, chị trở thành địa chỉ quen thuộc để các mẹ kêu cứu khi con nhỏ gặp chuyện hoặc là nơi trút bầu tâm sự của các mẹ đã có tuổi thơ bị động chạm, sờ mó. Đó không thể là 1 trải nghiệm dễ chịu.
Chị đã từng phải lắng nghe và đau đớn chứng kiến những giọt nước mặt của các mẹ có con bị xâm hại từ những người xung quanh, thân thiết. Đó là tiếng hét hoảng loạn khi chị đến thăm một em bé vừa bị xâm hại cách đó chưa lâu. Đó là những giọt nước mắt đau đớn, những lời nói uất nghẹn của các bà mẹ kể về tuổi thơ bị xâm hại của mình.
“Vậy nhưng, ngày khủng khiếp nhất đã đến trong cuộc đời tôi chỉ đến sau ngày 8/3/2017 có vài ngày. Đó là ngày mà tôi đã phải đau đớn tiếp nhận thông tin của 3 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Chỉ trong 1 ngày, biết được có đến 3 cháu nhỏ bị xâm hại tình dục ở 3 nơi khác nhau, nỗi đau không thể nào nói bằng lời.
Với một đứa trẻ bị xâm hại, giờ phút kinh hoàng chống trả yếu ớt lại hành vi của những kẻ đang coi mình là một thứ trò chơi, cảm giác thật khủng khiếp. Các con cảm thấy nỗi sợ hãi tột cùng, cảm giác sống không bằng chết khi cơ thể mình bị phơi bày ra đến tận cùng. Nỗi đau đớn đến từ những bộ phận nhạy cảm nhất, kín đáo nhất, bí ẩn nhất khiến nỗi khiếp sợ nhân lên gấp bội”, chị tâm sự.
Trao đổi với PV Dân trí vào ngày 13/3, TS Hương cho hay, hiện nay khung hình phạt cho loại tội phạm này còn quá nhẹ, thái độ giải quyết các vụ án dạng này quá chậm chạp và thờ ơ là điều mà tôi đã nói rất nhiều lần với rất nhiều người. An toàn trẻ nhỏ đang bị coi rẻ quá mức. Năm 2008, khi bắt đầu tiến hành công tác giáo dục trẻ về thoát hiểm, tư vấn cho cha mẹ về tầm quan trọng của các kĩ năng này, tôi nhận được sự thờ ơ của các bậc phụ huynh. Với các bố mẹ còn như vậy, liệu những người không có quyền lợi liên quan có thể nhận thức được sự nguy hiểm của loại tội phạm này.
Nhiều em không thể phục hồi tâm trí
Cũng theo TS Hương, với một đứa trẻ bị xâm hại, cho dù sau đó, con có được chữa chạy về cơ thể, về tâm lý đến đâu, vết sẹo lớn mà con mang trong người cũng khiến con như trở thành một con người khác, một con người khuyết thiếu mà sau đó con sẽ không bao giờ tìm lại được phần hồn đã mất của mình…
Đã có những em bé không thể phục hồi được tâm trí sau những vụ xâm hại tình dục. Đã có những em bé bị cắt đi toàn bộ phần phụ sau khi kẻ thủ ác đạt được điều hắn mong muốn. Với những em bé này, cuộc sống chấm dứt ngay từ khi vừa bắt đầu. Một đứa trẻ lành lặn, xinh đẹp, khỏe mạnh bỗng chốc trở thành tật nguyền về cả tầm hồn lẫn thể xác. Nỗi đau đớn đó con sẽ mãi mãi mang theo cho đến tận khi chết.
“Là người làm cha làm mẹ, có nỗi đau nào lớn hơn cảnh phải chứng kiến con mình vật vã giữa đêm khuya chỉ vì di chứng của một vụ xâm hại? Là người làm cha làm mẹ, có ai chịu nổi cảnh nhìn thấy quần áo con mình vấy máu chỉ vì con không thể bảo vệ được bản thân mình?...
Gần 10 năm nghe tâm sự của các mẹ, lắng nghe nỗi đau của họ, nhưng đêm nay, ngồi gõ những dòng chữ này, tôi vẫn bật khóc như một đứa trẻ. Là một người mẹ và là một nhà giáo, tôi thay mặt các cha mẹ có con nhỏ trên khắp Việt Nam xin tuyên bố sẽ tuyên chiến với tội phạm ấu dâm đến cùng”, chị Hương phẫn nộ nói.
Trao đổi thêm với chúng tôi, chị Hương cho hay, để hạn chế tình trạng trên, nhận thức của cộng đồng về loại tội phạm này cần phải được thay đổi.
Tất cả các cháu nhỏ cần được học về kĩ năng tự bảo vệ bản thân mình trong mọi tình huống. Các cha mẹ cần có ý thức dạy con điều này đầu tiên và được lặp lại cho đến khi trẻ thành thạo các kĩ năng. Những điều luật dành cho dạng tội phạm này cũng cần được điều chỉnh với hướng tăng nặng để phù hợp với mức độ nghiêm trọng của loại tội phạm này. Chỉ có một xã hội nghiêm minh, trẻ nhỏ và cả cha mẹ hiểu biết thì mới có thể làm giảm tình trạng nguy hiểm này.
Mỹ Hà (ghi)