Khi phụ huynh thờ ơ

(Dân trí) - Người giáo viên chủ nhiệm lớp thật sự phải gánh khá nhiều áp lực. Từ việc lo chất lượng học tập của lớp đến giáo dục đạo đức, hạnh kiểm cho học sinh và cả việc tổ chức lớp tham gia các phong trào hoạt động. Bên cạnh đó, việc huy động các em đến lớp luôn là một nỗi lo thường trực. Và lúc này đây, tôi càng thấy được vai trò to lớn của sự phối kết hợp giữa gia đình - nhà trường, giáo viên - phụ huynh trong việc giáo dục con trẻ.

Lớp tôi làm công tác chủ nhiệm có 3 em không đến lớp trong ngày đầu tuần. Vội vàng gọi điện liên lạc cho phụ huynh thì chỉ có hai cuộc gọi nhận được sự phản hồi, còn số máy thứ ba cứ mãi đổ chuông mà không ai nhấc máy.

Phụ huynh thứ nhất nghe báo tình hình của con vội cảm ơn cô rồi bảo sẽ đưa con đến lớp ngay. Khoảng một tiếng sau thì người bố đưa con đến lớp và cho biết vừa tìm thấy con ở tiệm Internet đang say sưa chiến đấu với game online. Cậu bé sợ sệt vào lớp với lời gửi gắm của phụ huynh: “Lúc nào cháu không đi học, nhờ cô gọi về giúp cho…”. Anh ấy vội quay về với công việc của mình và không quên cảm ơn cô giáo lần nữa. Tôi cũng thầm cảm ơn anh, nhờ có người bố quan tâm việc học của con như anh mà giáo viên đỡ nặng lòng hơn.

Phụ huynh thứ hai nghe máy và cười xòa bảo chị ấy đã đi làm, hôm nay nhà bà con có giỗ, chắc là nó nghỉ để sang chơi. Tôi nghe đến từ “chắc là” mà chị ấy dùng và bắt đầu liên tưởng đến một người mẹ ít quan tâm đến con, ngay cả việc con đi học hay không cũng không hề biết, rồi khi biết con nghỉ học lại xem như chuyện bình thường. Ngày thứ hai em ấy vẫn không đến lớp, tôi lại phải gọi về và chị ấy bảo rất vô tư là: “Sáng nay nó đau răng xin nghỉ”. Vậy mà các em trong lớp báo cho tôi biết hai ngày nay bạn ấy la cà ngoài quán Internet ở gần nhà. Vốn học yếu, hay vắng học, nay lại viện đủ lí do để chơi bời lêu lổng là một điều rất nguy hại. Khi phụ huynh thờ ơ với việc học của con thì chẳng khác gì tiếp tay cho thói biếng học của con trẻ.

Số điện thoại thứ ba mãi không nhấc máy và nghe phong phanh học sinh trong lớp bảo là bạn ấy nói nghỉ học. Tôi vội vàng chở em lớp trưởng về nhà tìm hiểu. Đó là một gia đình thuộc diện khá giả ở vùng quê này và bản thân nữ sinh đó có sức học vừa phải. Khi em ấy đưa ra lí do nghỉ học vì “học không vô”, “học tiếp không nổi” thì ngay lập tức gia đình chấp thuận. Nhưng bỏ học nửa chừng như thế có uổng không? Với lứa tuổi ấy, sức vóc ấy, liệu em ấy có thể làm được việc gì và học nghề gì mới phù hợp? Dù cố thuyết phục thế nào, gia đình vẫn khăng khăng giữ vững quan điểm cho em ngừng việc học. Thêm một tình huống phụ huynh không đặt nặng vấn đề học tập của con cái và người giáo viên chủ nhiệm như tôi phải bất lực.

Tôi thiết nghĩ sự trưởng thành của một con người không thể giao khoán hoàn toàn cho nhà trường và giáo viên. Bởi mỗi con người lớn lên trong môi trường gia đình, được sự uốn nắn và dạy dỗ của bố mẹ và người thân. Nếp sống, nếp nghĩ của gia đình ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành nhân cách của con trẻ. Nhà trường thực hiện việc giáo dục nhưng cần lắm sự phối kết hợp với gia đình để con trẻ trưởng thành, mạnh về thể chất, khỏe về nhân cách. Khi chiếc cầu nối giữa nhà trưởng - gia đình lệch nhịp, khó tránh khỏi những điều đáng tiếc trong việc giáo dục con trẻ.

Thanh Ny

Mọi thông tin, bài viết đóng góp cho chuyên mục Giáo dục, quý độc giả có thể gửi ban Giáo dục báo điện tử Dân trí theo địa chỉ email giaoduc@dantri.com.vn . Xin trân trọng cảm ơn!

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm