Nhóm học sinh Hà Nội chế tạo mô hình tai người phục vụ môn Sinh học

(Dân trí) - "Mô hình cấu tạo và hoạt động của tai người" do nhóm học sinh trường THCS Trưng Vương chế tạo là sản phẩm duy nhất đoạt giải Đặc biệt cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng Hà Nội năm 2017.

Nhóm tác giả chế tạo mô hình tai người nhận giải Đặc biệt Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng Hà Nội lần thứ 13.
Nhóm tác giả chế tạo mô hình tai người nhận giải Đặc biệt Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng Hà Nội lần thứ 13.

Sáng 29/6, Sở Khoa học & Công nghệ Hà Nội tổ chức trao giải cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng Hà Nội lần thứ 13 năm học 2016 - 2017. Sản phẩm mô phỏng tai người là một trong những công trình dự thi gây ấn tượng mạnh với khán giả và ban giám khảo.

Cận cảnh mô hình cấu tạo và hoạt động của tai người.
Cận cảnh mô hình cấu tạo và hoạt động của tai người.

Với mong muốn giúp các bạn học sinh có cơ hội được quan sát để hiểu sâu, hiểu kỹ hơn những kiến thức có liên quan đến cấu tạo, chức năng của các bộ phận trong tai và quá trình hoạt động thu nhận sóng âm của tai, được sự giúp đỡ của cô giáo Nguyễn Thị Trang, nhóm học sinh trường THCS Trưng Vương (Hà Nội) đã mạnh dạn lên ý tưởng xây dựng “Mô hình cấu tạo và hoạt động của tai người”.

Các cô giáo trường THCS Trưng Vương (Hà Nội) chung vui cùng nhóm học sinh đoạt giải đặc biệt.
Các cô giáo trường THCS Trưng Vương (Hà Nội) chung vui cùng nhóm học sinh đoạt giải đặc biệt.

Sau hơn 5 tháng nghiên cứu, tìm tòi, thực hành, nhóm tác giả Nguyễn Hiền Phương, Nguyễn Đức Huy, Phùng Nguyễn Gia Hưng, Vũ Hải Linh và Ngô Việt Tùng đã hoàn thành công trình dự thi ấp ủ. Sản phẩm đáp ứng các yêu cầu về tính khoa học, tính thẩm mỹ, tính sáng tạo và tính ứng dụng các em đã được Trường THCS Trưng Vương sử dụng thử trong các tiết học thực hành môn Sinh học lớp 8.

Ý tưởng chế tạo sản phẩm đến trong quá trình học tập môn Sinh học. Đại diện nhóm cho biết, qua các khối lớp 6, 7 và 8, các em nhận thấy trong phòng thực hành Sinh học có một số đồ dùng dạy học nói chung và mô hình nói riêng. Tuy nhiên, các mô hình có sẵn có một số nhược điểm như kích thước nhỏ, cũ nát, hư hỏng, mất mát bộ phận, chi tiết; màu sắc chưa được bắt mắt, chưa tạo được hứng thú, thu hút cho học sinh; các mô hình chủ yếu ở dạng tĩnh nên chỉ có thể quan sát được cấu tạo mà không quan sát được quá trình hoạt động…

Trên cơ sở đó, nhóm mong muốn làm ra được một sản phẩm mới, có thể khắc phục được phần nào những hạn chế của các sản phẩm đã có từ trước đồng thời cũng để chúng em có thể ứng dụng kiến thức đã học vào thực tế.

Bắt tay vào hiện thực ý tưởng, 5 học sinh đã tận dụng các vật liệu cũ, giá thành rẻ như: động cơ của đồ chơi cũ, sạc điện thoại di động. Các nguyên liệu đều dễ kiếm như: gỗ, xốp bạc, vải màn, mùn cưa, đinh vít,… có độ bền cao, nguyên liệu thân thiện môi trường, không độc hại, đặc biệt dễ làm.

Khối xốp thô đang được tạo hình.
Khối xốp thô đang được tạo hình.


Khung mô hình tai người đang được tô màu.

Khung mô hình tai người đang được tô màu.

Mô hình hoạt động giống như một robot đơn giản, người dùng có thẻ sử dụng điều khiển từ xa để sử dụng mô hình mà không cần chạm đến mô hình, cụ thể: người dùng có thể cho vận tốc truyền âm (biểu thị bằng sóng ánh sáng của đèn led) chạy nhanh hay chậm tùy ý bằng cách sử dụng các nút bấm trên điều khiển từ xa, người dùng cũng có thể bật phần loa có chứa sẵn đoạn ghi âm thuyết minh về quá trình truyền âm và thu nhận âm thanh của tai bằng điều khiển từ xa kết hợp với việc điều khiển vận tốc sóng âm ở trên, có thể sử dụng micro gắn loa được trang bị sẵn để thuyết minh thêm nếu muốn.

Các thành viên trong nhóm thu âm thuyết minh.
Các thành viên trong nhóm thu âm thuyết minh.

Sau khi đã sửa chữa, chạy thử, thuyết minh và sử dụng thử vài lần, nhận thấy mô hình đã hoạt động ổn định, nhóm tiến hành đóng gói mô hình vào hộp với mặt kính trong sử dụng nguyên liệu là polycacbon chịu lực, chống vỡ, trong suốt, đảm bảo vừa bảo vệ mô hình vừa không gây cản trở quá trình quan sát.

Sản phẩm của nhóm học sinh trường THCS Trưng Vương được sử dụng thử trong một số tiết học của môn Sinh học ở trường rất thành công và xuất sắc giành giải Đặc biệt của cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên và nhi đồng Hà Nội năm 2016-2017. Giải thưởng đạt được đem lại niềm vui cho cả cô trò và ông bà, bố mẹ. Nhóm mong muốn sản phẩm sẽ được sử dụng thực tế trong các giờ học tại nhiều trường học hơn nữa.

Các tác giả và công trình dự thi của nhóm.
Các tác giả và công trình dự thi của nhóm.

Hưởng ứng “Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên và nhi đồng toàn quốc” lần thứ 13 năm 2016 - 2017 do Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Bộ Giáo dục & Đào tạo, Bộ Khoa học & Công nghệ, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh và Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp tổ chức; Sở Khoa học & Công nghệ Hà Nội đã phát động Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên và nhi đồng Thành phố Hà Nội lần thứ 13 năm 2016 – 2017. Đối tượng dự thi là tất cả các em thanh, thiếu niên, nhi đồng Thành phố từ 6 đến 19 tuổi.

Cuộc thi nhằm khơi dậy tiềm năng và phát huy khả năng tư duy, sáng tạo của thanh thiếu niên, nhi đồng Thủ đô, qua đó giúp các em trau dồi kiến thức, rèn luyện kỹ năng sáng tạo, xây dựng ước mơ nghiên cứu khoa học trong tương lai; chọn lọc những nhân tố điển hình, mô hình sáng tạo tiêu biểu cấp thành phố giới thiệu tham gia “Cuộc thi sáng tạo dành cho thanh thiếu niên và nhi đồng toàn quốc” năm 2016-2017.

Lệ Thu

Dòng sự kiện: Gương sáng giáo dục