Quảng Ngãi: Dạy cho học sinh vùng cao nói tiếng Việt trước khi vào lớp 1

(Dân trí) - Thời điểm này, những điểm trường tiểu học ở các huyện vùng cao Quảng Ngãi đã vang lên tiếng ê a của học sinh. Đây là những học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số đến trường sớm để tập nói tiếng Việt trước khi vào lớp 1.

Tập cho học sinh vùng cao nói tiếng Việt trước khi vào lớp 1

Cô Phạm Thị Bích Ngân (trường Tiểu học Sơn Dung, huyện Sơn Tây, Quảng Ngãi) bắt đầu công tác giảng dạy sớm hơn đồng nghiệp gần 1 tháng. Cô Ngân cùng 4 giáo viên khác được phân công tập nói tiếng Việt cho 91 học sinh người dân tộc thiểu số chuẩn bị bước vào lớp 1 của trường Tiểu học Sơn Dung.

Theo cô Ngân, số trẻ em người dân tộc thiểu số từ 3 - 5 tuổi chủ yếu giao tiếp bằng tiếng mẹ đẻ. Đối với trẻ từ 5 - 6 tuổi có thể giao tiếp bằng tiếng Việt, tuy nhiên phần lớn các em chỉ sử dụng tiếng Việt ở trường, khi về nhà vẫn sử dụng tiếng mẹ đẻ. Điều này khiến các em gặp nhiều hạn chế trong việc giao tiếp và khó khăn khi tiếp thu, lĩnh hội kiến thức khi bước vào lớp 1.


Giáo viên huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) hướng dẫn cho học sinh tập tô chữ cái tiếng Việt.

Giáo viên huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) hướng dẫn cho học sinh tập tô chữ cái tiếng Việt.

Chính vì vậy, cô Ngân có nhiệm vụ giúp các em có thói quen nói tiếng Việt thường xuyên, hướng dẫn các em cách phát âm chuẩn, cách nhận diện chữ cái, tập tô nét, nhận biết chữ số. Đồng thời rèn luyện để các em có thể nói được một câu hoàn chỉnh, biết chào hỏi thầy cô, bạn bè, người thân...

"Các em vốn quen nói tiếng mẹ đẻ nên cách phát âm, câu chữ, cách ứng xử không phù hợp với chương trình giáo dục trên lớp. Vì vậy giáo viên phải giúp các em nói được những câu hoàn chỉnh, phát âm chuẩn tiếng Việt. Sử dụng thành thạo tiếng Việt sẽ giúp các em tiếp thu bài tốt hơn và hòa nhập với bạn bè khi vào lớp 1", cô Ngân chia sẻ.

Ông Nguyễn Minh Anh - Phó trưởng Phòng GD-ĐT huyện Sơn Tây cho biết: Huyện Sơn Tây có trên 90% học sinh là người dân tộc thiểu số. Việc các em nói không rành tiếng Việt ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình tiếp thu kiến thức trên lớp. Do đó, hoạt động tập nói tiếng Việt được đơn vị triển khai nghiêm túc theo chỉ đạo của Sở GD-ĐT.

Trong năm học 2018-2019, huyện Sơn Tây có 497 học sinh được tập nói tiếng Việt trước khi vào lớp 1. Đến thời điểm này tất cả các điểm trường tiểu học đã triển khai thực hiện.

"Để thay đổi thói quen giao tiếp, giúp các em làm quen với cách phát âm, chữ viết tiếng Việt trong vòng 1 tháng là khá khó khăn. Nếu không có biện pháp phù hợp và quyết tâm thì hiệu quả sẽ không cao. Vì vậy hoạt động này được phòng quan tâm kiểm tra thường xuyên", ông Anh nhấn mạnh.

Theo bà Lê Thị Kim Ánh - Trưởng Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi), hoạt động tập nói tiếng Việt cho học sinh người dân tộc thiểu số đã được triển khai từ nhiều năm học trước. Tuy nhiên chỉ một số ít trường có điều kiện thuận lợi tổ chức thực hiện. Do đó còn nhiều học sinh gặp khó khăn khi sử dụng tiếng Việt, riêng trong năm học 2017-2018 có 743 học sinh người dân tộc thiểu số không hoàn môn tiếng Việt.

"Các em còn hạn chế về tiếng Việt sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến việc tiếp thu kiến thức, hạn chế về mặt giao tiếp. Vì vậy, hoạt động tập nói tiếng Việt trước khi vào lớp 1 cần phải được triển khai bắt buộc ở tất cả các điểm trường có học sinh dân tộc thiểu số. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành quyết định 80 về triển khai đề án Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025", bà Ánh cho biết.

Học sinh người dân tộc thiểu số được tập nói tiếng Việt sẽ tiếp thu kiến thức tốt hơn khi vào lớp 1
Học sinh người dân tộc thiểu số được tập nói tiếng Việt sẽ tiếp thu kiến thức tốt hơn khi vào lớp 1

Năm học 2018-2019 là năm đầu tiên triển khai hoạt động tập nói tiếng Việt ở tất cả các điểm trường tiểu học của 6 huyện miền núi và 3 huyện đồng bằng có học sinh người dân tộc thiểu số chuẩn bị vào lớp 1. Tổng số học sinh tham gia hoạt động này là 4.900 em.

Ngay từ trong hè, Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Ngãi đã tổ chức tập huấn cho gần 400 cán bộ, giáo viên tiểu học. Đảm bảo 100% giáo viên trực tiếp đứng lớp tập nói tiếng Việt cho các em phải nắm rõ nội dung, phương pháp thực hiện.

"Mục tiêu cuối cùng là giúp học sinh dân tộc thiểu số sử dụng thành thạo tiếng Việt, đây là tiền đề để có thể nâng cao chất lượng giáo dục vùng cao. Vì vậy, chúng tôi tổ chức kiểm tra chặt chẽ hoạt động này tại các điểm trường. Đảm bảo 100% điểm trường có học sinh dân tộc thiểu số phải triển khai thực hiện. Qua hoạt động kiểm tra chúng tôi cũng theo dõi, ghi nhận sự tiến bộ của các em để đánh giá hiệu quả thực hiện", bà Lê Thị Kim Ánh nói.

Quốc Triều

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục