Thí sinh tố giám thị "ăn cắp chất xám", “bảo mẫu” đánh đập trẻ lúc cho ăn
(Dân trí) - Trong tuần qua xảy ra nhiều vụ bạo hành học sinh như vụ 23 học trò lớp 4 bị giáo viên phạt bằng thước; bảo mẫu ở TPHCM đánh đập trẻ dã man trong lúc cho ăn... Đông đảo bạn đọc hoan nghênh nữ sinh lên tiếng tố cáo giám thị “ăn cắp chất xám” trong kỳ thi học sinh giỏi ở Nghệ An.
Thí sinh tố giám thị "ăn cắp chất xám"
Ngay trong buổi đầu kỳ thi Học sinh giỏi tỉnh Nghệ An (diễn ra từ ngày 14 và 15/3) tại Trường THPT Lê Viết Thuật, TP Vinh, một cô giáo (vừa là giám thị) bị cho là đã nhìn bài làm của một thí sinh để copy sang cho một học sinh khác.
Sáng 15/3, ông Nguyễn Trọng Hoàn - Phó Chánh văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: “Sau khi nhận được phản ánh, Sở GD&ĐT Nghệ An đã chính thức đình chỉ nhiệm vụ coi thi đối với cô giáo N.T.L.H (giáo viên Trường THPT Nguyễn Sỹ Sách, Thanh Chương) được cho là bị học sinh tố copy bài của học sinh này cho học sinh khác làm".
Trước đó, vào tối ngày 14/3, trên trang facebook Le Phuong Anh của em Lê Thị Phương Anh (lớp 11C5, Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) đăng tải bức “tâm thư” với nội dung “Kính gửi cô giáo N.T.L.H.”.
Trong bức thư trên, Phương Anh đã nói về vụ việc mà em đánh giá là hành vi “ăn cắp chất xám” thí sinh của giám thị N.T.L.H., thực hiện nhiệm vụ coi thi tại Phòng thi số 26, điểm thi Trường THPT Lê Viết Thuật trong kỳ thi Học sinh giỏi bậc THPT môn Tiếng Anh của tỉnh Nghệ An.
Theo thông tin đăng tải trên trang cá nhân của Phương Anh thì trong quá trình diễn ra buổi thi, giám thị N.T.L.H. đã “ngang nhiên công khai đến xem bài của các học sinh trường Phan Bội Châu, chép vào tay rồi cho một học sinh khác xem”.
Sau khi thông tin trên được chuyển tải đến Sở GD-ĐT Nghệ An, ngay lập tức Sở này đã đình chỉ công tác coi thi của giám thị N.T.L.H., đồng thời yêu cầu giáo viên này viết tường trình để phục vụ viêc xác minh thông tin làm căn cứ xử lý.
“Bảo mẫu” đánh đập trẻ dã man trong lúc cho ăn
Trong lúc cho ăn, hai “bảo mẫu” ở điểm giữ trẻ số 214/77 Nguyễn Oanh, phường 17, quận Gò Vấp, TPHCM bắt trẻ nằm ngửa ra để đút, bé nào không nuốt thì liền đánh vào đầu, tát vào mặt để bé khóc há miệng ra.
Chiều ngày 16/3, Chủ tịch phường 17 quận Gò Vấp (TPHCM) đã có báo cáo nhanh vụ việc. Theo đó, cơ sở trông giữ trẻ này là một nhóm trẻ hoạt động tự phát không phép.
Sau khi nhận được phản ánh nhóm trẻ gia đình ở địa chỉ 214/77 đường Nguyễn Oanh có hành vi bạo hành trẻ, UBND phường 17 đã thành lập đoàn kiểm tra đến địa chỉ trên tiến hành kiểm tra.
Ngay tại thời điểm kiểm tra, có 9 trẻ đang giữ tại đây trong đó có một trẻ 3 tuổi và 8 trẻ từ 16 đến dưới 36 tháng (2 trẻ giữ một buổi và 7 trẻ giữ 2 buổi). Phía đoàn kiểm tra đã lập biên bản và đình chỉ ngay hoạt động của cơ sở này.
Sáng 19/3, trao đổi với PV Dân trí, Đại tá Trà Văn Lào - Trưởng Công an quận Gò Vấp (TPHCM) cho biết đang phối hợp cơ quan chức năng liên quan để điều tra làm rõ.
“Quá trình mời làm việc, bà Thu đã thừa nhận có hành vi dùng tay đánh các bé vì không chịu ăn. Hiện chúng tôi đang thu thập các chứng cứ để sớm có hướng xử lý", Đại tá Lào nói.
Việt Nam không có đại học nào lọt top 300 đại học tốt nhất châu Á
Tạp chí Times Higher Education vừa công bố bảng xếp hạng đại học tốt nhất châu Á năm 2017 với 300 trường ở 24 nước. Nhật Bản đứng đầu với 69 đại học lọt vào bảng xếp hạng, Trung Quốc đứng thứ hai với 54 đại học, Ấn Độ xếp thứ ba với 33 đại học. Việt Nam không có đại học nào góp mặt trong danh sách này.
Các nước Đông Á thống trị top 20 đại học tốt nhất châu Á. Trong khi đó Trung Quốc có 6 đại diện; Hàn Quốc và Hong Kong đều có 5, Nhật Bản và Singapore đều có 2 đại học lọt top 20.
Năm 2017, Trường ĐH Quốc gia Singapore (NUS) vẫn giữ vị trí số 1 trong bảng xếp hạng đại học tốt nhất châu Á. Như vậy đây là năm thứ hai liên tiếp NUS chiếm giữ vị trí này.
ĐH Bắc Kinh của Trung Quốc xếp vị trí 2, ĐH Thanh Hoa cũng của Trung Quốc đứng thứ 3. ĐH Công nghệ Nanyang của Singapore (NTU) ở vị trí 4, tiếp đó là ĐH Hong Kong.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Hưng Yên cần lưu ý quy hoạch các khu đại học theo hướng mở
Trong buổi làm việc tại tỉnh Hưng Yên, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, tỉnh Hưng Yên cần lưu ý quy hoạch các khu đại học theo hướng mở, trong đó có những khu dịch vụ chung như khu thể thao, vui chơi… tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, trường nào biết trường đó, đầu tư giống nhau dẫn tới lãng phí cả về đất đai và nguồn lực đầu tư.
Khu đại học Phố Hiến, tỉnh Hưng Yên có tổng diện tích 1.000 ha, nằm ở vị trí thuận lợi kết nối với Thủ đô Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Dự kiến khu đại học Phố Hiến sẽ có quy mô đào tạo gần 80.000 sinh viên và 1.000 cán bộ, giảng viên.
Hiện nay, Trường Đại học Thủy Lợi đã hoàn thành việc đầu tư cơ sở hạ tầng và chuyển một phần đào tạo về khu đại học Phố Hiến. Hai trường khác là Trường Đại học Giao thông Vận tải và Trường Đại học Y dược cổ truyền cũng đang triển khai dự án đầu tư tại đây.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thăm Khu đại học Phố Hiến, tỉnh Hưng Yên
Dù đã có những kết quả cụ thể trong thu hút các trường đại học mở cơ sở đào tạo tại địa phương song tại cuộc làm việc với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, lãnh đạo tỉnh Hưng Yên cũng cho rằng, đến nay quá trình thu hút vẫn diễn ra chậm do một số vướng mắc về cơ chế chính sách trong sử dụng quỹ đất tạo vốn đầu tư cho cơ sở đào tạo, chính sách về nhà ở cho đội ngũ cán bộ giảng viên và đặc biệt là giao thông kết nối với thủ đô Hà Nội chưa thực sự thuận lợi dẫn tới những e ngại của các trường.
Về vấn đề này, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, Bộ sẽ có trách nhiệm giới thiệu và cùng địa phương thúc đẩy các trường đại học sớm đầu tư mở cơ sở đào tạo tại tỉnh Hưng Yên, trong đó ưu tiên lấp đầy khu đại học Phố Hiến.
Tuy nhiên, để làm được điều đó, tỉnh Hưng Yên cần lưu ý quy hoạch các khu đại học theo hướng mở, trong đó có những khu dịch vụ chung như khu thể thao, vui chơi… tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, trường nào biết trường đó, đầu tư giống nhau dẫn tới lãng phí cả về đất đai và nguồn lực đầu tư.
Nghi án bé gái bị xâm hại tại trường: Gia đình đề nghị niêm phong toàn bộ hệ thống camera
Diễn biến mới nhất liên quan đến nghi án bé gái 7 tuổi bị xâm hại tại trường, mới đây gia đình chị C. đã viết đơn lên công an quận Thủ Đức (TPHCM) đề nghị niêm phong toàn bộ hệ thống camera của Trường tiểu học Lương Thế Vinh - nơi được cho là là địa điểm xảy ra vụ việc con chị C. bị xâm hại.
Chị C. cho biết, sáng ngày 15/2/2017, một ngày sau khi sự việc xảy ra, trong lúc chờ dựng hiện trường tại Trường tiểu học Lương Thế Vinh, chị đã yêu cầu mở các camera lên kiểm tra, trong đó có camera số 4.
Khi mở camera số 4, trước thời điểm 11g18p dữ liệu trên camera vẫn ghi nhận đầy đủ (tức có nguồn điện), chỉ đến thời gian 11g18p màn hình mới bị xóa đen và kéo dài đến 12g22p thì màn hình trở lại bình thường, camera có đầy đủ dữ liệu.
Chị M.C., mẹ của bé gái trong nghi án bé bị xâm hại tại trường học đã gửi đơn đề nghị Công an Thủ Đức, TPHCM niêm phong hệ thống camera ở Trường tiểu học Lương Thế Vinh để điều tra
“Khi phát hiện dữ liệu bị mất bất thường, tôi yêu cầu mở tất cả các camera còn lại. Khi kiểm tra, dữ liệu của 7 camera còn lại của trường đều cho thấy ghi lại đầy đủ, không bị xóa, không bị mất. Chỉ có dữ liệu ở camera số 4, chiếu vào góc phòng học con tôi - cũng là nơi cháu khai bị xâm hại và vào đúng thời điểm cháu bị xâm hại - là bị mất, còn trước đó và sau đó, dữ liệu ghi bình thường”, chị C. nói và cho rằng rằng camera số 4 đã bị xóa dữ liệu thời gian từ 11g18p đến 12g22p ngày 14/2/2017.
Chiều ngày 13/3/2017, trong buổi họp báo, lãnh đạo công an quận Thủ Đức giải thích lý do: cô lao công trong lúc dọn vệ sinh đã vô tình ngắt cầu dao tổng trong phòng họp. Cầu dao này nối trực tiếp tới nguồn điện camera số 4 nên không ghi được dữ liệu. Buổi chiều cô lao công vào mở cầu dao điện thì camera mới ghi dữ liệu bình thường. Việc cúp nguồn điện này là sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Chị C. cho rằng cách giải thích của trường và Công an quận Thủ Đức là chưa đúng thực tế và thiếu minh bạch.
Nguyên Chi (tổng hợp)