Quy định về dạy thêm học thêm “quay” nhà giáo
(Dân trí) - Ngành Giáo dục TPHCM đang từng bước xóa dạy thêm học thêm trong nhà trường. Đối với nhà giáo, mỗi quyết định liên quan đến dạy thêm, học thêm lại là một sự “tổn thương”, nhất là khi các quy định “chọi” nhau choang choảng.
Mới đây, ông Lê Hồng Sơn, GĐ Sở GD-ĐT TPHCM có văn bản yêu cầu các trường thực hiện chỉ đạo của UBND TPHCM ngày 28/6 về việc phải chấm dứt việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường từ năm học 2016-2017.
Với chỉ đạo này, các trường học cùng với đội ngũ giáo viên lại xoay như chong chóng để tiếp tục thực hiện một mệnh lệnh mới về dạy thêm học thêm trong trường học. Trước đó, triển khai Thông tư 17 của Bộ GD-ĐT, UBND thành phố ra quyết định số 21 vào tháng 6/2014 ban hành quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn.
Quyết định này có những quy định, hướng dẫn cụ thể về việc tổ chức dạy thêm học thêm trong nhà trường. Như Chủ tịch UBND Thành phố ủy quyền cho Giám đốc Sở GD-ĐT cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm đối với các trường hợp tổ chức dạy thêm, học thêm có nội dung thuộc chương trình.
Còn ở chương trình THCS trở xuống thì do Chủ tịch UBND quận, huyện ủy quyền cho các Trưởng Phòng GD-ĐT cấp giấy phép tổ chức dạy thêm.
Quyết định này cũng đưa ra những quy định cụ thể về việc thu, quản lý và sử dụng tiền học thêm đối với việc dạy thêm, học thêm trong nhà trường. Cũng như, các trường tùy tình hình thực tế có thể tổ chức dạy thêm, học thêm vào các buổi khác nhau trên nguyên tắc không gây ảnh hưởng đến các lóp học chính khóa, không tổ chức dạy thêm, học thêm vào các ngày chủ nhật, ngày nghỉ lễ, nghỉ tết; mỗi học sinh học thêm không quá 6 tiết/môn học/tuần và không quá 18 tiết/tuần.
Tháng 9/2014, Sở GD-ĐT TPHCM ra văn bản chỉ đạo tất cả các cơ sở bồi dưỡng văn hóa do nhà trường tổ chức đang hoạt động trong nhà trường đều phải lập hồ sơ, thủ tục đề nghị giải thể. Và sau khi giải thể, nhà trường lập hồ sơ, thủ tục đề nghị cấp phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm theo quy định.
Thế rồi “bùm” một phát, thành phố quyết liệt xóa dạy thêm học thêm trong nhà trường một cách gấp rút và vội vã như thể phải nhổ ngay một cái gai tiêu cực. Khi “hiệu lệnh” được gõ xuống thì nhiều trường vẫn đang tổ chức dạy học thêm bằng chính giấy phép còn hiệu lực được cấp bởi cấp Sở, cấp Phòng.
Các trường chưa kịp trở tay, đang từ xuôi chuyển ngược làm nhà trường và giáo viên lúng túng, rối bời. Còn dư luận, phụ huynh chưa rõ đầu đuôi được dịp lên án nhà trường, lên án nhà giáo "sao trên cấm mà thấy dưới vẫn làm liều".
Hướng đi của TPHCM trong việc xóa dạy thêm học thêm trong nhà trường có thể sẽ theo hướng chỉ đạo của Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng: Dạy thêm học thêm cũng như các môn thể thao, năng khiếu... bên ngoài có các trung tâm văn hóa, giáo viên hay học sinh nào có nhu cầu cứ việc ra các trung tâm đăng ký dạy và học.
Nghe thì đơn giản nhưng không dễ. Quy định của Bộ GD-ĐT, giáo viên dạy ở các trường công lập không được dạy thêm ở bên ngoài nhà trường mà chỉ được dạy thêm trong nhà trường. Còn Sở thì đang thực hiện cấm dạy bên trong nhà trường. Thật thương cho nhà giáo.
Một giáo viên dạy THPT tâm tư nếu sắp tới thành phố cho phép giáo viên dạy thêm bên ngoài nhà trường thì sẽ “chỏi” với quy định của Bộ. Còn nếu đồng thuận với quy định của Bộ, không cho giáo viên dạy bên ngoài thì xem như “triệt” đường sống của giáo viên. Trong khi việc dạy thêm, trừ đi tiêu cực từ một vài “con sâu” thì là một công việc kiếm sống hoàn toàn chính đáng bằng chuyên môn, năng lực của người thầy, xuất phát từ nhu cầu có thật của học sinh.
Trước mắt, Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu tất cả các trường học ở TPHCM hiện chỉ đạo của Thành ủy và UBND thành phố về việc chấm dứt tổ chức dạy thêm học thêm trong nhà trường kể từ năm học 2016 - 2017. Đồng thời, các trường cũng chuẩn bị điều kiện và thủ tục để tổ chức dạy học 2 buổi/ngày cho học sinh, nhất là cho học sinh cuối cấp đúng quy định của Bộ GD-ĐT.
TPHCM cấm dạy thêm trong trường học, tổ chức dạy hai buổi/ngày rồi thế nào nữa sẽ còn phải chờ quy định, hướng dẫn mới. Nhưng như một vĩ thanh buồn cho nghề giáo, nhất là những người thầy có tâm có tài, muốn kiếm sống bằng đúng chuyên môn, năng lực của mình mà lại bị “xoay”, bị “đe” đủ kiểu. Mà như lâu nay là không quản nổi thì cấm chứ chưa có giải pháp nào đi đúng bản chất để giải quyết gốc rễ của vấn đề dạy thêm, học thêm.
Hoài Nam
(Hoainam@dantri.com.vn)