Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM):

Học sử là để làm người!

(Dân trí) - Theo PGS.TS Võ Văn Sen, lịch sử Việt Nam có hàng ngàn năm văn hiến, lịch sử của ta đẫm máu và đầy những trang anh hùng ca chống chọi với các kẻ thù lớn mạnh. Với bề dày lịch sử như thế, dạy học sinh hiểu, biết về sử cũng như văn, tiếng Việt là vấn đề sống còn đất nước.

PGS.TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng trường ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) là một nhà giáo dục, đồng thời là một nhà nghiên cứu tâm huyết trong lĩnh vực lịch sử. Với đề án tích hợp môn lịch sử của Bộ GD-ĐT, ông có rất nhiều ý kiến bất đồng. Dân trí đã có buổi trao đổi với PGS.TS Võ Văn Sen về vấn đề này và lược ghi các ý kiến chính của ông.


PGS.TS Võ Văn Sen

PGS.TS Võ Văn Sen

Không thể tích hợp các môn tùy tiện

Theo PGS.TS Võ Văn Sen, đề án cải cách chương trình phổ thông của Bộ GD-ĐT có xu hướng giống như Phần Lan đang làm. Đó là thay thế cách dạy những môn truyền thống bằng những lĩnh vực, nhóm ngành kết hợp lại hay còn gọi là tích hợp.

Tuy nhiên, theo ông thì cách làm phá vỡ lối dạy truyền thống theo từng môn học, nhập lại theo lĩnh vực đòi hỏi phương pháp thực hiện hết sức khoa học, đồng bộ mọi mặt từ nội dung cho đến cơ sở vật chất, nhân lực… và rất tốn kém.

Ông cho biết: “ Khuynh hướng này hiện nay trên thế giới không được nhiều nước áp dụng, kể cả các nước tiên tiến như Mỹ, Pháp, Nhật Bản… Phần Lan thành công bởi vì đất nước họ dân số ít, học sinh cũng ít, tài chính dồi dào, phúc lợi cao và đào tạo giáo viên hết sức công phu để có thể dạy tích hợp.”.

Theo ông, bản thân một môn khoa học khi hình thành cũng cần một quá trình lịch sự rất lâu. Một số môn học hiện đại gần đây mới xuất hiện có khuynh hướng giao nhau như môn Địa - Chính trị, Địa – Văn hóa, Địa – Kinh tế hay Lịch sử Kinh tế... Nhưng cũng phải mất quá trình rất phức tạp, kéo dài vài thế kỷ mới có thể hội nhập, tạo ra một môn khoa học mới.

PGS.TS Võ Văn Sen cho rằng: “Bản thân khoa học để ghép với nhau cũng đã rất khó khăn, huống chi mình lại tùy tiện ghép các môn học lại với nhau để dạy là việc làm không khoa học. Trong khi nhiều nước phát triển họ còn không làm thì những nước đang phát triển với kinh phí ít, dân số đông như Việt Nam chắc chắn không thể làm tốt được!”.

“Nước ta không đủ tiền! Mà hơn hết, ghép môn như vậy các giáo viên làm sao có thể dạy được! Họ có được đào tạo tích hợp đâu? Cách làm này không giúp gì cho sự phát triển của giáo dục mà chỉ gây thêm khó khăn, làm giảm chất lượng giáo dục đào tạo mà thôi!”, ông Sen nhấn mạnh.

Gạt bỏ môn Sử là điều ngược ngạo

Theo PGS.TS Võ Văn Sen, Lịch sử là một môn rất đặc biệt, nhiều nước lớn và phát triển vẫn đưa vào dạy bắt buộc trong chương trình giáo dục.

Ông dẫn chứng: “Ngay ở một nước phát triển như Mỹ, dù quá trình hình thành nước rất ngắn nhưng người ta cũng bắt buộc học môn Lịch sử. Ở hệ thống giáo dục trung học, học sinh học đến 4 tiết/tuần. Tương tự, ở Nhật Bản các môn Văn, Toán, Sử là những môn bắt buộc”.

“Chỉ nội việc viết về “vai trò của Nhật bản trong chiến tranh thế giới thứ 2” trong sách giáo khoa trung học phổ thông mà giữa Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản còn cãi nhau rất gay gắt, thậm chí còn dẫn tới xích mích trong quan hệ ngoại giao thì có thể thấy lịch sử quan trọng đến như thế nào đối với các nước”, ông cho biết thêm.

PGS.TS Võ Văn Sen chia sẻ: “Trong lịch sử, những thế lực thù địch làm mọi cách để người Việt Nam không biết lịch sử của đất nước mình. Như trong giai đoạn 1.000 năm Bắc thuộc, người Tàu bắt học chữ Hán và giới thiệu Bắc sử. Đến thời Pháp đô hộ, họ cũng dạy dân ta lịch sử Pháp. Dù vậy, trong từng gia đình Việt vẫn cố gắng giữ gìn sự hiểu biết lịch sử, cội nguồn dân tộc”.

“Thời Pháp thuộc, dù chính quyền ngăn cấm nhưng các gia đình nhà nho, như điển hình là cụ Nguyễn Sinh Sắc vẫn dạy các con mình, trong đó có Bác Hồ hiểu biết truyền thống dân tộc ngay từ nhỏ. Chính vì am hiểu lịch sử đất nước mà Bác Hồ đã vận dụng những bài học lịch sử của tổ tiên trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình”, PGS.TS Võ Văn Sen nhấn mạnh thêm.

Bởi vậy, ông đặt câu hỏi: “Vậy thì trong giai đoạn đất nước độc lập hiện nay, vì sao lại làm một điều ngược ngạo là gạt bỏ môn lịch sử như vậy?”.

Học sử là để học làm người!

Theo PGS.TS Võ Văn Sen, lịch sử Việt Nam có hàng ngàn năm văn hiến, lịch sử của ta đẫm máu và đầy những trang anh hùng ca chống chọi với các kẻ thù lớn mạnh. Với bề dày lịch sử như thế, dạy học sinh hiểu, biết về sử cũng như văn, tiếng Việt là vấn đề sống còn đất nước.

Ông khẳng định: “Theo tôi, môn toán, văn, sử; có thể tính thêm môn ngoại ngữ phải là các môn học nền tảng bắt buộc, dành thời lượng lớn. Đừng làm điều gì giảm sự quan trọng của những môn học này. Bởi đó là nguy hại cho đất nước!”.

“Đã là học chương trình phổ thông thì dù là theo ban tự nhiên hay xã hội thì cũng phải học các môn học nền tảng này. Học sinh tốt nghiệp THPT thì phải hiểu biết lịch sử dân tộc, hiểu biết về đất nước, phải có kiến thức căn bản đó để trở thành một công dân, để làm người!”, PGS.TS Võ Văn Sen nhấn mạnh thêm.

Theo ông, để khôi phục vị trí của môn Sử thì phải nâng tầm quan trọng của nó lên, trước hết là đưa vào dạy bắt buộc.

Ông nói: “Trong khi giáo dục Việt Nam đang gặp vướng mắc về cách dạy, ta lại đưa môn Sử vào môn lựa chọn thì học sinh bỏ hết là điều tất nhiên. Điều quan trọng là phải làm thế nào để học sinh thấy Sử là môn học quan trọng và thích học chứ không thể vì học sinh sợ học nên ta bỏ nó. Vấn đề hiện nay là phải nâng chất để môn học này trở nên hấp dẫn!”.

PGS.TS Võ Văn Sen cũng đánh giá là nội dung sách giáo khoa, đội ngũ giảng dạy và phương pháp giảng dạy của ta đang có vấn đề bất ổn chứ không riêng gì môn sử.

“Chính vì thế nên mới đòi hỏi nền giáo dục đào tạo đổi mới căn bản, toàn diện. Nhưng không nên làm theo kiểu tích hợp như đang làm và cần phải điều chỉnh lại. Trên thực tế, nếu áp dụng kiểu đổi mới này thì rồi đây sẽ thủ tiêu môn lịch sử và tạo ra những thế hệ người Việt không biết lịch sử nước Việt”, ông góp ý.

Lê Phương (ghi)