Người tài "chùn chân" vào ngành giáo dục vì lương thấp

(Dân trí) - Mức lương cơ sở hiện nay là khá thấp, không khuyến khích và thu hút được người có tài vào làm việc tại các cơ sở giáo dục. Hệ thống thang, bảng lương hiện hành không phù hợp với Luật Giáo dục đại học và một số văn bản hướng dẫn thi hành luật Giáo dục đại học.


Các cơ sở giáo dục không thể xếp lương cho một cá nhân có trình độ tiến sĩ quá hệ số 3,00

Các cơ sở giáo dục không thể xếp lương cho một cá nhân có trình độ tiến sĩ quá hệ số 3,00

Đó là khẳng định của Bộ GD&ĐT khi nhận định về thực trạng chính sách tiền lương hiện hành đối với nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục hiện nay.

Mức lương cơ sở và tiền lương theo hạng bậc đối với các chức danh công chức, viên chức hiện đang thực hiện theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Nghị định số 47/2017//NĐ-CP ngày ngày 24/4/2017 của Chính phủ về quy định mức lương cơ sở đối với cản bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang.

Biểu đồ lương cơ sở qua các năm (từ 2010 - 2017)

Thời gian

Từ 1/5/2010 -30/4/2011

Từ 1/5/2011 -30/4/2012

Từ 1/5/2012 -30/6/2013

Từ 1/7/2013 -30/4/2016

Từ 1/5/2016 -30/6/2017

Từ 1/7/2017

Lương cơ sở (đồng)

730.000

830.000

1.050.000

1.150.000

1.210.000

1.300.000

Cơ sở pháp lý

NĐ số

28/2010/NĐ- CP

NĐ số

22/2011/NĐ- CP

NĐsố

31/2012/NĐ-

CP

NĐ số

66/2013/NĐ- CP

NĐ số

47/2016/NĐ- CP

NĐ số

47/2017/NĐ- CP

Bộ GD&ĐT cho rằng, ưu điểm của việc áp dụng mức lương cơ sở theo quy định của Nhà nước rất dễ thực hiện, không gây phiền hà, thắc mắc trong viên chức, người lao động; cách xếp lương, tính tiền lương và xét tăng lương theo hạng, bậc rõ ràng, dễ thực hiện, dễ kiểm tra và quản lý. Mức lương cơ sở được điều chỉnh tăng dần theo từng thời điểm (730.000 từ 1/5/2010 đến 1.300.000 từ 1/7/2017) giúp nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cải thiện đời sống.

Tuy nhiên, mức lương cơ sở hiện nay là khá thấp, không khuyến khích và thu hút được người có tài vào làm việc tại các cơ sở giáo dục. Hệ thống thang, bảng lương hiện hành không phù hợp với Luật Giáo dục đại học và một số văn bản hướng dẫn thi hành luật Giáo dục đại học.

Việc áp dụng hệ thống thang bảng lương giống nhau cho những công việc khác nhau không còn phù họp với quy định vị trí việc làm hiện nay.

Bởi lẽ ở mỗi vị trí khác nhau cần có sự đòi hỏi khác nhau về trình độ, kỹ năng, việc xếp chung một hạng viên chức (như hiện hành) thì sẽ khó thu hút những người có tài năng, tâm huyết vào những vị trí việc làm quan trọng.

Chẳng hạn, giảng viên có trình độ tiến sĩ cần được đánh giá cao hơn giảng viên có trình độ thạc sĩ hay đại học. Hiện tại, nhà giáo có trình độ khác nhau nhưng xếp lương cùng bảng do hạng chức danh như nhau, mặc dù công việc có thể được phân công khác nhau (đối với các cơ sở giáo dục đại học, người có trình độ thạc sĩ chỉ có thể dạy đại học, người có trình độ tiến sĩ dạy cả đại học, cao học, viết giáo trình...).

Ngoài ra, theo quy định tại Nghị định số 141/2013/NĐ-CP ngày 24/10/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học thì thang, bậc lương của giảng viên có chức danh phó giáo sư được xếp tương ứng ngạch chuyên viên cao cấp, giảng viên có chức danh giáo sư được xếp tương đương chuyên gia cao cấp.

Điều này có thể chưa phù hợp về mặt nào đó (như chức danh chuyên gia cao cấp rất khác với chức danh giáo sư). Tuy nhiên, việc giáo sư được đánh giá cao hơn và xếp lương ở hạng cao hơn là hoàn toàn phù hợp với thực tế.

Hiện nay việc xếp lương của phó giáo sư vào ngạch giảng viên cao cấp cùng hạng chức danh và cùng ngạch lương với giáo sư là chưa phù hợp bởi quy trình bổ nhiệm 2 chức danh này khác nhau, đòi hỏi về trình độ chuyên môn cũng khác nhau.

Không thể xếp lương cho tiến sĩ quá hệ số 3,00

Việc nâng hạng, nâng bậc lương cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 08/2013/TT-BNV ngày 31/7/2013 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ nâng bậc lương thường xuyên và nâng bậc lương trước hạn đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động.

Bộ GD&ĐT cho biết, việc áp dụng nâng lương theo quy định hiện hành xảy ra hiện tượng cào bằng, đến hẹn lại lên, không khuyến khích người tích cực và khó chế tài người không có sự cố sắng trong công việc. Các cơ sở giáo dục không thể thực hiện chế độ khuyến khích, thu hút người có tài, có trình độ cao đến làm việc ở các cơ sở giáo dục.

Nguyên nhân của vấn đề này, theo Bộ GD&ĐT do việc nâng bậc lương chủ yếu dựa vào thâm niên công tác, chưa chú trọng kết quả công việc. Điều đó dẫn đến việc một người không có sự tiến bộ trong công việc vần được nâng lương đúng hạn.

Trong khi đó, một người rất tích cực thì nếu có chăng cũng chỉ được nâng lương trước hạn 1 đến 2 lần trong một hạng chức danh và không nâng liên tục 2 lần. Hơn thế nữa, các cơ sở giáo dục không thể xếp lương cho một cá nhân có trình độ tiến sĩ quá hệ số 3,00 (tương đương với khoảng 4 triệu đồng/tháng) khi tuyển dụng.

Đây là điều mà các trường công lập khó có thể cạnh tranh với các trường tư thục trong việc thu hút giảng viên có trình độ tiến sĩ hoặc các giáo viên có năng lực tốt.

Bộ GD&ĐT cho rằng, với chính sách lương như hiện hành khó thu hút được người tài vào làm việc trong các cơ sở giáo dục, phòng giáo dục và đào tạo, sở giáo dục và đào tạo hoặc có người tài nhưng họ chưa toàn tâm, toàn ý tập trung vào thực thi nhiệm vụ công vụ, dẫn đến tình trạng chất lượng công việc có phần bị hạn chế; chưa góp phần thu hút, giữ chân người tài vào ngành sư phạm.

Thực tế có rất nhiều người tâm huyết với nghề dạy học, thậm chí mong muốn đóng góp công việc chung của đất nước, tuy nhiên, với mức lương như hiện nay khiển họ chưa yên tâm công hiến cho ngành.

Mức lương thấp dẫn đến chưa duy trì nghiêm được tính kỷ luật, thứ bậc và không tạo được tính cạnh tranh trong đội ngũ cán bộ, công chức, nhà giáo.

Các chế độ chính sách về lương cũng như các khoản thu nhập khác có tác động rất lớn đến cơ cấu, chất lượng chuyên môn; nếu mức thu nhập đảm bảo đời sống thì sẽ yên tâm công tác, đi sâu vào phát triến chuyên môn, và ngược lại sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu và chất lượng giáo dục.

Lương cán bộ quản lý giáo dục ở mức thấp nhất

Chính sách tiền lương đối với công chức thuộc Bộ/Sở/Phòng được áp dụng như bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức trong các cơ quan hành chính Nhà nước theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ, bao gồm hệ số lương theo ngạch/bậc và 25% phụ cấp công vụ, cụ thể: Hệ số lương của nhân viên được áp dụng hệ số lương của công chức loại B (từ hệ số lương 1,86 đến hệ số lương 4,06); Hệ số lương của cán sự được áp dụng hệ số lương của công chức loại AO (từ hệ số lương 2,10 đến hệ số lương 4,89);

Hệ số lương của chuyên viên được áp dụng hệ số lương của công chức loại AI (từ hệ số lương 2,34 đến hệ số lương 4,98); Hệ số lương của chuyên viên chính được áp dụng hệ số lương của công chức loại A2, nhóm A2.1 (từ hệ số lương 4,40 đến hệ số lương 6,78); Hệ số lương của chuyên viên cao cấp được áp dụng hệ số lương của công chức loại A3, nhóm A3.1 (từ hệ số lương 6,20 đến hệ số lương 8,00).

So với những người là công chức ở các cơ sở giáo dục công lập có cùng số năm công tác thì thu nhập qua lương của công chức đang công tác tại Bộ/Sở/Phòng ở mức thấp nhất.

Mặc dù, mức lương này tăng dần ở các ngạch khác nhau, nhưng đổi với khối các phòng giáo dục và đào tạo không có ngạch chuyên viên cao cấp, đối với khối sở giáo dục và đào tạo thì có chuyên viên cao cấp nhưng rất ít và chỉ tập trung một vài người là lãnh đạo sở giáo dục và đào tạo.

Bộ GD&ĐT đề nghị Chính phủ sửa đổi bổ sung Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 04/7/2011 của Chính phủ quy định về đổi tượng được hưởng chế độ thâm niên đối với nhà giáo, cán bộ quản lý cụ thể: Bổ sung đối tượng cán bộ, công chức công tác tại cơ quan quản lý giáo dục (Sở Giáo dục và Đào tạo, Phòng Giáo dục và Đào tạo) được hưởng chế độ thâm niên nghề.

Đối tượng này tuy không trực tiếp giảng dạy, nhưng đều là nhà giáo có uy tín, có chuyên môn giỏi và công tác tại sở giáo dục và đào tạo, phòng giáo dục và đào tạo hiện nay vẫn tham gia ôn luyện học sinh giỏi, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho giáo viên toàn ngành, thực hiện công tác quản lý và chỉ đạo về giáo dục.

Sửa đổi bổ sung khoản 1, Điều 22 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về việc xếp lương cho người tập sự, cụ thể đối với từng hạng chức danh nghề nghiệp có gắn với trình độ đào tạo phù họp với tính chất, yêu câu của mỗi nghề nghiệp.

Bộ GD&ĐT đề nghị Bộ Nội vụ phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan khẩn trương tham mưu, đề xuất báo cáo Chính phủ Quy định về chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang nói chung và nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nói riêng đang công tác tại các vùng có đều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để các địa phương thuận lợi trong công tác chi trả chế độ, chính sách, tránh sự chồng chéo (Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20/6/2006, Nghị định số 19/2013/NĐ-CP ngày 23/02/2013, Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ).

Hồng Hạnh