Nghệ An:
Những bữa cơm cay xè vị ớt và gừng của học trò vùng cao
(Dân trí) - Bữa ăn chỉ độc nồi cơm với bát muối ớt hay đĩa gừng xào. Chẳng cần phải mâm bát gì, cứ mỗi em cầm một cái thìa, ngồi quanh chiếc nồi méo mó xúc cơm chấm bát muối trắng giã với ớt ăn ngon lành.
Trước khi lên với các em học sinh xã biên giới Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An), anh Hoàng Quốc Kỳ - trưởng nhóm Tấm lòng xứ Nghệ đã nói với tôi về những bữa cơm gừng của học sinh người Mông, người Khơ - mú nơi đây. Tôi nghĩ anh Kỳ chỉ “nắn gân” mình thôi bởi 100% học sinh nơi đây đều được hưởng chế độ ăn bán trú theo quy định của Nhà nước. Thế nhưng những bữa ăn với ớt và gừng cay xè vẫn thường đều đặn đến với các em một ngày trong tuần.
Ngoài những bữa ăn bán trú theo quy định của Nhà nước, vào ngày chủ nhật các em phải tự nấu ăn với thức ăn chủ lực là rau rừng.
Thầy Nguyễn Thế Hiền - Hiệu trưởng Trường THCS Na Ngoi chia sẻ: “Theo chế độ ăn dành cho học sinh bán trú ở đây thì mỗi ngày các em được cấp 17.000 đồng tiền ăn. Bữa sáng ăn mì tôm cũng mất 3.000 rồi, 14.000 đồng còn lại chia đều cho 2 bữa trưa và tối, bao gồm cả tiền gạo, thức ăn, canh rau, gia vị và chất đốt. Với 7.000 đồng/bữa, nhà trường chỉ có thể lo cho các em ăn no thôi chứ ăn ngon hay ăn đủ chất thì khó lắm. Chế độ ăn bán trú chỉ thực hiện vào những ngày học trong tuần, còn cuối tuần các em phải tự túc. Có gì thì ăn nấy”.
Chúng tôi lên đúng vào ngày chủ nhật. Đó là ngày các em không được ăn bán trú mà phải tự túc bữa cơm của mình. Đa số các em nhà ở xa, thường mỗi tháng chỉ về nhà lấy gạo, thức ăn một lần hoặc thay phiên nhau về lấy. Với con đường đất lầy lội bùn, vệt bánh xe tải chở gỗ từ Lào về in thành rãnh, thành hố như vậy thì con đường về nhà lấy gạo, thức ăn của các em cũng hết sức gian nan. Nói là lấy thức ăn cho oai chứ thực ra cũng không có gì, thỉnh thoảng bố săn được con sóc, con dúi, các em có một ít thịt mang đi. Còn hầu như thức ăn chính vẫn là rau.
Cứ 6 học sinh ở chung một lán. Ở chung nhưng ăn riêng, mỗi đứa một nồi, tự nấu nướng lấy hoặc góp gạo ăn chung với nhau. Xồng Bá Pó là người Mông, hiện đang học lớp 8C. Nhà Pó ở bản Thẳn Hón, đi bộ mất 3 tiếng đồng hồ. Anh trai Pó đang học lớp 9, em gái đang học lớp 6 cùng trường còn một em nữa đang học lớp 5 ở điểm bản gần nhà. Các ngày trong tuần cả 3 ăn em ăn trên trường. Chủ nhật, anh em Pó tự nấu ăn. “Mẹ chỉ cho gạo thôi, còn rau thì tự kiếm lấy. Hôm nào vào rừng hái được rau thì ăn rau, không thì ăn cơm với gừng”, Pó nói.
Gừng là thứ rất sẵn ở xã vùng biên này, cứ trồng xuống đất, tự nó phát triển. “Có dầu mỡ thì cắt gừng thành từng lát rồi xào, không có dầu mỡ cũng xào (cho vào nồi, đảo cùng với muối - PV) làm thức ăn. Gừng sống thì cay, còn xào rồi, có cả muối nữa cũng thơm, ăn với cơm tốt mà, còn hơn là ăn cơm không”, Pó chia sẻ “bí quyết” chế biến gừng thành thức ăn.
Cậu học trò người Khơ - mú Xeo Năm Nghi là học sinh lớp 6B. Nhà Nghi ở bản Huồi Thum, xa lắm. Lán của Nghi có 6 người ở, cả nam lẫn nữ, đều là người trong bản, anh em họ hàng với nhau, lớn nhất học lớp 9, bé nhất học lớp 6. Tôi tình cờ bước vào lán của Nghi khi cả 6 đang chuẩn bị ăn cơm. Thấy người lạ, tất cả ngừng ăn, nép vào lưng nhau cười khúc khích. 3 nồi cơm để chỏng chơ giữa nền nhà.
3 nồi cơm trắng, mỗi nồi ít nhất cũng phải đến 2 bơ gạo. “Các em ăn cơm với gì đấy?” – tôi hỏi. Cậu bé Moong Văn Điểu (lớp 9) chỉ vào cái bát con bên cạnh nồi thay cho câu trả lời. Bên cạnh mỗi chiếc nồi là một cái bát muối trắng giã với ớt xanh cay xè. Chẳng cần mâm bát gì, cả 6 đứa ngồi quanh 3 cái nồi cơm, chấm thìa vào bát ớt rồi xúc cơm trong nồi ăn ngon lành.
Nhìn cái cách mà Điểu, Nghi và các bạn nhỏ khác ăn cơm, tôi cứ nghĩ có lẽ bữa cơm muối ớt đó là bữa cơm rất ngon. Ngon bởi nó không còn cái vị mặn chát của muối, cũng không còn vị xay xè đến rơi nước mắt của những trái ớt rừng mà chỉ có tấm lòng hiếu học của các em học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới xa xăm của xứ Nghệ này.
Ở xã biên giới này, gừng không chỉ là một thứ gia vị mà còn là thức ăn của các em học sinh. (Ảnh: Hoàng Kỳ).
Tôi nhớ ánh mắt của thầy Hiền khi nói về bữa cơm giá 7.000 đồng ở đây. Với số tiền ít ỏi ấy, để các em được tiếp tục đi học, nhà trường đã phải “co kéo” thêm các nguồn khác để tổ chức bếp ăn bán trú.
Sau những bữa cơm mới chỉ dừng lại ở “no cái bụng”, các em vẫn bám trụ với trường, với lớp bằng những bữa cơm cay xè vị ớt, vị gừng như cậu bé Xeo Năm Nghi bộc bạch: “Phải đi học thôi, có cái chữ thì về trồng cái rẫy, nuôi con gà, con lợn cũng tốt hơn không học”. Ước mơ của học trò miền núi chẳng có gì cao xa mà thiết thực và gần gũi đến chạnh lòng.
Hoàng Lam