Tết Thiếu nhi, nghĩ về sự học của con trẻ

(Dân trí) - Hôm nay 1/6 là Ngày Quốc tế Thiếu nhi cũng là thời điểm học sinh ở Việt Nam bắt đầu kỳ nghỉ hè. Nhiều gia đình thu xếp đưa con đi chơi, săn lùng những món quà độc đáo cho con... nhưng đó cũng là để đánh dấu, các em chuẩn bị bước vào "học kỳ 3" căng thẳng với đầy kỳ vọng.

Vừa kết thúc năm học, phụ huynh ở TPHCM nháo nhác tìm chỗ cho con học hè. Mà không, với thực tế tìm được chỗ học hè cũng không dễ, kế hoạch học hè đã được phụ huynh chuẩn bị từ trong năm học. Họ phải đăng ký chỗ học từ sớm, thậm chí phải giữ chỗ trước cả nửa năm. Tại nhiều trung tâm dạy học thêm, học sinh phải lấy số từ nhiều tháng trước thì may ra mới có chỗ học.

Hay một ngày cuối tháng năm vừa qua, khi học sinh vừa tổng kết năm học ở trường, một trung tâm bồi dưỡng văn hóa nổi tiếng đã lập tức tổ chức thi phân loại học sinh. Một cảnh tượng khó hình dung: hàng ngàn phụ huynh từ các quận huyện đổ về đưa con đi thi xếp lớp học thêm.


Con trẻ cần phát triển về cảm xúc và năng lực hơn là sự học mù quáng vì điểm số (Ảnh minh họa: Trần Hoài Thư)

Con trẻ cần phát triển về cảm xúc và năng lực hơn là sự học mù quáng vì điểm số (Ảnh minh họa: Trần Hoài Thư)

Thời điểm này, rất nhiều học sinh đang cật lực "cày bừa" ở các lớp học thêm, các lò luyện thi để chuẩn bị cho các kỳ thi. Đó có thể là kỳ thi tuyển sinh chuyển cấp mang tính bắt buộc; đó có thể là kỳ thi vào trường chuyên lớp chọn theo nguyện vọng và yêu cầu của gia đình.

Để chạy theo lịch học này, nhiều đứa trẻ bị coi nhẹ những nhu cầu tối thiểu của con người là ăn và ngủ. Các em ngủ không đủ giấc, ăn uống tạm bợ... Các em gánh chịu áp lực từ hệ thống giáo dục nặng nề về thi cử cùng với kỳ vọng khủng khiếp từ gia đình.

Một ngày ca tụng "vì trẻ em" không đủ giảm được sự căng thẳng diễn ra ngay trước và sau ngày Tết Thiếu nhi. Trước đó, sau khi tổng kết năm học, nhiều đứa trẻ có thể bị bố mẹ mắng mỏ, chửi bới và cả đòn roi vì điểm số không như ý. Còn sau đó, các kỳ thi trong tháng 6, các em cũng mang theo những áp lực đáng sợ.

Có những phụ huynh kể, họ không mắng con khi con điểm thấp, khi con thi trượt, không gây áp lực học tập mà sao con trẻ vẫn khủng hoảng.

Nào đâu cần những lời mắng, cũng chẳng cần đến đòn roi, có khi chỉ một tiếng thở dài, một ánh mắt, một sự "thòm thèm" đứa trẻ khác đạt thành tích cao... đã đủ đè nặng con trẻ.

Những món quà, những lời chúc vào ngày Tết Thiếu nhi cũng có thể trở thành gánh nặng với các trẻ khi cha mẹ lại tranh thủ gửi vào đó không ít... kỳ vọng. Có phụ huynh kể cả nhà sẽ đi du lịch Hàn Quốc như ước mơ của con sau khi con đỗ vào lớp 6 Trường chuyên Trần Đại Nghĩa. Hay có người cha ở Nhà Bè tuyên bố sẽ chuyển nhà, chuyển khẩu vào trung tâm... nếu con đỗ vào Trường chuyên Lê Hồng Phong. Tôi cũng từng biết người mẹ bị bệnh nằm viện, nói với con trai học lớp 9: "Chỉ cần con thi đỗ là mẹ hết bệnh".

Họ đã biến việc học của con thành những công cụ trao đổi và ràng buộc về trách nhiệm!

Chuyên gia giáo dục Nguyễn Thúy Uyên Phương, đại diện Phong trào trẻ em lớn nhất thế giới Design For Change (DFC) tại Việt Nam chia sẻ việc đưa các dự án phát triển xã hội dành cho trẻ em vào Việt Nam gặp rất nhiều rào cản. Vấn đề đầu tiên của các dự án làm phải làm sao để truyền cảm hứng để các em trăn trở về các vấn đề xung quanh mình, từ đó các em sẽ xây dựng nên dự án của chính mình chứ không phải theo người lớn yêu cầu, chỉ định.

"Nếu ở các nước, chỉ mất khoảng 3 tuần để hoàn thành câu hỏi: "Con bận tâm đến điều gì?" thì ở Việt Nam, khi bắt tay thực hiện, vô cùng khó để tìm câu trả lời cho vấn đề này", bà Phương cho hay.

Bà Uyên Phương cho biết, khi được hỏi "Các con quan tâm đến vấn đề gì?", hầu hết các em trả lời không. Khi được hỏi "Có điều gì kiến các con lo lắng không?", các em cho biết: "Không, con chỉ lo mỗi chuyện học thôi". Với câu hỏi "Con có muốn thay đổi điều gì không?" thì rất nhiều em trả lời: "Không! Con chỉ muốn học ít đi thôi". Trong tình thế này, nhân viên dự án phải đánh thức cảm xúc ở các em bằng cách cho các em tiếp xúc với chất liệu từ văn học, tổ chức các chuyến đi trải nghiệm thực tế để đánh thức sự trăn trở trong các em.

Chưa kể, khi bắt tay vào thực hiện dự án, các em luôn có phản xạ là xem người lớn như bố mẹ, thầy cô mong đợi câu trả lời như thế nào. Từ đó các em mới chọn câu trả lời có vẻ hợp ý với thái độ, nét mặt của bố mẹ, thầy cô. Có những đứa trẻ thông minh, hiếu động khi được khuyến khích làm việc gì đó, liền nói: "Con không làm được đâu cô ơi. Con ngu lắm! Bố mẹ và thầy cô nói con thế!".

Chúng ta ép trẻ học nhiều, đòi hỏi các em phải đạt điểm số này nọ, nhưng quan trọng nhất là cảm xúc và năng lực tin vào bản thân thì các em lại bị tước đi.

Ngày Tết Thiếu nhi, thay cho những món quà, những lời chúc tụng, kỳ vọng dành cho con trẻ thì thiết nghĩ đã đến lúc người lớn giữ những phần thưởng đó cho mình. Đổi lại, hãy nhìn thực tế và nhân văn vào sự học của trẻ.

Nói như nhà giáo dục Giản Tư Trung, chúng ta đừng tách sự học của trẻ ra khỏi sự sống. Đừng để con trẻ học hùng hục, cuối tuần hay ngày lễ mới có chút thời gian... tranh thủ sống. Đừng để các em quay cuồng vì điểm số nhưng rồi không biết đồng cảm với con người, không biết đối diện với các vấn đề trong cuộc sống.

Hoài Nam