Hướng nghiệp kiểu "cưỡi ngựa xem hoa"

(Dân trí) - Chọn nghề sai là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng thất nghiệp, làm việc không hiệu quả kéo theo các tiêu cực, tệ nạn. Vậy nhưng hiện nay không ít học sinh lại hết sức mơ hồ trong việc chọn nghề nghiệp khi hoạt động hướng nghiệp còn như "cưỡi ngựa xem hoa".

Nhà trường làm cho có

Công việc hướng nghiệp cho học sinh (HS) lẽ ra phải có một vị trí chiến lược trong giáo dục vì nó quyết định đến cuộc đời của từng cá nhân và hiệu quả lao động xã hội. Vậy nhưng việc hướng nghiệp trong trường học lại bắt đầu quá muộn và còn sơ sài. Năm 2006 hoạt động hướng nghiệp cho HS bậc THPT là 27 tiết/năm theo quy định của Bộ GD-ĐT nhưng từ năm 2008 cắt giảm xuống 1/3 thời lượng, chỉ còn 9 tiết/năm.

Ông Bùi Gia Hiếu, hiệu trưởng Trường THPT Nhân Việt, TPHCM kể, ông đã từng “phát hoảng” khi ngồi nghe một tiết hướng nghiệp của giáo viên (GV). Cái khó là GV cũng không được đào tạo, bồi dưỡng trong khi không có giáo trình, tài liệu hướng nghiệp và việc quan trọng trong hướng nghiệp là đưa HS đi trải nghiệm qua các công ty, xí nghiệp thì lại không hề dễ.

Thời lượng cho các tiết hướng nghiệp ít, giáo viên không được đào tạo ... nên hướng nghiệp trong nhà trường còn hời hợt
Thời lượng cho các tiết hướng nghiệp ít, giáo viên không được đào tạo ... nên hướng nghiệp trong nhà trường còn hời hợt

Riêng hệ thống các trường trung cấp, cao đẳng, cao đẳng nghề trong cả nước đã đào tạo hàng trăm ngành học với hàng chục ngành chuyên ngành. Tuy nhiên, ông Nguyễn Quốc Cường, chuyên viên tuyển sinh thuộc cơ quan diện Bộ GD-ĐT tại TPHCM băn khoăn liệu ở trường học GV hướng nghiệp có nắm được sự đa dạng về ngành nghề để định hướng cho các em hay không. Bởi thực tế HS hiểu về nghề nghiệp hết sức nông cạn, sai lệch.

Một trong những hoạt động hướng nghiệp diễn ra sôi động nhất ở các trường phổ thông hiện nay phải kể đến chương trình tư vấn mùa thi của rất nhiều đơn vị tổ chức. Không thể phủ nhận, nhờ vậy các em được tiếp cận với ngành nghề, trường học một cách gần nhất thông qua trả lời của các chuyên gia.

Nhưng hoạt động này còn nặng tính tuyển sinh, giới thiệu và quảng cáo, thực hiện vào sát mùa thi chứ giúp các em có một lộ trình định hình ngành nghề phù hợp với sở thích, khả năng và điều kiện gia đình cần một quá trình chỉ không chỉ một vài buổi tư vấn.

Thậm chí theo lời một GV, hoạt động hướng nghiệp trong nhà trường có khi càng làm HS… chọn sai nghề nghiêm trọng. Có thể các em đã xác định ngành nghề này, xác định theo đuổi nhưng khi nghe giới thiệu, tuyển sinh hấp dẫn quá lại chuyển hướng sang ngành khác sai lệch với khả năng, sở thích của mình.

Chưa nói đến các nơi vùng sâu vùng xa, ngay ở TPHCM theo số liệu của Sở GD-ĐT thành phố thì chỉ có 20% HS có hiểu biết đầy đủ, 5% học sinh có hiểu biết về ngành chọn học, 75% HS thiếu hiểu biết về ngành chọn học.

Gia đình thích “cành cao”

Tuy nhiên, việc hướng nghiệp của HS hiện nay chịu tác động, định hướng nhiều nhất từ chính gia đình. Trong khi, không nhiều phụ huynh nắm bắt rõ về thế giới nghề nghiệp, nhu cầu xã hội và nguy hiểm nhất là họ không hiểu hoặc “bỏ qua” khả năng, sở thích của con.

Có rất nhiều lý do phụ huynh “đam mê” một ngành nào đó thay con. Có thể vì thấy con cái hàng xóm, người quen thành đạt thì cũng muốn con mình giống người ta. Rồi chọn vì quan hệ, có người quen làm trong lĩnh vực nào đó kéo con theo để sau này “cậy” xin việc. Và nhiều trường hợp phụ huynh đặt ước mơ hồi trẻ mình chưa thực hiện được “giao phó” cho con, bắt con sống thay cuộc đời của mình.

Học sinh chủ yếu chọn nghề theo định hướng của gia đình
Học sinh chủ yếu chọn nghề theo định hướng của gia đình

Họ nhìn công việc theo bề nổi, nhìn vào quả ngọt sao cho “sướng tấm thân” để định hướng cũng như áp đặt con chọn ngành nghề. Việc nhìn nhận này có thể sai lệch như học y làm bác sĩ để… lắm quyền, nhiều tiền; học kinh tế để làm giám đốc; học sư phạm để đi dạy thêm. Con vào ĐH vẫn là mục tiêu lớn nhất của nhiều phụ huynh nên họ coi nhẹ việc học nghề.

Có nhiều điều kiện để tiếp cận các kênh thông tin, tham gia nhiều hoạt động tư vấn nghề nghiệp bên ngoài nhà trường, giao lưu với các gương học ngành thành đạt…, các bạn trẻ đã chú trọng hơn đến việc xác định sở thích, đam mê bản thân. Vậy nhưng, theo anh Nguyễn Mạnh Cường (Thành đoàn TPHCM), việc hướng nghiệp này lại chưa đến được với phụ huynh, trong khi các em chọn nghề vẫn chịu tác động lớn nhất từ bố mẹ.

Việc chọn sai ngành nghề có thể đẩy các em đến bi kịch cả cuộc đời và còn gián tiếp gây nên những hệ lụy cho xã hội như gia tăng thất nghiệp, làm việc không hiệu quả, nảy sinh tệ nạn xã hội.

Khi nhà trường và gia đình không giúp được mình trong việc định hướng nghề nghiệp thì chính các em HS cần chủ động tiếp cận thông tin, học cách hiểu bản thân và vượt qua những áp lực để lựa chọn ngành nghề phù hợp cũng như có trách nhiệm với con đường tương lai của mình.

Hoài Nam

(Hoainam@dantri.com.vn)

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm