Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Có người học bình thường nhưng ra đời thành công hơn người học giỏi

(Dân trí) - Trên đây là nhận xét của Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn khi nhận xét về chất lượng nguồn nhân lực ngành Nhân sự tại hội thảo quốc gia “Nâng cao chất lượng đào tạo về kinh tế & quản lý nguồn nhân lực trong bối cảnh hội nhập quốc tế”, do Trường ĐH Kinh tế Quốc dân tổ chức ngày 19/10, tại Hà Nội.

Học “trên trời”, trượt ngã dưới đất

Theo GS.TS Phạm Quang Trung, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế Quốc dân, ngành Nhân sự là một trong những ngành học có nhiều môn tổng hợp nhất tại trường. Hiện nay, nhu cầu của ngành học này khá cao nên yêu cầu nhà trường phải đổi mới rất lớn. “Chúng ta học trong sách thế là quá đủ rồi. Chúng ta lâu nay toàn học những thứ xa vời ở trên cao nhưng ra trường lại trượt ngã bởi những thứ bình thường nhất. Hay nói cách khác, sinh viên học trên trời nhưng trượt ngã ngay dưới mặt đất”, GS Trung ví von một cách hài hước.

Để minh chứng cho điều mà GS Trung vừa ví von, nhiều diễn giả đến từ các công ty lớn đã chỉ ra nhiều điều thực tế mà sinh viên ngành nhân sự vừa mới ra trường đang gặp phải. Ông Phạm Hồng Quân, Giám đốc nhân sự khu vực châu Á - Thái Bình Dương của công ty Piaggio Việt Nam cho hay, mình đã từng có 20 năm công tác trong ngành nhân sự và thấy một thực tế: Kĩ năng mềm của sinh viên Việt Nam hiện nay còn quá thiếu.

Thứ trưởng Trần Anh Tuấn (ngoài cùng bên trái) tại hội thảo (ảnh: Việt Hùng)
Thứ trưởng Trần Anh Tuấn (ngoài cùng bên trái) tại hội thảo (ảnh: Việt Hùng)

“Khi đi phỏng vấn các sinh viên, tôi thực sự thất vọng bởi có nhiều em thậm chí học 4 năm từ một trường ĐH Ngoại ngữ nhưng không đáp ứng được yêu cầu về ngoại ngữ. Thứ hai, sinh viên hiện nay rất chăm chú tham gia mạng xã hội nhưng lại quên mất việc đào tạo kĩ năng máy tính. Do vậy, nhiều em khi tốt nghiệp, đi làm, vẫn không biết trình bày mộ bản powerpoint. Chỉ cần thiếu một số điều cơ bản này, đã chặn đứng cơ hội vào công ty nước ngoài của một sinh viên vừa ra trường. Chưa kể, nhiều em vừa đi làm mới được mấy hôm đã nhảy việc, làm trái ngành nghề, thiếu học hỏi và cầu tiến... nên rất phí công sức đã bỏ ra trong những năm tháng học đại học”, ông Quân nói.

Bà Bùi Thị Hương, Trưởng phòng Nhân sự, Công ty Yamaha Motor cũng cho hay, khi đặt một sinh viên vừa tốt nghiệp trong nước với một sinh viên tốt nghiệp ở Nhật, thật sự sinh viên Việt Nam rất loay hoay không biết xử lý sự việc như thế nào.

Bà Hoàng Thị Thu Trang, Trưởng bộ phận Quản lý chính sách nhân sự, Tập đoàn Vingroup chia sẻ kinh nghiệm, sinh viên ngành Nhân sự của chúng ta hiện nay ra trường đúng là có thái độ tốt, muốn gắn bó với nghề. Tuy nhiên, các em quá thiếu kĩ năng, chỉ biết “cái gì” chứ không biết “như thế nào”. Chẳng hạn, một em có thể làu làu quy định của một sinh viên nhưng không biết cách tìm một bộ hồ sơ cá nhân trên mạng. Nhiều em chưa tiếp cận được thực tế của một sinh viên nhân sự.

“Một số em quá thiếu ngoại ngữ nên không cập nhật được các thông tin mới trên thị trường, thiếu cơ hội tiếp cận với công ty nước ngoài. Khi phỏng vấn vào một công ty nào đó, phần lớn các em cho biết, mình bị “ngợp” và không biết bắt đầu công việc như thế nào”, bà Trang cho biết.

Dạy ít, học nhiều

Đó là ý kiến của TS Đỗ Xuân Trường, giảng viên Trường ĐH Kinh tế (ĐHQG Hà Nội). Ông cho hay, vai trò của một người làm quản lý nhân lực tại một đơn vị hiện nay cũng khác xa với ngày xưa. Vì thế chỉ mỗi chuyên môn thôi chưa đủ mà còn cần rất nhiều kĩ năng mềm khác như ngoại ngữ, máy tính... Các kĩ năng mềm này quyết định 50% thành công của mỗi người nên sinh viên cần chủ động tiếp cận.

“Chủ trương ở trường chúng tôi là “dạy ít nhưng học nhiều”. Nghĩa là giáo viên chỉ dạy đủ kiến thức nền tảng, còn lại dành thời gian cho các em đi làm, để các em thành thạo công việc ngay từ khi vừa ra trường bởi hiện nay, tính cạnh tranh giữa các đơn vị rất cao nên đòi hỏi các em phải tự chủ động”, ông Trường nói.

GS.TS Phạm Quang Trung, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân: Chúng ta học trên trời nhưng trượt ngã dưới đất. (ảnh: Việt Hùng)
GS.TS Phạm Quang Trung, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế quốc dân: "Chúng ta học trên trời nhưng trượt ngã dưới đất". (ảnh: Việt Hùng)

Bàn về chương trình của ngành Nhân sự hiện đang giảng dạy ở các trường đại học hiện nay ra sao, bà Hương cho biết, mình rất mong muốn chương trình và sách giáo khoa phải được cập nhật thường xuyên hơn, thời sự hơn. Việc đào tạo ngành học này nói riêng và các ngành nghề nói chung cần mềm mại, đỡ khô khan hơn, giáo viên phải đưa ra nhiều tình huống phát sinh ở các doanh nghiệp để các em nắm được. “Đơn giản như khi kí hợp đồng lao động, ông chủ yêu cầu sẽ làm ở công ty hoặc các chi nhánh khác của công ty. Nếu các em không tỉnh táo, nhỡ có chi nhánh ở Cà Mau mà người đó phải đến làm thì sao”, bà Hương đưa ra thí dụ.

Cũng theoi bà Hương, giáo viên chỉ nên đưa ra kiến thức nền tảng cơ bản cho mỗi học sinh nhưng chắc chắn không thể cầm tay chỉ việc cho các em khi ra trường. Do đó, hãy tạo cơ hội để các em được tiếp xúc với xã hội bên ngoài nhiều hơn, hãy để các em va chạm với công việc sớm hơn và thậm chí, có thể mời các cựu sinh viên truyền tải kinh nghiệm vấp váp của chính bản thân mình để các em hình dung được thực tế khác với sách vở.

Chia sẻ về các ý kiến này, GS Trung thừa nhận, đây hoàn toàn là những điều mà giáo viên đã nhận biết lâu nay. Các em được nghe những kinh nghiệm từ các doanh nghiệp hôm nay, bằng một tháng ngồi học miệt mài trên giảng đường. Do đó, trong những năm gần đây, nhà trường cũng đã có hướng mở trong đào tạo để các em dễ tiếp cận thực tế.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Trần Anh Tuấn chia sẻ, đội ngũ công chức hiện nay, sinh viên ra trường cứ phải tập sự 12 tháng để làm quen với công việc. Do đó, cần phải có đột phá nhằm nâng cao chất lượng đào tạo ở nhà trường. Theo Thứ trưởng Tuấn, có 3 yếu tố quyết định chất lượng nguồn nhân lực Ngành nhân sự. Trong đó, giáo trình và đội ngũ giảng viên là yếu tố then chốt.

“Tôi thấy có đơn vị yêu cầu kiểm tra IQ khi tuyển nhân lực đầu vào. Tôi thì nghĩ, EQ mới là chỉ số quyết định sự thành công của mỗi người trong cuộc đời bởi lẽ, có những người có thể học rất giỏi ở trường nhưng khi ra đời không thành công. Ngược lại, có người chỉ học bình thường ở trường nhưng khi ra trường lại thành công hơn người học giỏi”, Thứ trưởng nói.

Mỹ Hà

(Email:myha@dantri.com.vn)