Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Giữ gìn tiếng Việt là trách nhiệm của tất cả mọi người

(Dân trí) - Phát biểu tại hội thảo khoa học quốc gia "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: "Giữ gìn tiếng Việt là nhiệm vụ được pháp luật quy định và là trách nhiệm của tất cả mọi người, của mỗi người, đặc biệt là của nhà báo, nhà giáo, nhà văn".

Hội thảo do Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức nhân dịp kỷ niệm 50 năm Thủ tướng Phạm Văn Đồng phát động phong trào "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt" (1966-2016).


Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam

Phát biểu tại hội thảo, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu thực tế ngoài xã hội, trên diễn đàn, trong các tài liệu báo cáo, các ấn phẩm thông tin đại chúng, kể cả trong sách giáo khoa, có những biểu hiện thiếu chuẩn mực trong sử dụng tiếng Việt, dễ dãi trong phát triển và làm mới tiếng Việt.

“Rất dễ thấy hiện tượng lạm dụng ngôn từ và cách nói từ tiếng nước ngoài. Điều đáng báo động là không có nhiều, không có đủ những phân tích, phê phán và nhắc nhở về những biểu hiện đó”, Phó Thủ tướng nhận xét.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh giữ gìn tiếng Việt là nhiệm vụ được pháp luật quy định và là trách nhiệm của tất cả mọi người, của mỗi người, đặc biệt là của nhà báo, nhà giáo, nhà văn.

Nhắc lại tư tưởng rất sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về cách nói, cách viết tiếng Việt sao cho ngắn gọn, trong sáng, giản dị, dễ hiểu đi đôi với phát triển, làm mới, làm giàu tiếng Việt một cách chọn lọc, Phó Thủ tướng chia sẻ: “Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã nói rất rõ ràng về trong và sáng trong tiếng Việt. Tôi luôn nhớ yêu cầu là phải trong trẻo, không có tạp chất, phải trung thành, sáng tỏ được ý muốn viết, muốn nói. Tôi nghĩ rằng các nhà báo càng phải thấm thía, phải rèn các kỹ năng để thực hiện những yêu cầu này, mỗi phát ngôn, câu văn của nhà báo có tính định hướng và lan tỏa rộng trong xã hội, lan tỏa rất nhanh trong môi trường mạng”.

Lấy ví dụ về một số từ vựng mới được bổ sung vào tiếng Việt nhưng chưa được nghiên cứu và quy định theo quy tắc, Phó Thủ tướng mong muốn ngoài những tham luận có tính khoa học sâu sắc, các cơ quan nghiên cứu về ngôn ngữ, cơ quan quản lý Nhà nước về ngôn ngữ, khoa học, giáo dục và về thông tin, tuyên truyền sẽ đưa ra được nhiều khuyến nghị đối với Nhà nước và xã hội để công việc giữ gìn tiếng Việt trong sáng ngày càng được thực hiện tốt hơn.

Hồng Hạnh