Khi thi cử “trói buộc” việc áp dụng STEM trong chương trình phổ thông

(Dân trí) - Giáo dục STEM đang được nhiều trường phổ thông đưa vào chương trình giảng dạy. Tuy nhiên, phương pháp giáo dục này vẫn chưa được áp dụng nhiều ở khối trường công lập do bất cập từ thi cử và thiếu cơ sở vật chất.

STEM vẫn là khái niệm còn khá mơ hồ

Ngày 4/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16 về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó đề ra những giải pháp và nhiệm vụ thúc đẩy giáo dục STEM tại trường học.

STEM là viết tắt của Khoa học (Science), Công nghệ (Technology), Kỹ thuật (Engineering) và Toán học (Mathematics), là một mô hình giáo dục đã được triển khai tại các nước Âu, Mỹ, trong đó giảng dạy tích hợp bốn lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật, và toán học, theo nguyên tắc giảng dạy thông qua thực hành, trên những thí nghiệm thiết thực và sinh động có thể ứng dụng ngay trong thực tiễn đời sống thường ngày.

Tuy nhiên, theo nhiều cán bộ quản lý, giáo dục STEM hiện vẫn là khái niệm còn khá mơ hồ, chưa có nhiều điều kiện triển khai tại các trường học. Đặc biệt, có người nhận xét, đây là phương pháp giáo dục dành cho “nhà giàu” bởi các trường thiếu điều kiện nhân lực, thiếu cơ sở vật chất và nhất là khi hoạt động dạy học vẫn theo hướng “học để thi”, rất khó áp dụng STEM vào chính khóa.

Ông Bùi Tiến Dũng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội) cho rằng, phương pháp giáo dục STEM không mới ở nước ngoài nhưng ở Việt Nam khá mới và học sinh chỉ mới được tiếp cận khoảng 3 năm nay.

“Sau khi Bộ GD&ĐT có văn bản yêu cầu về việc tích hợp liên môn, hầu hết các trường đều có manh nha về phương pháp giáo dục này. Tuy nhiên, để có điều kiện thực hiện thường ngày hay không lại là chuyện khác, hoặc nó chỉ được đưa vào các dịp thi giáo viên giỏi, các dịp ‘”cao trào” nào đó”, ông Dũng chia sẻ.

Nguyên nhân của tình trạng này, theo ông Dũng, mặc dù cả giáo viên và học sinh đều rất muốn áp dụng phương pháp giáo dục trải nghiệm STEM nhưng do một số đặc thù, trường lớp quá tải, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được, giáo viên căng với thời gian lên lớp nên khó có thời gian hợp tác trao đổi giữa học sinh và giáo viên.

Học sinh tham gia làm thí nghiệm
Học sinh tham gia làm thí nghiệm

“Sĩ số lớp quá đông, giáo viên chỉ có thể dạy đơn môn và khó triển khai tích hợp liên môn. Theo đó, việc dạy stem cũng bị bó buộc bởi có lúc các em cần thí nghiệm thực hành, cần chuẩn về phòng học... mà điều đó, ở nhiều trường công lập đang bị hạn chế”, ông Dũng nói.

Về điều này, GS Nguyễn Lân Dũng cho rằng, thầy cô giáo đều thấy lợi ích, học sinh thấy hứng thú từ giáo dục stem. Tuy nhiên, ở nhiều trường học còn vướng về thời gian học tập không có thời gian thừa, chưa quan niệm trò chơi này có thể giáo dục lớp trẻ làm người.

Có những điều thầy cô nói mãi trên lớp các em không hiểu nhưng chỉ qua các thí dụ nho nhỏ thôi, giúp các em hình dung ra khoa học, hiểu được việc nâng cao chất lượng cuộc sống là nhờ khoa học... Do đó, hoạt động trải nghiệm này rất tốt.

Cô Đặng Thu Hương, Phó Hiệu trưởng Trường Phổ thông liên cấp Olympia (Hà Nội) nhận xét, mấy năm gần đây, giáo dục stem trở thành xu hướng giáo dục trong nước và thế giới. Mặc dù Bộ GD&ĐT cũng như các sở đã có nhiều quan tâm đầu tư nhưng có thể thấy, vì sự hạn chế phòng ốc, phương pháp dạy học để thi cử khiến thầy cô bị áp lực và khó khăn trong việc định hướng giảng dạy STEM.


Một mô hình do học sinh triển khai trong Ngày hội STEM ở Trường PT liên cấp Olympia.

Một mô hình do học sinh triển khai trong Ngày hội STEM ở Trường PT liên cấp Olympia.

Cũng theo cô Hương, bản thân thầy cô không khó khăn khi thay đổi cách thức hoặc tư tưởng nhưng cái khó ở đây là việc định hướng ngay từ ban đầu. Khối trường ngoài công lập ban đầu đã có một khoản chi phí cho hoạt động này, giáo viên thỏa sức sáng tạo, phụ huyng đồng hành và thành cố vấn, chấm điểm cho chính con mình trong hoạt động trải nghiệm thì khối trường công lập, tùy từng trường sẽ có những khó khăn khác nhau.

“Việc kiểm tra đánh giá cũng hạn chế hoạt động stem. Để hoạt động STEM hiệu quả, giáo viên thỏa sức sáng tạo, việc kiểm tra đánh giá cần phải có cơ chế riêng. Nó bắt đầu từ việc thi THPT quốc gia, thậm chí các bài kiểm tra đánh giá hàng ngày số 1, số 2 của học sinh, các hình thức kiểm tra đánh giá cần phải đa dạng hơn và thể hiện sự tiến bộ của người học”, cô Hương chia sẻ.

Không còn chờ đợi

Theo cô Đặng Thu Hương, điều rất vui là phương pháp giáo dục stem đang tốt lên ở khối trường công lập. Hiện ở Hà Nội trong vài năm trở lại đây, ngoài khối trường quốc tế hoặc ngoài công lập, đâu có có nhen nhóm các trường như THCS Giảng Võ hoặc Trường Trưng Vương... đã có hoạt động STEM.

Bản thân các trường và thầy cô cũng đã tự thay đổi mình, không chờ đợi nữa. Thậm chí các thầy cô tự học hỏi lẫn nhau, họ chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm và thông tin ở nước ngoài để đưa về nước mình.

Nào chúng mình cùng làm khoa học.
Nào chúng mình cùng làm khoa học.

Còn theo ông Bùi Tiến Dũng, giáo dục STEM là điều kiện tốt để thu hẹp khoảng cách và giúp học sinh trở thành công dân toàn cầu. Do đó nhiều đơn vị đang đầu tư hơn nữa cho hoạt động này. Chẳng hạn ở trường THPT Nguyễn Siêu, ông Dũng cho hay, hàng năm giáo viên được nghỉ hè rất ít. Nhà trường trả tiền để bồi dưỡng giáo viên trong kì nghỉ hè này, đồng thời họ phải xây dựng kế hoạch dạy học cho năm sau, trong đó chú trọn giáo dục tích hợp liên môn.

Về thiết kế thời khóa biểu, mỗi tuần, nhà trường dành khoảng 7 tiết cho hoạt động bên ngoài, chẳng hạn 3 tiết trải nghiệm sáng tạo, 2 tiết thư viện, 2 tiết tập thể lớp trên tổng số 45 tiết học của tuần đó. Ngoài phòng thực hành hóa sinh, ở đây có phòng thực hành khoa học công nghệ, phòng STEM...

Ngày 24/3, nhiều trường phổ thông trên địa bàn Hà Nội đã tổ chức Ngày hội STEM. Hàng nghìn học sinh đã có mặt và tham gia các hoạt động bổ ích trong khuôn khổ ngày hội, các em và du khách được say mê với thế giới khoa học kì thú do chính học sinh xây dựng.

Tuy nhiên, theo GS Lân Dũng, nhiều người cho rằng, cơ sở vật chất thiếu thốn cũng hạn chế hoạt động STEM. Tuy nhiên, ông đã từng đến một trường nghèo ở Quảng Ninh và thật sự bất ngờ bởi dù thiếu cơ sở vật chất nhưng tinh thần với STEM lại rất tốt và họ sẵn sàng học hỏi.

“Chúng ta có thể xem đây lyà khởi điểm nhưng khởi điểm này không có giới hạn. Các trường chưa đủ điề kiện có thể dạy/học STEM theo cách riêng. Chẳng hạn hiện nay ở các trường đều có phương tiện tối thiểu, giáo viên có thể chia nhóm các em để thực hành trên lớp. Giờ sinh hoạt, thay vì truyền thống như trước, thầy cô có thể hướng dẫn các em làm các vật dụng nhỏ thôi, đôi khi chỉ là chiếc chong chóng đã có thể lý giải được nhiều hiện tượng của cuộc sống”, GS Nguyễn Lân Dũng nói.

Mỹ Hà