Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sớm công bố đề thi minh họa

(Dân trí) - Để tổ chức tốt kỳ thi, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sớm công bố đề thi minh họa để thí sinh và giáo viên tham khảo, chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết, nhất là ngân hàng đề thi.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Người phát ngôn của Chính phủ Mai Tiến Dũng đã trả lời câu hỏi của báo chí về việc đổi mới phương án thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2017 của Bộ GD&ĐT tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ diễn ra chiều tối ngày 4/10.


Người phát ngôn Chính phủ trả lời câu hỏi của báo giới tại cuộc họp báo.

Người phát ngôn Chính phủ trả lời câu hỏi của báo giới tại cuộc họp báo.

Trước câu hỏi của phóng viên về việc thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học cao đẳng, Bộ GD&ĐT liên tục có các đổi mới từ việc tổ chức các cụm thi, số môn thi, ngày thi đến cách thức ra đề thi, phương thức xét tuyển đại học, cao đẳng nhằm khắc phục hạn chế của kỳ thi các năm trước. Tuy nhiên, nhiều ý kiến của học sinh, phụ huynh, chuyên gia giáo dục lại lo ngại về việc điều chỉnh quá gấp, khiến cho học sinh không kịp thích ứng, học tập lại nặng hơn lên rất nhiều, cho rằng việc thay đổi cần có lộ trình và đồng bộ. Xin cho biết Chính phủ có chỉ đạo như thế nào về vấn đề này?

Trả lời vấn đề trên, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng giải thích, thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ GD&ĐT tổ chức thi THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) bảo đảm an toàn, trung thực, khách quan và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh. Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT đã xây dựng phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia.

Trong 2 năm 2015 và 2016, Bộ đã thực hiện đổi mới phương thức tổ chức kỳ thi. Từ 4 đợt thi mỗi năm trước đây, nay chỉ còn một đợt thi duy nhất vừa để xét tốt nghiệp THPT vừa làm căn cứ để tuyển sinh ĐH, CĐ. Áp lực thi cử đã giảm đáng kể, tiết kiệm được thời gian, chi phí cho thí sinh và xã hội.

Trên cơ sở tổng kết, rút kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai những năm gần đây, năm 2017, Bộ GD&ĐT tiếp tục hoàn thiện kỳ thi thông qua đổi mới phương thức thi. Hầu hết các môn thi (trừ môn Ngữ văn) được thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan.

Thời gian thi được rút ngắn từ 4 ngày xuống còn 2 ngày. Số bài thi tăng lên để tránh tình trạng học lệch. Mỗi thí sinh trong cùng một phòng thi có một mã đề thi trắc nghiệm riêng, kết quả làm bài của thí sinh được chấm bằng máy nên cơ bản loại trừ được tiêu cực có thể xảy ra trong quá trình coi thi, chấm thi làm cho kết quả kỳ thi có độ tin cậy cao hơn. Đây là sự tiếp nối quá trình đổi mới trong những năm vừa qua theo lộ trình.

Bộ trưởng Dũng cho rằng, từ năm 2007, Bộ đã tổ chức 4 môn thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan. Bộ cũng đã chỉ đạo các sở GD&ĐT hướng dẫn giáo viên kiểm tra, đánh giá quá trình học tập tất cả các môn học của học sinh bằng cả hai phương thức tự luận và trắc nghiệm. Giáo viên và học sinh đã quen thuộc với hình thức thi trắc nghiệm từ nhiều năm nay, do vậy không làm ảnh hưởng đến kế hoạch dạy học và ôn tập của giáo viên và học sinh.

“Trong quá trình xây dựng phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 đã tham vấn ý kiến các chuyên gia, các trường đại học và các Sở GD&ĐT trong cả nước” – Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Để tổ chức tốt kỳ thi, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo sớm công bố đề thi minh họa để thí sinh và giáo viên tham khảo, chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết, nhất là ngân hàng đề thi.

Đồng thời tích cực thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy; tăng cường kiểm định và nâng cao chất lượng đào tạo, qua đó nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong thời gian tới.

Hồng Hạnh (ghi)