Nghề giáo rất dễ bị “soi”
(Dân trí) - Theo quy định của Bộ GD-ĐT, giáo viên không được sử dụng điện thoại khi đang giảng dạy trên lớp. Ngoài ra, “các hành vi giáo viên không được làm” cũng có trong điều lệ cụ thể của ngành chứ không phải dựa vào quan niệm, đánh giá của mọi người.
Tình huống giáo viên trả lời “OK” khi phụ huynh nhắn tin xin cho con nghỉ học gây tranh cãi trên các diễn đàn những ngày qua không đơn thuần chỉ là chuyện giao tiếp giữa giáo viên và phụ huynh. Tình huống này còn cho thấy, giáo viên làm gì - dù không sai và không ảnh hưởng đến ai - cũng dễ dàng bị đánh giá, phán xét theo chiều hướng “có vấn đề”.
Một giáo viên trẻ ở Tân Bình (TPHCM) chia sẻ, rất nhiều thói quen không ảnh hưởng đến ai của chị rơi vào “tầm ngắm” của học trò. Học trò đến nhà cô chơi, quay về mách mẹ: “Cô con kỳ, cô cũng mặc quần soóc”. Chị có thú vui là lâu lâu đi bar giải trí cùng bạn bè, có lần “đụng mặt” phụ huynh thì vài hôm sau nghe ầm ĩ... cô giáo mà cũng đi bar như là một chuyện “tày đình”.
Là một nhà giáo với cá tính mạnh mẽ, chị không quá nặng nề quan tâm đến đánh giá của người khác. Miễn bản thân thấy hành vi đó không sai, không vi phạm pháp luật, đạo đức và không gây ảnh hưởng đến ai. Tuy nhiên, không phải đồng nghiệp nào cũng dám sống theo cá tính như chị, có nhiều giáo viên mới ra trường than, nhiều khi đói mà không dám ăn hàng khi có mặt học sinh sợ các em đánh giá này nọ.
Chị Nguyễn Thị Minh Thư, giáo viên ở Nghệ An kể, chị cũng nhiều lần muốn nổi xung vì áp lực “giáo viên gì mà...”. Đi mua hàng thì họ kêu “Giáo viên gì mà trả giá”. Rồi chuyện gia đình, vợ chồng chị tách ra ở riêng cũng ầm ĩ “Cô giáo không sống chung nổi với bố mẹ chồng thì dạy dỗ được ai”.
Chị Thư thừa nhận, đánh giá của mọi người về “chuẩn” giáo viên tác động rất lớn đến thầy cô. Có khi họ không được sống là chính mình, không dám thể hiện tính cách, con người thật của mình.
Cô đồng nghiệp của chị Thư, thường xuyên bị ông chồng suốt ngày say xỉn, cờ bạc đánh đập. Tình yêu không còn, tình nghĩa cũng hết, sống không bằng chết nhưng mãi không dám bỏ chồng chỉ vì cái “mác” giáo viên. Chính bố mẹ cô cũng gây áp lực giáo viên gì mà bỏ chồng, bỏ chồng rồi lên lớp dạy học sinh cười cho...
Lâu nay, quan niệm của chúng ta vẫn “trói” giáo viên trong những chuẩn tự mình đặt ra phải đạo mạo, nghiêm chỉnh, tẩn mẩm từng ly từng tí trong lời ăn tiếng nói. Những “chuẩn” chủ quan này có thể ảnh hưởng đến tự do, quyền cá nhân cũng như ngăn cản cá tính, sáng tạo của người thầy.
Trên thực tế, “các hành vi giáo viên không được làm” có trong quy định cụ thể của ngành chứ không “phụ thuộc” vào cảm quan, đánh giá của mọi người. Hơn nữa, những “chuẩn” của ngành phần lớn cũng nằm trong khuôn khổ trường học, khi giáo viên trong vai trò làm thầy, trong mối quan hệ với những người liên quan trực tiếp như học sinh, đồng nghiệp.
Bước ra khỏi không gian trường lớp, hãy để họ được sống, được thoải mái như bao người. Tất nhiên, như vậy không có nghĩa thích làm gì thì làm mà giáo viên cũng như mọi người, ai cũng cần phải hoàn thiện bản thân trong khuôn khổ quy định của pháp luật, chuẩn mực về văn hóa, đạo đức.
Điều lệ trường học quy định rõ quyền, hành vi không được làm của giáo viên. Tuy nhiên, nói như một lãnh đạo bậc tiểu học ở TPHCM, rất nhiều vấn đề trong các mối quan hệ ở trường học ảnh hưởng đến giáo viên nhưng họ không dám lên tiếng, không dám đấu tranh vì... bản thân họ cũng không nắm rõ quyền của mình.
Chưa kể, chuẩn từ đánh giá của mọi người, khi mà người người nhà nhà đều như là nhà giáo dục nhiều khi còn gây ra nhiều áp lực hơn với người thầy. Mà không phải giáo viên nào cũng đủ cá tính, bản lĩnh để sống là chính mình.
Điều 35: Quyền của giáo viên
1. Được nhà trường tạo điều kiện để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy và giáo dục học sinh.
2. Được đào tạo nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; được hưởng nguyên lương, phụ cấp và các chế độ khác theo quy định khi được cử đi học.
3. Được hưởng tiền lương, phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ. Được hưởng mọi quyền lợi về vật chất, tinh thần và được chăm sóc, bảo vệ sức khỏe theo chế độ, chính sách quy định đối với nhà giáo.
4. Được bảo vệ nhân phẩm, danh dự.
5. Được thực hiện các quyền khác theo quy định của pháp luật.
Điều 38. Các hành vi giáo viên không được làm
Giáo viên không được có các hành vi sau đây:
1. Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của học sinh và đồng nghiệp.
2. Gian lận trong kiểm tra, thi cử, tuyển sinh; gian lận trong đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của học sinh.
3. Xuyên tạc nội dung giáo dục; dạy sai nội dung kiến thức, không đúng với quan điểm, đường lối giáo dục của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
4. Ép buộc học sinh học thêm để thu tiền.
5. Hút thuốc lá, uống rượu, bia và sử dụng các chất kích thích khác khi đang tham gia các hoạt động giáo dục; sử dụng điện thoại di động khi đang dạy học trên lớp.
6. Bỏ giờ, bỏ buổi dạy, tùy tiện cắt xén chương trình giáo dục.
(Trích Thông tư Ban hành điều lệ Trường Tiểu học số 41/2010 của Bộ GD-ĐT)
Hoài Nam