Đắk Nông:

Thiếu y tế học đường, thầy băng rừng đưa trò đến trạm xá

(Dân trí) - Nếu có điều kiện, mỗi trường sẽ sắm một chiếc tủ nhỏ để đựng bông băng, thuốc sát trùng, thuốc đau bụng, cảm sốt thông thường, nhưng với những trường vùng sâu vùng xa, thì việc sắm sửa những thứ này không phải dễ. Có lần học sinh bị bệnh, thầy cô phải vượt cả chục km đưa trò đến cơ sở y tế điều trị.

Nhiều trường “trắng” y tế học đường

Định kỳ hàng tháng cô La Thị Ước, giáo viên Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc (xã Quảng Hòa, huyện Đắk G’Long, tỉnh Đắk Nông) tiến hành kiểm tra chiều cao, cân nặng của học sinh trong lớp bằng thước kẻ và cân đồng hồ, quy trình kiểm tra sức khỏe cho học sinh cũng chỉ dừng lại ở hai tiêu chí trên. Thế nhưng nhiều đợt khám sức khỏe cũng được rút gọn bằng việc đo chiều cao vì không mượn được cân của người dân, cô Ước buộc phải hướng dẫn học sinh về nhà tự cân rồi lên báo lại cho cô biết.

Định kỳ, giáo viên sử dụng thước xây dựng để “kiểm tra sức khỏe” cho học sinh
Định kỳ, giáo viên sử dụng thước xây dựng để “kiểm tra sức khỏe” cho học sinh

Tương tự Trường tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, dù được thành lập và đi vào hoạt động được 4 năm nay, nhưng Trường tiểu học Lê Văn Tám (xã Đắk Som, huyện Đắk G’Long) cũng không hề có thiết bị, vật tư y tế theo quy định. Hàng năm, Phòng Giáo dục huyện Đắk G’Long đều phát cho trường sổ theo dõi sức khỏe học sinh và giao về cho giáo viên chủ nhiệm các lớp quản lý song hầu hết những cuốn sổ này cũng chỉ được cập nhật các thông tin về chiều cao, cân nặng của học sinh.

Một giáo viên trong trường thông tin, không chỉ thiếu thiết bị y tế mà trường học cũng không có nhân viên làm nhiệm vụ này. May mắn là ngôi trường này nằm ở trung tâm xã, chỉ cách trạm y tế khoảng 200m nên trong trường hợp học sinh bị bệnh sẽ được chuyển qua trạm điều trị.

Việc kiểm tra sức khỏe rút gọn, nhanh chóng không chỉ diễn ra tại huyện vùng cao Đắk G’Long mà lâu nay là chuyện thường gặp ở nhiều trường trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Ngoài tình trạng thiếu thốn về trang thiết bị vật tư, những trường học này còn không có nhân viên y tế học đường, thầy cô giáo phải kiêm nhiệm luôn công việc chăm sóc sức khỏe cho học sinh.


Phòng y tế sơ sài với một chiếc giường đơn và một tủ thuốc y tế

Phòng y tế sơ sài với một chiếc giường đơn và một tủ thuốc y tế

Theo thống kê của Sở Giáo dục - Đào tạo tỉnh Đắk Nông, đến năm 2017 tỉnh này mới có 265 nhân viên y tế. Tuy nhiên, vì số nhân viên y tế được đào tạo đúng chuyên môn (tức là trình độ trung cấp y trở lên) còn thấp, nên công tác y tế trong nhà trường vẫn chưa được đảm bảo. Nhiều giáo viên đảm nhận vị trí này cho rằng y tế học đường chỉ đơn giản là chăm sóc học sinh khi ốm đau, trong khi đó, nhiệm vụ bao gồm cả: kiểm tra vệ sinh trường lớp, kiểm soát bếp ăn bán trú, phối hợp với BGH nhà trường tổ chức các hoạt động quản lý, bảo vệ, chăm sức sức khỏe học sinh thông qua các hoạt động truyền thông, giáo dục sức khỏe.

Học sinh chịu thiệt

Là một trong những trường hiếm hoi của huyện Krông Nô có nhân viên y tế học đường song phòng y tế của trường THCS Nam Nung (xã Nam Nung, huyện Krông Nô) cũng hết sức sơ sài. Phòng được tận dụng từ nhà công vụ của các thầy cô trong trường, bên trong chỉ có duy nhất một chiếc giường đơn và một tủ kính đựng bông băng, dầu gió, thuốc đau bụng. Thực tế cho thấy, số lượng thuốc này chưa đủ theo danh mục thuốc thiết yếu dùng trong trường học.

Không y tế học đường, việc chăm sóc sức khỏe cho học sinh bị bỏ ngỏ
Không y tế học đường, việc chăm sóc sức khỏe cho học sinh bị bỏ ngỏ

Y sĩ Phạm Văn Tuấn về trường công tác từ năm 2012. Anh Tuấn cho biết, 5 năm qua ngành y tế địa phương mới tổ chức 1 buổi tập huấn duy nhất về công tác y tế cho những nhân viên như anh. “Mỗi lần có thanh tra về làm việc với trường, chúng tôi đều đề nghị tổ chức cho cán bộ y tế tham gia tập huấn những kiến thức y tế học đường mới nhất, nhưng đều nhận được cái lắc đầu. Tất cả đều xuất phát từ kinh phí. Không có kinh phí mua sắm thuốc thang, tranh ảnh, tổ chức học tập chuyên đề… nên thiệt thòi nhất vẫn là học sinh”.

Để khắc phục tình trạng thiếu thốn này, ngoài việc trích phần trăm từ tiền mua bảo hiểm y tế của học sinh để mua sắm thuốc thang và trang thiết bị thì anh Tuấn phải xin thêm tiền từ trường THCS Nam Nung hoặc bỏ tiền túi ra mua thuốc. Phần lớn số thuốc này cũng mua thuốc theo kinh nghiệm của bản thân anh và dùng cho một số bệnh thường gặp theo mùa.

Trong khi đó, nằm cách trung tâm xã gần 20km, không đường, không trạm y tế, không hiệu thuốc… nên cuộc sống người dân thôn Năm Tầng (xã Đắk R’la, huyện Đắk Mil) dường như bị cô lập so với những thôn khác. Hiện hơn 300 con em của những gia đình trong thôn đang theo học tại Trường PTCS Nguyễn Khuyến từ mầm non cho đến THCS, tuy nhiên ngôi trường ba cấp học này cũng trong tình trạng “trắng” y tế học đường. Tình trạng không tủ thuốc hay dụng cụ y tế, phòng hoặc nhân viên y tế học đường kéo dài gần 10 năm nay buộc thầy trò của trường này loay hoay tìm mọi cách khắc phục.

Cô Tạ Thị Thúy Kiều, Phó hiệu trưởng Trường PTCS Nguyễn Khuyến cho biết, tất cả các thầy cô trong trường đều không được đào tạo, tập huấn kỹ năng về sơ cấp cứu nên chẳng may học sinh bị đau ốm thì các thầy cô giáo chỉ biết dựa vào kinh nghiệm của mình. Những em bị bệnh nặng mà không liên lạc được với phụ huynh, thầy cô phải băng rừng, đưa trò ra tận trạm y tế cấp cứu. Nếu mùa khô thì đi ra xã chỉ mất chừng 45 phút, nhưng vào mùa mưa, đường xá bị chia cắt, có khi ra đến đường nhựa cũng mất gần 2 giờ đồng hồ, ảnh hưởng không nhỏ đến tình trạng sức khỏe của các em.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Đặng Văn Nguyên, Trưởng phòng Hành chính tổng hợp, Trung tâm y tế dự phòng tỉnh Đắk Nông cho biết: Hiện nay các trường thực hiện theo phương án tự thu, tự chi, một số trường phải cắt hợp đồng của nhân viên y tế học đường để giáo viên kiêm nhiệm việc này. Những giáo viên tay ngang làm công tác y tế học đường chỉ được tập huấn sơ qua những kỹ năng sơ cấp cứu do Trung tâm y tế dự phòng các huyện tổ chứ , chỉ một số chuyên đề lớn mới do Trung tâm y tế dự phòng tỉnh triển khai, nhưng ba, bốn năm mới làm một lần.

Dương Phong