Bạn đọc viết:
Những khoảng lặng sau mùa thi 2016
(Dân trí) - Mùa thi tuyển sinh lớp 10 và THPT quốc gia vừa kết thúc nhưng dư âm của nó vẫn khó phai mờ trong lòng người. Bên cạnh niềm phấn khởi vì thành quả đã đạt được, đâu đây vẫn còn những nỗi trăn trở, những khoảng lặng…
Đọc bài báo “Chỉ hơn 2 điểm/môn đã vào lớp 10” đăng trên Dân trí ngày 22/7, mọi người thật sự ngỡ ngàng về một thực trạng vẫn tồn tại lâu nay nhưng dường như bị quên lãng. Cuộc chạy đua vào các trường đầu cấp khốc liệt với tỉ lệ chọi cao và khả năng cạnh tranh lớn luôn thu hút mọi ánh nhìn của xã hội.
Người ta chỉ tập trung nhiều vào top trường chất lượng cao, theo dõi điểm sàn cũng như số lượng học sinh đậu vào trường và ngợi ca không ngớt những thủ khoa chiếm giữ điểm số cao nhất. Và quả thực là chúng ta đã “bỏ quên” những em học sinh yếu kém cũng như “ngó lơ” các trường top dưới?
Mức điểm xét tuyển vào các trường THPT công lập ở TPHCM chỉ vừa hơn… điểm liệt như thế phản ánh chất lượng học sinh quá yếu kém. Đầu vào ồ ạt những học sinh “rỗng tuếch” về kiến thức thì bảo sao trường mãi không đì đẹt về chất lượng.
Trường THPT chẳng thể có phép thần thông biến hóa để thay đổi chất lượng văn hóa của học sinh nếu trường THCS “giao khoán” cho một khối lượng học sinh yếu kém như thế. Trường THCS cũng chẳng thể nâng cao chất lượng nếu Tiểu học vừa học vừa chơi quá nhiều như hiện nay. Mỗi cấp học đều quan trọng như nhau và việc học phải tuần tự xây cái “gốc” từng bước một.
Bên cạnh đó, mùa thi THPT quốc gia năm nay tiếp tục áp dụng hình thức thi “2 trong 1” và nhiều vấn đề tiếp tục nảy sinh cần phải cân nhắc thật kĩ. Điểm xét tốt nghiệp được tính bằng điểm bài thi 4 môn cộng với điểm trung bình lớp 12 chia đôi rồi cộng điểm ưu tiên (nếu có). Cách tính điểm ấy quá “lợi” cho thí sinh khi không cần phải đạt mỗi môn 5 điểm mới tốt nghiệp. Hơn nữa, hệ lụy từ việc “nâng giá” kết quả năm lớp 12 đã vô hình chung làm chất lượng lớp 12 cao một cách đột biến, bất thường. Và tỉ lệ tốt nghiệp THPT luôn cao không có gì đáng ngạc nhiên.
Năm nay mọi người được dịp ngạc nhiên khi có một thí sinh đạt điểm 10 môn Lý nhưng Toán 0 điểm. Lúc đầu quả là làm dư luận tò mò nhưng ngay sau đó người ta lập tức hiểu ra vấn đề. Toán 0 điểm vì nộp giấy trắng. Lý 10 điểm vì “khoanh bừa” và “ngó bạn”. Hai “phương pháp” làm bài của em N.S.H. (Nghệ An) đã đặt ra hai vấn đề quan trọng về nhược điểm của bài thi trắc nghiệm và tính nghiêm túc trong công tác coi thi.
Thi trắc nghiệm với nhiều ưu điểm như kiểm tra tổng hợp được kiến thức, chống học vẹt, học tủ, làm bài nhanh, chấm điểm dễ và công bằng đã được tận dụng triệt để. Tuy nhiên, mặt trái của nó chính là dễ dàng đánh lừa người khác về năng lực thật sự của người học. Không biết, không hiểu vẫn có thể làm bài. Cách đoán mò may rủi này được khá nhiều học sinh tận dụng để làm bài dù chẳng có chút kiến thức nào. Trường hợp học kém như em H. mà “khoanh bừa” đúng hết như vậy là trường hợp hiếm. Vậy thì, trong số các sĩ tử tham gia thi năm nay, bao nhiêu em đã “cầu viện” sự trợ giúp của may rủi như thế?
Công tác coi thi đối với giám thị ở cụm thi ấy có phần nào “lỏng lẻo” không để một thí sinh có thể dễ dàng quay cóp bài bạn và đạt điểm tuyệt đối như thế? Công an đang vào cuộc điều tra nhưng lâu nay mọi người vẫn ngầm hiểu một vấn đề: Tâm lí giám thị coi thi cụm đại học bao giờ cũng khắt khe hơn nhiều so với cụm thi tốt nghiệp. Quan niệm “nhẹ tay” với thí sinh thi tốt nghiệp không phải không có để rồi khá nhiều em “đỗ” kì thi ấy trong bất ngờ, thậm chí “đỗ” cao là đằng khác.
Một kì thi THPT quốc gia “2 trong 1” đã góp phần giảm áp lực cho toàn ngành giáo dục cũng như phụ huynh và học sinh. Nhưng kì thi ấy cũng cần phải thay đổi một vài điều cho phù hợp với thực trạng giáo dục Việt Nam. Quan trọng nhất vẫn là phải tổ chức thật nghiêm túc để học sinh nhận thức được tầm quan trọng của kì thi và của việc học.
Thùy Mai
Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!