Hậu Giang:

Học sinh lớp 9 chế “trái nổi báo nước mặn”

(Dân trí) - “Trái nổi báo nước mặn” là sản phẩm từ sáng kiến của nhóm học sinh lớp 9 Trường THCS Phan Văn Trị (thành phố Vị Thanh, Hậu Giang). Sản phẩm được nhiều người quan tâm bởi khả năng ứng dụng thực tế trước diễn biến bất thường của hạn mặn như hiện nay.

anh-1-9-1460618329373

Dự án “trái nổi báo nước mặn” của cô trò trường THCS Phan Văn Trị được nhiều người quan tâm vì khả năng ứng dụng thực tế cao.

Lấy ý tưởng từ thực tế về tình trạng xâm nhập mặn của đồng bằng sông Cửu Long, nhóm học sinh của trường THCS Phan Văn Trị đã sáng tạo và nghiên cứu cho ra đời sản phẩm “trái nổi báo nước mặn”.

Em Lê Thị Hồng Gấm, học sinh lớp 9A3, tham gia thực hiện dự án cho biết: “Năm trước, gia đình em có trồng một vườn rau, nguồn nước tưới tiêu từ con sông cạnh nhà, nhưng vì không hay nước mặn xâm nhập vào khiến vườn rau gia đình em bị chết héo hết. Lúc đó, em buồn lắm, vì vườn rau là nguồn thu nhập chính của bố mẹ để lo cho 4 anh em đi học. Từ đó, em, các bạn và cô giáo đã nghiên cứu “trái nổi báo nước mặn”.

Dự án được hình thành từ tháng 6 /2015, sau 3 tháng thì hoàn thành và được chọn tham gia cuộc thi “Khoa học cấp quốc gia năm 2015 - 2016”. Tại cuộc thi, sản phẩm “trái nổi báo nước mặn” nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà khoa học cũng như người dân.

Cô trò trường Phan Văn Trị nói về quá trình làm trái nỗi

Em Lê Phúc Hưng, học sinh lớp 9A3, trường THCS Phan Văn Trị, thành viên tham gia thực hiện dự án chia sẻ: “Sản phẩm thực hiện trên nguyên lí hoạt động của lực đẩy Ác-si-mét. Đầu tiên chúng em tìm mua quả bóng đồ chơi loại nhỏ của trẻ em, sau đó tiến hành cân muối và nước cất theo tỉ lệ phần ngàn để tạo ra dung dịch nước mặn kế. Tiếp đến, là công đoạn bơm nước mặn kế vào quả bóng theo số liệu đã tính trước. Công việc sau cùng, là hàn nhựa vết bơm lại cho quả bóng. Sau khi hoàn thành “quả nổi báo nước mặn” được thả xuống nước, nếu quả bóng chìm thì chứng tỏ là nước ngọt, còn quả bóng nổi lên mặt nước thì nước đã bị nhiễm mặn”.

Em Hưng cho biết thêm: “Để đo đạc được độ mặn chính xác của nước, chúng em tiến hành tại một vùng nước nhất định với nhiều quả bóng khác nhau về tỉ lệ dung dịch nước mặn kế, đã được đánh dấu trước. Em mong muốn sản phẩm của mình có thể giúp ích được cho các bác nông dân không bị thiệt hại khi nước mặn xâm nhập”.

Sản phẩm trái nổi hoạt động theo nguyên tắc: chìm khi có nước ngọt, và nổi khi có nước mặn.
Sản phẩm trái nổi hoạt động theo nguyên tắc: chìm khi có nước ngọt, và nổi khi có nước mặn.

Cô Lư Thị Huệ, giáo viên giảng dạy môn Vật lý Trường THCS Phan Văn Trị, là người hướng dẫn dự án “trái nổi báo nước mặn” cho biết: “Sản phẩm được hoàn thành từ thực tế tình trạng xâm nhập mặn của Hậu Giang, cũng như nhiều tỉnh thành khác. Nhiều lần xuống thực tế của các vùng nhiễm mặn, nên cô trò thấu hiểu được những vất vả của nông dân khi bị ảnh hưởng của nước mặn. “Trái nổi báo nước mặn” sẽ giúp ích cho người dân nhận biết được khi nào nước mặn xâm nhập vào, từ đó sẽ có biện pháp đóng, đậy cống hợp lí để tích trữ nước ngọt phục vụ cho việc tưới tiêu sản xuất, góp phần nâng cao hiệu quả lao động”.

Ngoài ra, sản phẩm có thể theo dõi độ mặn liên tục và thời gian sử dụng của “trái nổi báo nước mặn”, có thể đến 3 năm. Nhưng giá thành rất thấp, chỉ dưới 20.000đ/sản phẩm, rất dễ triển khai rộng rãi cho bà con nông dân sử dụng. Hiện nay, cô trò trường THCS Phan Văn Trị đang tiến hành cải tiến bổ sung thêm sản phẩm của mình như: khung chứa quả bóng để tránh bị nước đánh trôi,…

Thầy Trần Thanh Giang, Hiệu trưởng trường THCS Phan Văn Trị cho biết: “Lãnh đạo nhà trường, cũng như những thầy cô bộ môn khác hết sức ủng hộ cho dự án “trái nổi báo nước mặn” của cô Huệ và các em học sinh. Vì đây là sản phẩm mang tính vì cộng đồng rất cao, khả năng ứng dụng thực tế tại các vùng bị nhiễm mặn là rất khả thi”.

Nguyễn Trần