Làm thế nào để đáp ứng nhu cầu gửi con của công nhân?

(Dân trí) - Công nhân có biết nguy cơ con họ bị bạo hành ở nơi giữ trẻ không? - Có, nhưng họ vẫn “đánh liều may rủi” gửi con ở những cơ sở mầm non tư thục nhỏ lẻ bởi lẽ các cơ sở này đáp ứng được đồng thời cả 4 nhu cầu của họ: dễ xin vào học, chi phí phù hợp, gần nhà, linh hoạt (về thời gian trông trẻ và độ tuổi nhận giữ trẻ).

Cơ sở mầm non tư thục Mầm Xanh ở quận 12 (TPHCM) nơi vừa bị phanh phui việc 1 giáo viên và 2 bảo mẫu hành hạ trẻ kinh hoàng chính là một nơi đáp ứng cả 4 nhu cầu nói trên của phụ huynh là đối tượng công nhân nhập cư hay phải làm ca kíp, thời gian eo hẹp.

Cơ sở Mầm Xanh giữ 36 trẻ, trong đó 25 trẻ từ 3-5 tuổi, 11 trẻ từ 18-36 tháng, phần lớn là con công nhân. Chia sẻ với PV báo Phụ nữ Việt Nam, anh Nguyễn Văn Tuấn, có con học ở cơ sở mẫu giáo Mầm Xanh, cho biết: “Chúng tôi đều là công nhân thu nhập thấp, nên dù biết những nhà trẻ tư thục tiềm ẩn nhiều rủi ro cũng “đánh liều” đem con đi gửi.”

Còn chị Nguyễn Thị Thanh Tuyến, quê An Giang, một công nhân may ở quận 12, cho hay: “Thực ra, chúng tôi cũng có nghe chuyện các cháu gửi ở những cơ sở mầm non ngoài công lập có thể gặp rủi ro, như chế độ ăn uống không đảm vệ sinh và dinh dưỡng, thậm chí là bị bạo hành, bởi giáo viên, bảo mẫu ở đó nhiều người không có chuyên môn.

Thế nhưng, không gửi ở đó thì biết gửi ở đâu? Chỗ chúng tôi không có nhà trẻ, mẫu giáo công lập dành cho con công nhân với giá rẻ, muốn vào trường công lập của phường phải có hộ khẩu mà chúng tôi toàn dân nhập cư.

Còn muốn gửi vô trường chất lượng khá một chút thì mỗi tháng phải đóng 4-5 triệu đồng, bằng cả tháng tiền lương của tôi. Công nhân nghèo lắm, nên việc gửi con đi học mẫu giáo là không có nhiều lựa chọn”.


Rất đông người dân khu phố tụm lại bàn tán trước sự việc bạo hành trẻ mầm non ở cơ sở Mầm Xanh (quận 12, TPHCM).

Rất đông người dân khu phố tụm lại bàn tán trước sự việc bạo hành trẻ mầm non ở cơ sở Mầm Xanh (quận 12, TPHCM).

Trên thực tế, kể cả khi yếu tố hộ khẩu không phải là một rào cản thì trường mầm non công lập cũng không phải là lựa chọn đầu tiên với công nhân vì họ cần nơi trông trẻ với thời gian linh hoạt và chi phí thấp. Do vậy, nếu thời gian tới ở TPHCM không có thêm nhiều những trường mầm non đáp ứng được các nhu cầu nói trên của công nhân thì có lẽ những đứa trẻ có bố mẹ là công nhân vẫn phải tiếp tục chịu cảnh bị bạo hành ở những cơ sở mầm non không đảm bảo. Thậm chí là xã hội cũng không bao giờ biết là các cháu bị bạo hành nếu báo chí không phanh phui.

Với đối tượng phụ huynh là công nhân, thời gian cơ sở nhận trông trẻ là một yếu tố lớn quyết định nơi họ gửi con.

Nhu cầu gửi trẻ với thời gian linh hoạt chính là lý do công nhân không “mặn mà” với đề án giữ trẻ ngoài giờ ở trường mầm non công lập. Sau một năm triển khai thí điểm tại TPHCM, đề án chỉ đạt kết quả rất thấp so với chỉ tiêu đề ra. Đề án này nhằm hỗ trợ công nhân lao động trong việc cho con đi học, nhưng khi áp dụng thí điểm tại một số trường ở các KCN - KCX thì lại không thu hút công nhân vì các trường chỉ nhận giữ trẻ ngoài giờ đến 17h30 nên không hợp lí với thời gian làm ca kíp của công nhân.

Cô và trò đọc truyện tranh trong giờ giữ ngoài giờ tại Trường Mầm non 30-4 (KCN Vĩnh Lộc, quận Bình Tân, TPHCM). (Ảnh: Báo Pháp luật TPHCM)
Cô và trò đọc truyện tranh trong giờ giữ ngoài giờ tại Trường Mầm non 30-4 (KCN Vĩnh Lộc, quận Bình Tân, TPHCM). (Ảnh: Báo Pháp luật TPHCM)

Một lý do khác khiến công nhân "quay lưng" với đề án giữ trẻ ngoài giờ ở trường mầm non công lập là chi phí gửi trẻ. Với những trẻ có đăng ký giữ ngoài giờ thì tổng tiền hàng tháng mỗi trẻ phải đóng khoảng gần 1,8 triệu đồng, trong đó có 450.000 đồng là tiền ngoài giờ.

Phân tích về việc tại sao đề án giữ trẻ ngoài giờ không "hút" công nhân, bà Nguyễn Thị Thanh Toàn - Hiệu trưởng Trường Mầm non 30-4 (quận Bình Tân) chia sẻ trên báo Giáo dục & Thời đại là: “Mức phí không hề rẻ so với thu nhập của công nhân, mặc dù đã được ngân sách hỗ trợ 50% theo chủ trương của TP. Địa bàn quanh các KCN, KCX lại rất nhiều nhà trẻ, nhóm lớp tư thục hoạt động, cũng có mức phí thu tương tự hoặc cao thấp hơn không đáng kể, lại gần nhà hay gần chỗ làm hơn. Do đó, nhiều công nhân vẫn lựa chọn gửi con các lớp ngoài để thuận tiện hơn là điều dễ hiểu”.

Các bé học tại Trường Mầm non Hoa Đào (nằm trong KCX Linh Trung 1 tại quận Thủ Đức, TPHCM). Trường khánh thành tháng 8 năm 2016, dành riêng cho con của công nhân đang làm việc tại KCX Linh Trung 1. (Ảnh: Báo Người Lao Động)
Các bé học tại Trường Mầm non Hoa Đào (nằm trong KCX Linh Trung 1 tại quận Thủ Đức, TPHCM). Trường khánh thành tháng 8 năm 2016, dành riêng cho con của công nhân đang làm việc tại KCX Linh Trung 1. (Ảnh: Báo Người Lao Động)

Số liệu thống kê cho thấy, TPHCM hiện có hơn 1 triệu công nhân lao động, đa phần là người nhập cư. Riêng các khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung đã có hơn 250.000 công nhân lao động, ít nhất cũng có 40.000-50.000 trẻ trong độ tuổi nhà trẻ, mẫu giáo.

Trong khi đó, thành phố đang triển khai 22 dự án nhà trẻ dành riêng cho con công nhân (đến năm 2020), tối đa giữ được 11.000 trẻ. Như vậy, đến 22 dự án đó dự kiến hoàn thành thì cũng chỉ đáp ứng được khoảng 1/4 nhu cầu.

Để công nhân yên tâm làm việc, không phải “nhắm mắt” gửi con ở những cơ sở mầm non tư thục đầy rủi ro, TPHCM cần bổ sung dự án đầu tư xây dựng trường mầm non nằm trong hoặc liền kề các KCN-KCX để đáp ứng đủ chỉ tiêu cho nhu cầu của công nhân. Đồng thời, vẫn cần thêm nữa sự hỗ trợ từ chính quyền và doanh nghiệp để giảm bớt chi phí gửi trẻ; thời gian trông trẻ cần linh hoạt hơn để phù hợp với việc công nhân tăng ca.

Nguyên Chi

>> Giải bài toán trường mầm non: Phải có sự chung tay của chính quyền, doanh nghiệp

>> Công nhân lương thấp biết gửi con ở đâu cho yên tâm?