Quà tặng thầy và sự ưu ái
(Dân trí) - Dò hỏi quà cáp của các phụ huynh khác, cân nhắc thiệt hơn khi chọn quà tặng thầy cô dịp 20/11… Mong muốn và cả sự toan tính của người tặng quà đã tước đi những giá trị với cho con trẻ có ý nghĩa hơn một sự ưu tiên.
Đến gần Ngày Nhà giáo 20/11, tặng quà gì cho thầy cô là mối bận lòng của không ít phụ huynh. Nhiều người phải “cân não” để tìm món quà phù hợp, không nhàm chán, lặp lại, mang ý nghĩa thầy trò. Nhưng cũng có người tặng quà với mục đích để “đổi” sự quan tâm từ cô giáo với hy vọng con mình không bị thua thiệt nên họ càng "đau đầu" khi chọn quà.
Bà mẹ nọ có con học tiểu học, chị quan tâm đến món quà tặng cô chủ nhiệm của con cách đây cả tháng mà đến sát ngày vẫn còn nhấp nhổm. Chị lên các diễn đàn hỏi kinh nghiệm, tính ngang tính dọc, cân lên đặt xuống mà chưa thấy chưa yên tâm.
Mới đầu, chị tính mua bộ mỹ phẩm tặng cô. Loại vừa thì sợ cô không xài, loại đắt thì tốn kém mà lo nhất là sợ cô không biết giá tiền. Chị còn tính bộ mỹ phẩm tiền triệu, liệu mua món quà tượng trưng rồi kèm phong bì có tiện hơn không. Nhưng rồi chị vẫn chưa yên tâm, đi phong bì biết bao nhiêu là vừa. Mình đi từng này nhưng phụ huynh khác đi nhiều hơn thì mong muốn con được cô “quan tâm” liệu có đạt.
Chị lăn tăn lên các diễn đàn hỏi kinh nghiệm các bà mẹ thì lại càng rối vì “mỗi mẹ một chiêu”. Dường như ai ai cũng kỳ vọng… vì món quà mà con mình sẽ được giáo viên chiếu cố để không thua thiệt với bạn bè.
Ở bậc học càng thấp như mầm non, tiểu học, bố mẹ tặng quà giáo viên với tinh thần “đánh đổi” càng rõ ràng.
Có bà mẹ hồn nhiên khoe vì mình chi "mạnh tay" mua quà tặng cô nên con mình được thế này, thế nọ, hơn hẳn bạn bè ra sao. Không chỉ đánh giá thấp người khác, họ còn đánh giá thấp chính đứa con của mình.
Có phụ huynh bậc mầm non thất vọng tràn trề như thể mình đang bị bội ước. Chị kể lể, mình rất “quan tâm” đến cô, lễ lạt đều có quà, hàng tháng đều biếu thêm cô vài trăm mà sao con mình vẫn không được ưu tiên, chăm sóc đặc biệt.
Một khi trao cho ai đó thứ gì bởi sự toan tính, thiếu chân thành thì mong muốn mình được đáp lại chẳng bao giờ là đủ.
Lúc nào cũng sợ con thua thiệt hơn bạn bè có lẽ là nỗi sợ lớn nhất của rất nhiều phụ huynh ngày nay. Họ làm mọi cách để mong con mình được quan tâm, được chiếu cố... thành ra không ít món quà 20/11 tặng giáo viên mang không ít hàm ý, sự đòi hỏi từ chính các bậc phụ huynh.
Sự toan tính, kỳ vọng của người tặng quà đã át đi những cơ hội quý giá để trao cho trẻ những giá trị cực kỳ quan trọng đối với cuộc đời các em. Đó là giá trị về lòng biết ơn, về sự chân thành, về tình thầy trò, về ân tình giữa người và người...
Những giá trị sống mà lâu nay không ít người lớn dùng tiền bạc, vật chất để “trang bị” cho con trẻ mà các em thiếu lại càng thiếu. Thiếu đến kiệt quệ! Thiếu đến nỗi khó lớn thành người!
Sự ưu tiên đặc biệt cho một ai đó trong một môi trường tập thể là điều không hề tốt cho chính bản thân người đó. Không chỉ là sự kỳ thị, sự không ưng ý của mọi người xung quanh mà hơn hết sự ưu ái dễ làm người ta ảo tưởng và ỷ lại. Nhất là với một đứa trẻ chưa hiểu hết giá trị và thế mạnh của mình thì sự ưu tiên đặc biệt chẳng khác nào trao cho các em viên kẹo ngọt tẩm độc.
Việc phụ huynh luôn nghĩ con thua thiệt, sợ con thua bạn bè chính là thiệt thòi lớn nhất cho con trẻ.
Lê Đăng Đạt