Quảng Trị:
Mô hình “gốc chuối”, “gốc tiêu khuyến học” nâng bước học sinh nghèo miền núi
(Dân trí) - Xây dựng phong trào khuyến học, khuyến tài từ những điều thiết thực, nhưng vừa hay, ý nghĩa, các mô hình “gốc chuối khuyến học”, “gốc tiêu khuyến học” do Hội Khuyến học huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị phát động đã khuyến khích được nhiều người dân tham gia.
Thời gian qua, nhiều mô hình khuyến học hay được phát động: quyên góp quỹ khuyến học, nuôi heo đất khuyến học, nuôi gia súc làm khuyến học… đã tạo được sự lan tỏa trong cộng đồng, giúp nhiều em học sinh nghèo có cơ hội được đến trường. Việc xây dựng các mô hình “gốc chuối khuyến học”, “gốc tiêu khuyến học” là cách làm mới, vừa đơn giản, thiết thực đối với người dân. Đặc biệt, đối với người dân vùng miền núi tại huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), các mô hình khuyến học trên đã nhận được sự hưởng ứng của hội viên.
Với phương châm xây dựng phong trào khuyến học, khuyến tài vững mạnh, không để em học sinh nào phải nghỉ học do hoàn cảnh khó khăn, Hội Khuyến học huyện Hướng Hóa đã phát động xây dựng các mô hình nói trên.
Xã Tân Lập được xem là địa phương tiên phong thực hiện các mô hình này. Dù đời sống của người dân nơi đây còn gặp không ít khó khăn, kinh tế chủ yếu dựa vào nương rẫy, làm nông. Song, trong suy nghĩ, nhận thức của người dân nơi đây đã biết quan tâm đến việc học tập của con em.
Ông Lê Văn Tú - Chủ tịch Hội Khuyến học xã Tân Lập cho biết: Bản Cồn và bản Bù là 2 “điểm sáng” trong xây dựng phong trào khuyến học, khuyến tài. Trước đây, khi chưa phát động xây dựng các mô hình khuyến học thì thực trạng học sinh bỏ học giữa chừng khá nhiều, nhưng từ lúc đăng ký các mô hình học tập đến nay tỷ lệ học sinh bỏ học đã giảm đáng kể.
Theo đó, sự ra đời của Hội đồng Giáo dục xã, Hội Khuyến học xã Tân Lập đã tác động rất lớn đến việc hạn chế học sinh bỏ học. Mỗi khi có học sinh bỏ học hay có ý định bỏ học, nhà trường sẽ báo cáo nhanh cho Hội đồng giáo dục xã để kịp thời vào cuộc vận động, tuyên truyền, hỗ trợ học sinh quay lại trường.
Chủ tịch Hội Khuyến học xã Tân Lập, chia sẻ: “Từ lúc phát động xây dựng các mô hình khuyến học, phong trào học tập suốt đời ở bản Cồn và bản Bù đã mang lại hiệu quả rõ nét. Ở 2 bản vùng cao này không có tình trạng học sinh bỏ học, người dân vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, nhận thức về việc học của người dân, đặc biệt là bà con dân tộc Vân Kiều, Pa Kô ở đây cũng tăng lên”.
Để có nguồn quỹ chăm lo cho việc học tập của con em, nhiều gia đình ở bản Cồn, bản Bù đã xây dựng mô hình “gốc chuối khuyến học”, “gốc tiêu khuyến học”. Theo đó, mỗi gia đình hội viên đều trồng mỗi bụi, khóm chuối, tiêu và chăm sóc kỹ lưỡng đến khi thu hoạch. Số tiền thu được từ bán chuối quả, tiêu hạt sẽ dùng làm tiền quỹ phục vụ cho công tác khuyến học tại chi hội, gia đình.
Ở bản Cồn có rất nhiều gia đình có từ 5-7 người con nhưng chưa bao giờ phụ huynh cho các con nghỉ học giữa chừng. Nhiều gia đình đã vượt khó để nuôi các con ăn học. Gia đình anh Hồ Trần Phú Khe được đánh giá là hội viên khuyến học tiêu biểu của xã. Tuy đông con nhưng vẫn cho các con đi học đến nơi đến chốn.
Anh Hồ Văn Chơng (40 tuổi, ở bản Cồn) chia sẻ: “Việc gây quỹ khuyến học bằng cách trồng cây chuối, cây tiêu rất hiệu quả. Những loại cây này rất phù hợp với khí hậu ở địa phương, vừa mang lại nguồn thu để chăm lo cho con cái học hành”.
Bà Nguyễn Thị Lộc - Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Hướng Hóa cho biết: “Thời gian qua, công tác khuyến học, khuyến tài ở địa phương đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hội Khuyến học đã triển khai đại trà các mô hình học tập (gia đình, đơn vị, cộng đồng, dòng họ khuyến học) ở các địa phương.
Với phương châm “Phát triển rộng lớn phong trào khuyến học, khuyến tài, góp phần xây dựng xã hội học tập, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội”, những mô hình này đã thật sự tạo được động lực và góp phần nhân rộng phong trào thi đua hiếu học đến từng bản làng xa xôi của huyện miền núi Hướng Hóa”.
Đ. Đức